Lúc này, CLB Sông Lam Nghệ An đang sở hữu bản sắc và khối thành tích đồ sộ mà bất kỳ địa phương hay đội bóng lắm tiền nhiều của nào cũng phải mơ ước.
Đó là 3 chức vô địch V.League, kỷ lục 3 chức vô địch Cúp QG, kỷ lục 4 chức vô địch Siêu Cúp QG. Đội nhi đồng là 4 chức vô địch; thiếu niên: 6 chức vô địch; đội U17: 7 chức vô địch; U19: 5 chức vô địch và U21: 5 chức vô địch. Cùng với đó là rất nhiều danh hiệu lớn nhỏ khác khiến phòng truyền thống SLNA "trở nên chật chội" hơn bao giờ hết.
Tổng cộng ở những giải đấu chính thức, SLNA đã sở hữu 40 chức vô địch mọi cấp độ. Riêng trong năm 2018, SLNA đã giành 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng trong đào tạo trẻ. Đội 1 SLNA cũng giành 1 tấm HCĐ tại Cúp QG và tràn đầy hi vọng vào Top 3 cuối mùa V.League.
TGĐ SLNA ông Nguyễn Hồng Thanh tự hào chia sẻ: “Tại V.League thời điểm này, không có đội bóng chuyên nghiệp nào tham gia đầy đủ tất cả các giải đấu trẻ như SLNA. Đó có thể xem là một kỷ lục bên cạnh những chức vô địch đã đạt được”.
Tạm xếp lại những hào quang, thời điểm hiện nay, SLNA vẫn còn gặp rất nhiều hạn chế và khó khăn về cơ chế, nền tài chính trong bối cảnh bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển; các lò đào tạo khác vươn mình trỗi dậy, từng chiếm mất vị thế của SLNA.
Sông Lam Nghệ An đang đứng trước cơ hội chuyển mình. Ảnh: Trung Kiên |
Tính đến thời điểm này, SLNA mỗi năm đang nhận được gói tài trợ 30 tỷ từ Ngân hàng Bắc Á, nhưng kết thúc năm 2018 cũng là thời điểm đáo hạn hợp đồng. Ngoài ra trong công tác đào tạo trẻ, ngân sách 25 tỷ/năm chi cho SLNA cũng đủ đảm bảo duy trì mọi hoạt động.
Tuy nhiên, trong bóng đá chuyên nghiệp, đào tạo trẻ là một yếu tố quyết định. Và đào tạo trẻ cần sự đầu tư dài hơi, vì vậy bài toán trước mắt của SLNA chính là kinh tế, nguồn tài trợ. Để bóng đá xứ Nghệ xứng tầm với tiềm năng phát triển và duy trì thương hiệu SLNA, cần một đơn vị kinh tế hàng đầu Việt Nam thay vì trông chờ vào ngân sách hay sự cưu mang.
Suốt nhiều năm qua, khi chứng kiến hàng loạt nhân tài dứt áo rời SLNA, đi tìm bến đỗ mới, tương lai mới, người ta đặt ra những dấu hỏi, vì sao SLNA không tìm được nhà tài trợ nào xứng tầm và có tâm?.
Nên nhớ rằng năm 2009, khi SLNA còn chưa được cổ phần hóa, ông “bầu” Đỗ Quang Hiển đã từng cử người vào Nghệ An "làm bóng đá". Tuy nhiên, giữa cơ chế thị trường nhiều biến động, vừa giữ được bản sắc và vừa tồn tại, phát triển mạnh mẽ là điều rất khó đối với đội bóng xứ Nghệ hiện nay.
Sau những thành công vượt bậc trong một năm bản lề của đội bóng xứ Nghệ, những người làm bóng đá SLNA đang xúc tiến tìm kiếm những nhà tài trợ mới.
Theo thông tin mà PV Báo Nghệ An có được, thời gian này, SLNA đang triển khai đề án đàm phán với một tập đoàn lớn. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, có thể xem đó là một bước ngoặt mới của bóng đá xứ Nghệ. Và sẽ tuyệt vời hơn nếu NH Bắc Á và nhiều doanh nghiệp nữa cùng san sẻ, chung tay đầu tư cho bóng đá xứ Nghệ.
Mới đây, HLV Nguyễn Đức Thắng cũng chia sẻ không có chuyện NH Bắc Á rút lui ngay lập tức, vấn đề là nhà tài trợ tăng hay giảm số tiền tài trợ và còn tùy thuộc nhiều vào UBND tỉnh.
Thương hiệu và tiềm năng của bóng đá Nghệ An - Hà Tĩnh nói chung và SLNA nói riêng là không thể phủ nhận. Và có lẽ đây là thời điểm thích hợp nhất để các doanh nghiệp tìm đến SLNA làm bóng đá một cách bài bản, có tầm nhìn.
Tác giả: Hoài Hoan
Nguồn tin: Báo Nghệ An