Năm 2008, ông Phan Nam Long (chồng bà Đậu Thị Lý) thành lập Công ty CP Thương mại và dịch vụ Thành Châu (gọi tắt là Công ty Thành Châu, do ông Long làm giám đốc).
Để có vốn kinh doanh, năm 2009 đến năm 2011, Công ty Thành Châu đã vay của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam chi nhánh TP Vinh (NH Eximbank Vinh) tổng số tiền 11,7 tỷ đồng.
Tài sản thế chấp cho số tiền trên là quyền sử dụng đất kèm theo tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất của 5 bất động sản do bà Lý, ông Long và gia đình gây dựng từ khi kết hôn đến nay.
Tổng giá trị của 5 tài sản thế chấp, bảo lãnh cho số tiền vay nêu trên được NH Eximbank Vinh định giá khoảng 20 tỷ đồng.
Ngôi nhà bà Đậu Thị Lý - nơi nhóm người lạ mặt tới đe dọa.
Do làm ăn thất bại, nên đến hạn thanh toán, NH Eximbank Vinh yêu cầu ông Long và vợ là bà Lý phải thanh toán tổng số tiền gốc và lãi là 13,2 tỷ đồng.
Vào thời điểm NH Eximbank Vinh được quyền phát mại tải sản, ông Long bị Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu tuyên phạt 30 tháng tù về tội “tàng trữ trái phép chất ma tuý”.
Chồng đi tù vì nghiện hê-rô-in và tàng trữ ma tuý, một mình bà Lý phải xoay xở để trả khoản nợ gốc và lãi của Công ty Thành Châu cho NH Eximbank Vinh và nuôi 3 người con ăn học.
Do bấn loạn về tâm lý vì số nợ quá lớn của chồng để lại, bà Lý được một người bạn giới thiệu tìm đến luật sư Lê Văn Bá đang hành nghề tại tỉnh Đồng Nai.
Gặp ông Bá tại TP Vinh, bà Lý nhận được lời hứa: ông Bá sẽ đòi lại cho bà Lý 3 khối tài sản là bất động sản kèm theo giấy chứng nhận QSD đất từ NH Eximbank Vinh đang giữ mà bà Lý chỉ phải thanh toán cho phía chủ nợ khoảng 10 tỷ đồng.
Đổi lại, bà Lý chỉ phải trả cho luật sư Bá 20% tổng giá trị của 3 khối tài sản nêu trên. Ngày 30/10/2015, cam kết nói trên của ông Bá được thực hiện bằng “Hợp đồng dịch vụ pháp lý” (do luật sư Bá soạn thảo) ký giữa ông Bá với bà Lý và chị ruội ông Long (cũng tên là Lý).
Viết giúp lá đơn... đòi 5,05 tỷ đồng.
Sau khi ký xong “Hợp đồng dịch vụ pháp lý”, tâm trạng bà Lý (vợ ông Long) rối bời. Bà Lý đem bản hợp đồng ra hỏi những người thân, những người hiểu biết pháp luật và hỏi ý kiến 3 người con (đã đủ 18 tuổi). Khi xem nội dung hợp đồng nêu trên, ai cũng phản đối.
Hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Mọi người hỏi bà Lý: liệu luật sư Bá có đòi được thật không hay chỉ là những lời hữa hão? 20% phí dịch vụ của tổng giá trị 3 tài sản thế chấp đòi được sẽ là bao nhiêu tiền?
Tại sao bà lại phải thanh toán trước 50 triệu đồng cho luật sư Bá khi mọi việc vẫn đang rất mù mờ… Nếu bà Lý thua kiện, luật sư Bá có hoàn trả lại số tiền “tạm ứng” phí dịch vụ pháp lý cho “thân chủ”?...
Ngôi nhà bà Lý đã bán đủ số tiền để trả nợ NH Eximbank Vinh.
Bà Lý cho mọi người xem cái đơn khởi kiện NH Eximbank Vinh gửi Toà án nhân dân huyện Diễn Châu vỏn vẹn 3 trang, do luật sư Bá soạn thảo.
Những người hiểu biết pháp luật nói thẳng với bà Lý: Đơn khởi kiện của bà Lý sai cơ bản về đối tượng khởi kiện! Bà Lý đã tự nguyện ký tên, chấp thuận đem 3 khối tài sản chung của gia đình ra để thế chấp cho Công ty Thành Châu vay vốn thì kiện làm sao được nữa?
Nguyên đơn phải là các con bà Lý mới đúng. Nếu kiện được thì tại sao trong “Hợp đồng dịch vụ pháp lý” liên quan đến 3 khối tài sản chung trên, luật sư Bá không yêu cầu các con bà Lý ký?
Đơn khởi kiện do luật sư Bá thảo cho bà Lý.
Trong thời gian giữa luật sư Bá và bà Lý chưa thống nhất việc thực hiện “Hợp đồng dịch vụ pháp lý” thì bên mua tài sản chấp nhận nâng giá thêm 400 triệu đồng nữa để giúp bà Lý nộp đủ tiền cho NH.
Sau khi nộp đủ 13,2 tỷ đồng, ngày 28/01/2016, NH Eximbank Vinh “đồng ý tất toán khoản nợ của Công ty Thành Châu” và “giải chấp toàn bộ tài sản thế chấp”, trong đó có 3 khối tài sản nêu trên.
Biết bà Lý không thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký, luật sư Bá đã diện thoại, nhắn tin cho bà. Một trong số tin nhắn luật sư Bá gửi cho bà Lý từ số điện thoại: 091.867.877… và số 091847736… còn lưu lại như sau: “Hai chị không có thời gian đi thanh toán phí dịch vụ pháp lý cho bên em được, vậy thì cứ chuẩn bị đủ: 5.050.000.000 đồng (năm tỷ không trăm năm mươi triệu đồng) em cho người tới lấy? Cảm ơn.”
Tin nhắn của luật sư Bá gửi cho “thân chủ” lúc 13 giờ 30 ngày 17/3/2016.
Đến ngày 20/4/2016, một nhóm người lạ mặt đã tìm đến nhà bà Lý.
Tại nhà bà Lý, nhóm người lạ ngang nhiên chửi bới, đe doạ bà Lý và các con bà. Sau những lời lẽ, động tác, hành vi có tính “cảnh cáo”, “dằn mặt”, nhóm người đó bỏ về.
Ngày 28/4, nhóm người lạ mặt trên lại xuất hiện, xông vào nhà bà Lý như chốn không người. Do bà Lý đi vắng nên chúng văng tục với người trông nhà và bỏ ra về.
Ngay sau lần thứ nhất nhóm người lạ mặt đến nhà bà Lý với những hành động ngang ngược nêu trên, bà Lý đã có đơn trình báo với Công an xã Diễn Thành và Công an huyện Diễn Châu.
Nội dung đơn, bà Lý trình bày diễn biến vụ việc và đề nghị được cơ quan bảo vệ pháp luật bảo vệ tính mạng bà và cho con bà. Thế nhưng, cho đến nay, bà Lý chưa thấy Công an xã Diễn Thành cũng như Công an huyện Diễn Châu vào cuộc để giúp đỡ, bảo vệ tính mạng cho bà.
Đơn trình báo của bà Lý gửi cơ quan chức năng và cơ quan báo chí.
Đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Diễn Châu cần kịp thời vào cuộc để điều tra xác minh và làm rõ, ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra đối với tính mạng, tài sản của công dân trên địa bàn.
Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả bài viết: Trần Cường