Ông Trần Văn Sâm (trái) - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Đông Á |
Trong số các doanh nhân đình đám gốc Nghệ, ông Trần Văn Sâm là một trường hợp khá thú vị. Sự nhạy bén của doanh nhân sinh năm 1969 ở Diễn Châu sớm bộc lộ với việc thành lập CTCP Đông Á năm 2005, xây dựng nhà máy sản xuất tivi màu tại Bình Dương với thương hiệu tivi SAM. Nhà máy có diện tích 24.000 m2, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng đi vào hoạt động từ năm 2006 với doanh thu hàng năm trên 350 tỷ đồng. Năm 2010, Đông Á đứng thứ 3 trong Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST 500).
Sau khi có nguồn tích luỹ đáng kể từ lắp ráp, kinh doanh tivi, ông Trần Văn Sâm nhanh chóng mở rộng ra các lĩnh vực kinh doanh khác, đáng kể nhất phải là Khu công nghiệp Đá Bạc tại huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là "cứ điểm" của Đông Á cho tới nay.
Ở Nghệ An, ông Sâm được nhắc đến nhiều với biệt danh Sâm "Đông Á", thường tài trợ tivi cho địa phương này. Đông Á của đại gia Trần Văn Sâm cũng quay về đầu tư khá nhiều dự án tại Nghệ An, có thể kể tới tổ hợp Chợ Giát tại Quỳnh Lưu với diện tích xây dựng 15.431m2, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2010.
Một dự án quy mô lớn khác là tổ hợp biệt thự cao cấp, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí diện tích 136.757,7m2, có vốn đầu tư 850 tỷ đồng được UBND tỉnh Nghệ An chỉ định cho Đông Á từ năm 2010. Dự án có vị trí đắc địa, nằm cạnh sông Lam, giữa hai cầu Bến Thuỷ 1 và Bến Thuỷ 2. Tuy vậy, dự án sau nhiều năm chậm tiến độ đã bị thu hồi và giao cho nhà đầu tư khác.
Trụ sở Cục thuế Nghệ An (cũ) được giao chỉ định cho Công ty Đông Á, nay đã hoàn thành xây dựng dự án thương mại. Ảnh: VĂN DŨNG |
Đáng chú ý hơn cả phải kể đến dự án thương mại tại 66 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Hưng Bình, TP. Vinh với diện tích đất 5.160m2, vốn đầu tư 430 tỷ đồng. Khu đất vàng giữa lòng TP.Vinh trước đây là địa chỉ Cục thuế tỉnh Nghệ An, tuy nhiên sau đó đã được chính quyền địa phương này bán chỉ định cho Công ty Đông Á của đại gia Trần Văn Sâm.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, doanh nhân năm nay 51 tuổi đã xây dựng được một hệ sinh thái doanh nghiệp có quy mô, xoay quanh pháp nhân lõi là CTCP Đông Á.
Đông Á có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, trong đó ông Trần Văn Sâm nắm 86,667%, một cá nhân cùng hộ khẩu thường trú là bà Nguyễn Thị Thắng có 1,167%, ông Nguyễn Tiến Dũng (Diễn Châu, Nghệ An) nắm 0,166% và ông Đỗ Cao Bằng (Phú Nhuận, TP.HCM) sở hữu 12% còn lại.
Tới tháng 7/2017, ông Đỗ Cao Bằng thoái hết phần vốn có mệnh giá 14,4 tỷ đồng khỏi Đông Á. Cơ cấu sở hữu và vốn cổ phần của doanh nghiệp này duy trì cho đến hiện tại.
Dự án 13,67ha nằm bên cầu Bến Thuỷ từng được giao cho Công ty Đông Á nhưng đã bị thu hồi, chuyển cho nhà đầu tư khác. Ảnh: VĂN DŨNG |
Năm 2013, ông Trần Văn Sâm thành lập CTCP Đông Á Châu Đức, hiện có vốn 160 tỷ đồng, là chủ đầu tư Khu công nghiệp Đá Bạc có diện tích giai đoạn 1 là 295ha với tổng vốn 530 tỷ đồng.
Ở một diễn biến đáng chú ý, vào cuối năm 2019, CTCP Đông Á đã đổi tên thành CTCP Tập đoàn Năng lượng SAM, phần nào cho thấy định hướng phát triển mới của đại gia họ Trần. Quả thực, trong cơ sốt đầu tư phát triển điện mặt trời, Tập đoàn Năng lượng SAM hiện là chủ đầu tư 2/7 dự án điện mặt trời ở huyện Châu Đức, trực tiếp đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Đá Bạc công suất 48MW và thông qua CTCP Đông Á Châu Đức đầu tư Nhà máy điện mặt trời Đá Bạc 4 công suất 50MW.
Tổng vốn đầu tư của cả hai dự án lên tới 2.436 tỷ đồng, cho thấy tham vọng và tiềm lực lớn của doanh nhân "gốc" Nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, các dự án này đều nhận được dòng tín dụng lớn từ các ngân hàng, với dự án Đá Bạc là BIDV chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu, còn với Đá Bạc 4 là HDBank chi nhánh Vũng Tàu.
Tác giả: VĂN DŨNG - SỸ TÂN - XUÂN TIÊN
Nguồn tin: nhadautu.vn