Thế giới

M-4 Sherman - loại tăng 'lấy thịt đè người' của quân đội Mỹ

Giáp mỏng hơn, hỏa lực yếu hơn, nhưng xe tăng Sherman của Mỹ vẫn giành ưu thế trước phát xít Đức nhờ áp đảo về số lượng.

Một kíp tăng M-4 Sherman của quân đội Mỹ. Ảnh: Wikimedia

M-4 Sherman là loại xe tăng hạng trung của bộ binh và Thủy quân Lục chiến Mỹ góp mặt trong mọi chiến trường như Bắc Phi, Thái Bình Dương và châu Âu trong Thế chiến II.

Tăng Sherman nổi tiếng về độ bền nhờ các linh kiện đạt chuẩn và chất lượng của dây chuyền lắp ráp. Đây hẳn là một xe tăng lý tưởng bởi nó dễ dàng sửa chữa và điều khiển, không gian bên trong cũng khá rộng rãi. Tuy nhiên, trên chiến trường, xe tăng M-4 Sherman lại là một "bẫy tử thần" đối với kíp lái, theo WarIsboring.

Trong khi hầu hết mọi xe tăng trong Thế chiến II chạy bằng dầu diesel, loại nhiên liệu an toàn và ít gây cháy, tăng Sherman lại sử dụng động cơ xăng công suất 400 mã lực. Khi kết hợp với đạn dược mang theo bên trong, thùng xăng lớn này có thể biến cỗ xe tăng thành một ngọn đuốc khổng lồ chỉ sau một lần bị trúng đạn pháo địch.

Sau khi Thế chiến II bùng nổ, quân đội Mỹ bắt tay vào phát triển tăng Sherman trang bị pháo 75 mm với kíp tăng 5 người, đóng vai trò là xe tăng chiến đấu chủ lực của bộ binh và thủy quân lục chiến Mỹ trong thời gian còn lại của cuộc chiến.

Tuy nhiên, ngay thời điểm ra mắt, tăng Sherman thực sự không có gì ấn tượng. Giáp bảo vệ không đáng kể và cần liên tục cải tiến, pháo 75 mm gần như vô hại trước các xe tăng mới nhất của Đức như Tiger và Panther. Loại tăng này chỉ thích hợp cho việc tấn công các mục tiêu ít được bảo vệ tốt như xe bán tải, pháo binh và bộ binh Đức.

Cỗ xe M-4 Sherman càng trở nên mỏng manh hơn khi đối mặt với xe tăng Tiger trang bị pháo 88 mm vượt trội của phát xít Đức. Chỉ bằng một phát đạn, tăng Tiger cũng có thể xuyên thủng lớp giáp tương đối mỏng của Sherman. Nếu may mắn, kíp lái 5 người bên trong có vài giây để thoát ra ngoài trước khi bị thiêu sống. Do đó, tăng Sherman còn có biệt danh nghiệt ngã là Ronson (bật lửa), bởi nó dễ dàng bốc cháy ngay lần đầu trúng đạn.

Gus Stavros, một cựu binh từng chứng kiến cuộc đọ sức giữa tăng Sherman và tăng Tiger bên ngoài thị trấn Nennig, Đức, cho biết cuộc chiến giữa hai cỗ xe tăng này chỉ có thể mô tả bằng từ "kinh hoàng".

"Tôi đã chứng kiến cảnh những người lính nhảy ra khỏi cỗ xe tăng đang bốc cháy. Tăng Tiger của Đức trang bị pháo 88 mm dễ dàng thổi tung tăng Sherman thành từng mảnh cho đến khi không còn gì sót lại ngoài cột khói và lửa", ông nói.

Xe tăng Tiger của phát xít Đức. Ảnh: Wikimedia

Trong Chiến dịch châu Âu, sư đoàn thiết giáp số ba với biên chế 232 xe tăng M-4 Sherman tham chiến với quân Đức ở Normandy. "Qua nhiều trận chiến, sư đoàn này được bổ sung xe tăng liên tục, khi có tổng cộng 648 chiếc Sherman bị phá hủy hoàn toàn, 700 chiếc khác bị loại khỏi vòng chiến. Tỷ lệ tổn thất mà họ phải hứng chịu là 580%", Belton Cooper, tác giả cuốn "Bẫy Tử thần", một công trình nghiên cứu về các sư đoàn thiết giáp Mỹ và các trận chiến ở châu Âu trong Thế chiến II, viết.

Nhìn chung, xe tăng Mỹ trong Thế chiến II đều yếu hơn đối thủ Đức gần như về mọi mặt, bởi xe tăng Đức có bộ giáp bảo vệ và hỏa lực mạnh hơn. Nhưng trên chiến trường khốc liệt, lớp giáp và hỏa lực mạnh không phải là tất cả. Tăng Sherman đã chiếm ưu thế trước đối thủ nhờ chiến lược "lấy thịt đè người".

Các sử gia cho rằng sức mạnh của tăng Sherman nằm ở số lượng. Dù không phải là tăng tốt nhất nhưng nhờ phương thức sản xuất hiệu quả, tăng Sherman trở thành loại chiến xa được sản xuất nhiều thứ hai sau tăng huyền thoại T-34 của Liên Xô. Từ 1942 đến 1945, Mỹ sản xuất ra 49.234 chiếc Sherman, thậm chí còn cung cấp 21.959 xe cho quân Đồng minh, trong đó có cả Liên Xô.

Ngược lại, tăng Tiger Đức dù uy lực hơn nhưng đắt đỏ, tốn nhiều nhân công và chi phí vận hành nên người Đức chỉ sản xuất ra được hơn 1300 chiếc. Bởi vậy, khi tăng Tiger loại bỏ được một chiếc Sherman, Mỹ luôn có một chiếc Sherman khác nhảy vào tham chiến.

Xe tăng Sherman bị bắn cháy trên chiến trường. Ảnh: Wikimedia


Dù còn tồn tại nhiều điểm yếu, tăng Sherman vẫn là tăng chủ lực Mỹ trong thời gian dài. Trong các trận chiến trên địa hình trống trải, tăng Sherman thường đóng vai trò tiên phong để lính Mỹ nấp đằng sau, che chắn cho họ trước làn hỏa lực súng máy MG-42 từ lính Đức. Khẩu pháo 75 mm khai hỏa liên tục, nhắm vào các công sự, vị trí ẩn nấp của bộ binh Đức.

Các vũ khí bổ sung như hai khẩu súng máy M1919 Browning 7,62 mm và một khẩu M2 Browing 12,7 mm trên tháp pháo giúp tiêu diệt bộ binh hay xóa sổ các ổ súng máy Đức.

Tại chiến trường Thái Bình Dương, thủy quân lục chiến Mỹ trang bị súng phun lửa hoặc napalm trên tăng Sherman để tiêu diệt các vị trí phòng ngự của phát xít Nhật. Mỹ sau đó còn sử dụng loại tăng này trong Chiến tranh Triều Tiên. Sherman tiếp tục được Mỹ và đồng minh sử dụng đến thập niên 1970, bất chấp sự ra đời của loại tăng thay thế M48 Patton.

Tác giả bài viết: Duy Sơn

  Từ khóa: phát xít ,hỏa lực ,áp đảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP