Thể thao

'Lương trọng tài ngày xưa chỉ 3.5 triệu, giờ lương 35-40 triệu mà còn làm bậy'

Sau sự việc xảy ra trên sân Pleiku, cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng đã dành những chia sẻ rất chân tình về cách xử lý tình huống chưa thật sự thấu đáo của trọng tài Ngô Duy Lân; cùng với đó là những góc khuất của nghề trọng tài và cả những lời nhắn gửi từ tâm can dành cho thế hệ trọng tài trẻ.

Theo đó, trước khả năng được phóng viên VnBongda đặt ra về việc liệu có phải Thành Lương bị trọng tài Ngô Duy Lân rút thẻ đỏ là do đã có lời lẽ không phù hợp, còi vàng 2006 Dương Mạnh Hùng tỏ ra đồng tình với phỏng đoán này, tuy nhiên ông cho rằng việc phạt thẻ cầu thủ cần xem xét dưới nhiều góc độ, chứ không phải cứ xử lý cứng nhắc như vậy.

Còi vàng 2006 Dương Mạnh Hùng (Ảnh: TTVH)

“Cũng như theo tôi dự đoán, chắc chắn thẻ đỏ của Thành Lương là do chửi thề. Nhưng mà cái chuyện anh em trọng tài cũng như là cuộc sống thôi, cầu thủ chửi thề mà lại cho rằng đó là hành vi lăng mạ, sỉ nhục mình là không được. Tôi không ủng hộ cũng không bênh, nhưng nếu thế liệu mình có cứng nhắc quá không? Thẻ vàng đầu tiên do phản ứng theo kiểu bộc phát thôi, sau đó Thành Lương có thể do ức quá nên phản ứng tiếp. Thế là trọng tài tỏ ra cái oai. Nên tôi nói giải pháp của Ngô Duy Lân là quá cứng nhắc và hoàn toàn không thuyết phục.

Cái câu chửi thề thì nó không văn hóa. Chúng ta nhiều khi bực mình lên hay gì đó thì cũng chửi thề, văng tục, nhưng không phải mình miệt thị người đối diện với mình.

Chửi thề với chửi thẳng nó khác nhau, trong khi đó anh lại là người xử lý người ta vì một sự phản ứng rồi, thì họ có chửi thề đi chăng nữa thì mình phải có cách nào đó, kể cả là mình không bằng lòng. Tôi không hề ủng hộ chuyện chửi thề đâu. Mọi người thấy đấy có phải Thành Lương chuẩn bị có hành động bạo lực hay gì đâu, đã cho thẻ vàng đầu tiên vì hành vi rồi lại cho thêm thẻ đỏ vì hành vi tiếp. Giọt nước tràn ly chính là ở chiếc thẻ đỏ”, ông Hùng phân tích.

Tình huống Thành Lương phải nhận thẻ đỏ và khiến cho HLV Chu Đình Nghiêm “nổi khùng” (Video: BĐTV)

Tuy nhiên, khi phóng viên VnBongda tiếp tục đặt trường hợp Thành Lương đã “chửi thẳng” chứ không phải “chửi thề”, ông Hùng vẫn tỏ ra bình tĩnh và cho rằng vẫn cần phải xem xét sự việc dưới nhiều góc độ trước khi quyết định xử lý.

“Nếu cầu thủ chửi thẳng trọng tài nó phải ở góc độ như thế nào. Nếu đặt mình vào vị trí của trọng tài Duy Lân, khi Thành Lương chửi thề, tôi sẵn sàng đi ra bảo: Em bình tĩnh, em mà chửi anh thì anh sẽ cho em ra khỏi sân, hành vi của em là hành vi phi thể thao, thiếu văn hóa, đây là anh chỉ giáo dục em thôi còn nếu em chửi anh nó sẽ khác.

Nhưng mà nếu như Thành Lương chửi thẳng thì hai cái lại khác nhau. Nghĩa là giữa câu nói và thái độ hành động thì mình phải xét ở góc độ ra sao, bởi lúc này mình phải xác định không chỉ xử lý hành vi với một cầu thủ, mà còn phải xét theo góc độ với cuộc chơi, với khán giả, với 22 cầu thủ trên sân và với ban huấn luyện nữa. Cho nên cái này là ở mình. Nếu như chỉ cần hơi giáo dục cầu thủ một chút ở việc làm đó thôi thì tự nhiên anh có tất cả và trận đấu không đổ vỡ, tôi khẳng định như vậy. Nên ở đây tôi nói về cái giải pháp của trọng tài ở các tình huống đó là cả một vấn đề.

Vì sao mà tự nhiên cầu thủ lại khùng lên với anh và nếu họ sai thì chắc chắn nó chỉ có giới hạn. Chứ nếu họ đúng mà họ vẫn nổi khùng lên thì trọng tài cần xem lại chính mình.

Trọng tài Dương Mạnh Hùng là người luôn “đau đáu với nghề” dù đã nghỉ hưu từ lâu (Ảnh: bongda)

Đã từng có trường hợp tôi làm đúng nhưng cả đội Hải Phòng, 7,8 cầu thủ từ thủ môn chạy lên quây lấy tôi. Tôi chỉ bảo lại: “Thế các em định làm gì anh? Anh xử thẻ đỏ quả vừa là đúng đấy. Bây giờ sao đây? Các em về đá bóng tiếp, trận đấu còn, anh chịu trách nhiệm”. Họ quây vào chửi tôi, dọa tôi “không ra nổi Hải Phòng”. Tôi bảo em đừng dọa anh, em chưa hiểu anh đâu, sau trận đấu anh sẽ nói chuyện với em, giờ đá bóng tiếp đi. Cuối cùng mọi thứ hạ hỏa.

Còn có trận đấu mình thổi đúng mà cuối cùng họ nhổ nước bọt thẳng vào mặt tôi. Tôi để nguyên như vậy, cười và bảo: em ơi, em dại lắm, hậu quả em tự lĩnh đấy. Sau đó tôi ra báo cáo sự việc với trọng tài thứ 4 để ghi biên bản. Đó là cầu thủ Đào Thế Phong của Hải Phòng, về sau bị treo giò 8 trận đấu nhưng vẫn xin lỗi tôi”, trọng tài Dương Mạnh Hùng nói.

Tiếp tục những trải lòng về nghề trọng tài, Còi vàng 2006 chia sẻ:

“Ngày xưa những trận nào căng nhất, quyết liệt nhất, tiền tỷ nhất là tôi thổi. Mà tôi còn từng bị dọa đánh tại địa phương, bị nhổ nước bọt vào mặt, tôi vẫn bình thường, do cách giải quyết của mình thôi. Cầu thủ đã sai rồi, trọng tài mình làm đúng, sau đó cầu thủ mất bình tĩnh và dẫn tới một cái sai hơn nữa thì chẳng lẽ mình lại khùng như nó à? Không được. Đâu phải chỉ có mình cầu thủ ấy đâu, còn 21 cầu thủ khác trên sân và bao nhiêu người thì sao?

Cho nên tôi vẫn đánh giá rằng trận đấu đang rất hay nhưng đổ vỡ là do trọng tài Duy Lân có góp phần vào liên quan đến cách giải quyết. Vậy nên mới nói công việc trọng tài khó là ở chỗ đó. Cách giải quyết của trọng tài trong công việc khác nhau lắm, không ai dạy ai được đâu. Nhưng quan trọng mình phải biết xác định cuộc chơi. Tôi luôn muốn tâm sự với anh em trọng tài trẻ “đừng nghĩ mình là ai”. Có nhiều trọng tài làm sai, thổi sai rồi, cầu thủ cảm thấy oan thế là còn ra làm le rồi dọa, quát cầu thủ bảo không đứng dậy thì cho thẻ vàng, thẻ đỏ bây giờ! Nên có nhiều tình huống buồn cười lắm. Cầu thủ sai, trọng tài ra làm sai tiếp. Cầu thủ đúng, trọng tài ra dọa nạt”.

Phản ứng gay gắt của HLV Chu Đình Nghiêm đối với trọng tài Ngô Duy Lân ở trận HAGL vs Hà Nội (Ảnh: LĐ)

“Tôi luôn đau đáu về nghề nên rất muốn chia sẻ với các anh em trọng tài, nhưng mà có vẻ như họ cũng không có thiện chí về việc trau dồi kinh nghiệm. 17 điều luật thì mỏng dính, nhưng nó phát sinh ra hàng chục ngàn câu hỏi. Vậy cho nên người ta chỉ nói về tinh thần của luật. Cũng như lỗi nhận định, nếu không phân tích đúng thì làm sao làm đúng được. Trọng tài phải học cả đời, tôi giờ đã nghỉ đến 10 năm rồi vẫn học cơ mà. Cái sai của trọng tài có giấu được 1,2 trận, chứ làm sao giấu được cả đời trọng tài.

Như tôi, 230 trận đấu chưa bị một trận đấu nào để phải mang tai tiếng trong hơn 10 năm. Tôi rất tập trung và thiện chí. Có những pha tôi hoặc trợ lý sai, tôi đã quyết định rồi và không muốn thay đổi thì nói với cầu thủ luôn là vừa rồi tôi không chuẩn đâu nhưng anh em mình thực hiện đi. Nhưng tuyệt đối phải tránh các tình huống thẻ đỏ, thẻ vàng, 11m, bàn thắng, ảnh hưởng tới kết quả trận đấu. Đó là điều tối kị, mình có sai thì phải thay đổi ngay khi nó chưa được thực hiện. Như vậy tự nhiên cầu thủ họ thấy rằng trọng tài cũng là con người, sai nhưng người ta vẫn thiện chí, chỉ vì lý do khách quan thôi.

Trọng tài Nguyễn Hiền Triết sẽ là người “lĩnh ấn” trong trận tứ kết lượt về cúp QG giữa Hà Nội vs HAGL (Ảnh: ANTĐ)

Trong khi trọng tài Việt Nam luôn được bao che, thậm chí còn bị bắt làm sai nên yếu và bị mất niềm tin là đúng. Từ khi tôi đi làm trọng tài những năm 96,97, đến giờ phút này tôi nghỉ 10 năm nay rồi, có trọng tài nào dám thẳng thắn như tôi không? Tôi làm vì yêu, vì đam mê chứ đâu phải vì cuộc sống này kia.

Ngày xưa lương tôi có 3 triệu rưỡi, giờ lương họ 35-40 triệu mà còn làm bậy. Tôi ngày xưa mà làm bậy thì nó đã khác nhiều rồi. Tôi không có thù hằn cá nhân gì với ai, chẳng qua người ta chưa đúng thì tôi muốn mọi thứ tốt lên thôi. Ngày còn cầm còi, tôi đã từng đề nghị trao đổi trực tiếp với trọng tài Dương Văn Hiền về chuyên môn, chí hướng nhưng đâu có dám đâu”, ông Hùng trải lòng.

Tác giả: Phong Miêu (MASK)

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP