Bỏ nhà sống lang thang, nhóm đối tượng gồm Nguyễn Tiến Định (30 tuổi, trú tại xóm Tân Tiến, xã Công Lý, huyện Lý Nhân); Vũ Tiến Duy (16 tuổi); Vũ Văn Biển (28 tuổi, trú tại thôn Lưu, xã Đạo Lý, Lý Nhân); Bùi Văn Tài (25 tuổi, trú tại xóm Tân Thịnh, xã Công Lý); Phạm Công Hưng (25 tuổi, trú tại thôn Đông Lâm, xã Đạo Lý; Nguyễn Tiến Điệp (24 tuổi), đối tượng này là em trai ruột của Định đã gây ra 30 vụ trộm xe máy và hơn 20 vụ cướp giật tài sản.
Một đối tượng trong nhóm cướp taxi bị bắt giữ. |
Các đối tượng này có lối sống không lành mạnh. Chúng tụ tập bàn nhau thực hiện các vụ cướp giật tài sản liều lĩnh chỉ với mục đích duy nhất là lấy tiền đập đá và thuê nhà sống bầy đàn với nhau.
Vào thời điểm Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Nam và Công an huyện Duy Tiên bắt giữ, các đối tượng vẫn còn phê đá. Chúng cố thủ trong nhà, chuẩn bị hung khí để đối phó với lực lượng làm nhiệm vụ.
Trong số này, đáng chú ý có trường hợp của Bùi Văn Tài. Học hết lớp 9, Tài bỏ học rồi ở nhà đàn đúm với đám thanh niên chơi bời, hư hỏng, đối tượng này từng có một tiền án 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Tài quen Biển khi cả hai cùng bị tạm giữ tại nhà tạm giam Công an huyện Lý Nhân.
Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố Tài không có việc làm ổn định, còn mẹ đang phải chạy thận nhưng anh ta vẫn không lấy đó để tu chí. Sau khi ra trại, Tài chập với Biển và thông qua Biển, anh ta quen biết Định.
Về phần Biển, ở địa phương đối tượng này cũng là một kẻ bất hảo. Anh ta có nhà nhưng không về. Trong những ngày dạt nhà sống lang thang, Biển thường xuyên sử dụng ma tuý đá và đã lôi kéo các đối tượng cùng thực hiện hành vi phạm tội.
Trong nhóm cướp này, đáng chú ý có trường hợp của Vũ Tiến Duy. Bố mất sớm, mẹ Duy vì cuộc sống khó khăn buộc phải để lại hai đứa con thơ cho mẹ chồng chăm sóc rồi lên Lào Cai kiếm sống bằng việc buôn bán hoa quả, ít có thời gian để ý đến cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. Bà nội thương Duy nhưng cũng bất lực trước cậu cháu ngỗ ngược...
Khi Định rủ đi cướp giật, Duy biết hành vi đó là vi phạm pháp luật nhưng vẫn đồng ý. Duy bị Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ khi đang lẩn trốn tại Thái Bình. Bị đưa vào tạm giữ, cậu bé gương mặt búng ra sữa khai báo tuồn tuột. Duy khai rằng cậu ta đã gây ra 10 vụ cướp giật tài sản; mỗi phi vụ thành công, cậu ta được Định chia cho 1 triệu đồng.
Liên tiếp trong thời gian qua, các vụ việc phạm tội do thanh thiếu niên sống “bầy đàn” gây án ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ phức tạp. Trường hợp của nữ quái tuổi teen cầm đầu băng cướp taxi tại TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa bị bắt giữ là một ví dụ.
Các đối tượng trong nhóm có tuổi đời khá trẻ gồm Dương Hoàng Quân (16 tuổi), Trần Dư Hoài (17 tuổi), Phạm Thị Thúy Vi (17 tuổi), Phạm Thị Anh Thư (18 tuổi), cùng ngụ tỉnh Trà Vinh và Nguyễn Văn Hưng (16 tuổi, chưa rõ địa chỉ). Tuy còn ít tuổi nhưng tất cả đều đã bỏ nhà rồi sống dặt dẹo tại căn phòng trọ tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Trong nhóm này, Thúy Vi là kẻ điều hành. Các đối tượng chuẩn bị hung khí rồi đón xe ôtô đến Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 2, cả nhóm định xông đến cướp tài sản thì nạn nhân tri hô khiến Hoài và Hưng hoảng sợ bỏ chạy ra bên ngoài, còn đối tượng Quân cùng với Thư và Vi điều khiển chiếc xe taxi là tang vật của vụ cướp bỏ chạy nhưng không thoát.
Đa phần những đứa trẻ này đều sinh ra trong những gia đình không hoàn thiện, có bố mẹ bỏ nhau hoặc đi tù. Một số may mắn được ông bà nội, ngoại cưu mang..., nhưng cũng chỉ chăm cho cháu được ăn, được ngủ, còn việc dạy bảo thì chẳng thể kiểm soát được. Trong hoàn cảnh và điều kiện đó, các đối tượng thiếu sự quan tâm, quản lý của gia đình đã dần sa ngã.
Sau khi dạt nhà, các đối tượng có cùng hoàn cảnh dễ dàng chập lại với nhau. Để có chỗ tụ tập, chúng thuê nhà, các đối tượng gồm cả nam và nữ ăn uống và sinh hoạt bầy đàn với nhau.
Theo một chuyên gia tâm lý thì quan hệ “bầy đàn” rất dễ làm phát sinh mâu thuẫn ghen tuông, bên cạnh đó là nguy cơ về các căn bệnh xã hội như lậu, giang mai, HIV cũng gia tăng và đối với các cô gái là việc mang thai ngoài ý muốn. Và những ảnh hưởng về tâm, sinh lý sau này của lối sống thác loạn, bầy đàn mà không ai khác chính những người trong cuộc sẽ phải gánh chịu.
Để ngăn chặn lối sống không lành mạnh trên thì môi trường gia đình là quan trọng nhất. Ở độ tuổi nhạy cảm đó, những đứa trẻ luôn cần sự quan tâm, chăm sóc của bố, mẹ và những người thân trong gia đình.
Bên cạnh đó, cũng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm với gia đình trong việc trao đổi thông tin để kịp thời nắm bắt diễn biến tâm lý của những đứa trẻ. Có như vậy, mới giúp trẻ vị thành niên được phát triển hoàn thiện về thể chất và nhân cách.
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân