Ngày 20-4, ông Nguyễn Trọng Trang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, xác nhận UBND tỉnh đã ban hành Công văn 5080 giao Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn chủ trì, làm việc với Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) để thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng KCN Hoàng Long.
7 năm xây được... 1 cổng chào
Dự án trên được khởi công năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 2.317 tỉ đồng, quy mô trên 286 ha, trên địa phận TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa. Dự án nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2.000 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3357 ngày 13-10-2011.
Thế nhưng, 7 năm trôi qua, tại dự án chỉ có một cổng chào cùng một số đoạn tường bao được xây dựng. Toàn bộ diện tích đất đã giải phóng mặt bằng (GPMB) còn lại chỉ là bãi đất hoang, trở thành nơi chăn thả gia súc của dân địa phương. Tháng 10-2018, UBND tỉnh giao Ban Quản lý KKT Nghi Sơn phối hợp các sở, ngành nghiên cứu trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án KCN Hoàng Long sang khu đô thị thông minh tỉnh Thanh Hóa, sau đó thống nhất chủ trương vào tháng 4-2019. Tuy vậy, đến thời điểm này, dự án vẫn im lìm.
Dự án khu công nghiệp của Tập đoàn FLC ở Thanh Hóa sau khởi công 7 năm chỉ có cái cổng chào. Ảnh: THANH TUẤN |
Tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 18-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương rà soát toàn diện các dự án của Tập đoàn FLC trên địa bàn. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh này đã thu hồi, chấm dứt, hủy bỏ 13 dự án do Tập đoàn FLC và các đơn vị thành viên triển khai nghiên cứu, thực hiện trên địa bàn. Hiện còn 5 dự án của Tập đoàn FLC đã và đang triển khai, trong số này có 4 dự án đã triển khai ở TP Hạ Long. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh giao sở, ngành, địa phương rà soát kỹ lưỡng toàn bộ thủ tục pháp lý, không để thất thoát ngân sách nhà nước, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm...
Đối với dự án Khu đô thị mới Ninh Dương (TP Móng Cái) đang triển khai giai đoạn 1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo TP Móng Cái và các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ, chặt chẽ quy trình, thủ tục; thu hồi, xử lý vi phạm (nếu có) theo đúng quy định. Đáng lưu ý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh rà soát, thu hồi, hủy bỏ, chấm dứt hoặc đề xuất thu hồi, hủy bỏ, chấm dứt những nội dung vượt thẩm quyền đối với 5 dự án nêu trên.
UBND TP Hải Phòng ngày 31-11-2020 cũng "tuýt còi" và chấm dứt hiệu lực quyết định chủ trương đầu tư dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê với điểm nhấn là tòa tháp 72 tầng tại số 4 Trần Phú, quận Ngô Quyền do Tập đoàn FLC đầu tư.
Tại Nghệ An, Tập đoàn FLC đã khảo sát đầu tư nhiều dự án nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong đó, dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc được tập đoàn này và tỉnh ký biên bản ghi nhớ hồi tháng 2-2017. Dự án có quy mô 600 ha với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí GPMB). "Từ năm 2017 đến nay, dự án mới dừng lại ở khảo sát, nghiên cứu. Sau nhiều năm người dân không được phép xây dựng vì sợ vướng quy hoạch, nay chính quyền đã cho người dân xây dựng trở lại" - ông Nguyễn Bằng Phi, Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, thông tin.
Cũng tại Nghệ An, tháng 4-2019, UBND tỉnh ký kết với Tập đoàn FLC về việc khảo sát Khu đô thị nghỉ dưỡng phía Nam TP Vinh với quy mô 1.177 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỉ đồng. Đến nay, khu đô thị nghỉ dưỡng này vẫn "nằm trên giấy".
Đáng lo ngại hơn, ở Quảng Ngãi, tổ hợp các dự án của tập đoàn này bị ngưng trệ, bỏ hoang nhiều năm nhưng thông tin sản phẩm lại đang được rao bán tràn lan trên mạng. Chẳng hạn, dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi tại huyện Bình Sơn được khởi công vào tháng 6-2019 rồi... im lìm đến nay. Vướng mắc liên quan đến dự án này nằm ở việc đền bù GPMB hiện vẫn còn dang dở. Ông Võ Tấn Thành (ngụ thôn An Thành, xã Bình Tân Phú) cho biết sau khi đền bù cho khoảng 50 hộ dân, chủ đầu tư dự án ngưng luôn mấy năm nay. "Những hộ chưa được đền bù nằm trong phạm vi dự án như gia đình tôi không thể bán hay làm lại giấy tờ nhà đất. Bỗng dưng đất đai, vườn tược bị "tròng" vào quy hoạch, chẳng biết trông chờ vào ai!" - ông Thành nói.
Ông Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa, Phó Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, cũng xác nhận phần lớn dự án của tập đoàn này sau khi đền bù với số ít hộ dân thì hầu như chưa triển khai thêm. Các dự án đều không qua đấu thầu nên hiện phải tạm dừng để thực hiện lại quy trình đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm Năm 2019, dự án tổ hợp khách sạn, siêu thị và nhà phố thương mại cao cấp (FLC Hilltop Gia Lai) trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai được khởi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021. Sau thời gian dài, dự án vẫn dang dở khi mới có một số tuyến đường nội khu và một vài căn nhà mẫu được xây dựng. Còn dự án sân golf Đắk Đoa diện tích 174 ha khởi công vào quý IV/2021 thì vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương "tuýt còi" để kiểm tra quy trình. Tại tỉnh Kon Tum, năm 2019, Tập đoàn FLC khởi công dự án Khu đô thị FLC Legacy Kon Tum, sử dụng khoảng 180.000 m2 đất ở trung tâm TP Kon Tum. Dự án đến nay đã hoàn thành một số tuyến đường, xây được một số nhà mẫu, song vừa qua đã bị Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm. Nhận lời mời kêu gọi đầu tư vào năm 2019 của tỉnh Đắk Lắk, Tập đoàn FLC đã vào khảo sát và nghiên cứu 6 dự án. Dự án lớn nhất là tổ hợp du lịch, sinh thái, vui chơi giải trí và thể thao hồ Ea Nhái với quy mô giai đoạn đầu hơn 190 ha. Ông Trịnh Văn Quyết - khi đó là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC - đã khẳng định trong quá trình nghiên cứu, nếu tập đoàn không làm được thì sẽ trả lại, không chuyển nhượng, không hợp tác, không giao lại cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào; còn khi đã chọn dự án sẽ quyết tâm làm bằng được, làm nhanh. Trong khi đó, ông Hà Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, cho biết đến thời điểm này, tập đoàn chưa nộp hồ sơ đề xuất dự án và tỉnh cũng chưa quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định đối với bất kỳ dự án nào của Tập đoàn FLC hay các công ty con, công ty thành viên. |
Lợi nhuận rất thấp Liên quan đến hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn FLC đạt mức rất thấp. Trong báo cáo giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tập đoàn FLC cho biết tổng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 52,1 tỉ đồng, khiến lũy kế cả năm chỉ đạt 162,7 tỉ đồng, giảm mạnh 98% so với năm trước. Theo giải trình của tập đoàn, do ảnh hưởng của đại dịch và tập đoàn không còn hợp nhất báo cáo tài chính với Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) nên doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất giảm, doanh thu hoạt động tài chính giảm... khiến lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 giảm mạnh. Về Tập đoàn FLC, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 cũng cho thấy, tập đoàn này hiện có 12 công ty con, 2 công ty liên kết và 1 đơn vị trực thuộc. Theo báo cáo tài chính, tập đoàn đang triển khai hàng loạt dự án ở hạng mục xây dựng cơ bản dở dang gồm dự án Hạ Long; dự án khu nghỉ dưỡng Quảng Bình; dự án Sầm Sơn - giai đoạn 2; dự án Bình Định - giai đoạn 2; dự án khu đô thị Garden Citi Đại Mỗ; dự án FLC Premier Park; dự án Tân Phú Đông (Đồng Tháp); dự án Hà Khánh giai đoạn 1 - Hà Long; dự án Trường Chinh Kon Tum; dự án Centre Point Gia Lai... Tổng giá trị các dự án này là hơn 7.245 tỉ đồng tính đến cuối năm 2021. L.Anh |
Tác giả: Nhóm Phóng Viên
Nguồn tin: Báo Người Lao Động