Trong tỉnh

Loạn dịch vụ đổi tiền lẻ thu phí ngày cận Tết

Mặc dù việc đổi tiền lẻ thu phí đã bị cấm nhưng nhiều cửa hàng tại đền Hoàng Mười dường như hoạt động công khai, trong khi Ban quản lý đền kêu “bất lực”.

Lệ phí từ 10-70%

Một tuần trước Tết Nguyên đán, nhiều du khách vẫn đổ về khu di tích đền Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên) để dâng hương. Trong khi đó, có không ít người đến đây chỉ để đổi tiền lẻ mừng tuổi, đi đền chùa…. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cửa hàng dọc lối vào đền công khai trưng các bịch tiền lẻ dày cộp để chào mời khách.

Bịch tiền lẻ được trưng bày công khai bên lối vào đền Hoàng Mười. Ảnh: Tiến Hùng

Tiếp cận một cửa hàng này, một người phụ nữ giải thích phí cho dịch vụ đổi tiền. Người này cho hay, ở đây không chỉ tiền lẻ mà còn đổi bất cứ tiền mệnh giá nào. Tỷ lệ phí thường ở mức 10% đến 70%.

“Mệnh giá càng nhỏ thì phần trăm phí càng lớn. Ngoài ra còn tùy thuộc vào khách và tùy vào thời điểm. Những ngày gần Tết hoặc những ngày có nhiều người đổi thì phí tự nhiên tăng lên, có khi hơn 200% cho những tờ được đổi nhiều”, người phụ nữ này nói.

Chủ một cửa hàng cạnh đó ra giá, nếu đổi một triệu đồng tờ 10.000 đồng (100 tờ), thì phí là 10%. Tức khách hàng phải bỏ ra 1.100.000 đồng để đổi lấy một triệu đồng tiền lẻ. Còn với loại tiền mệnh giá nhỏ như 500 đồng thì đổi một triệu đồng mất đến 800.000 đồng tiền phí.

Chủ cửa hàng này cho hay, càng gần Tết thì mức phí sẽ càng cao lên và có nhiều lúc giá biến động ngay trong ngày. Buổi sáng là 10% nhưng đến chiều có thể tăng lên 15% nếu lượng khách đặt hàng lớn. Năm nay thậm chí nhiều khách quen còn đặt trước. Họ đặt chủ yếu loại tiền 5.000 đồng, 10.000 đồng và 20.000 đồng.

Theo Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép thì đối với hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20-40 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Đàn – Phó phòng Văn hóa, thông tin huyện Hưng Nguyên kiêm Trưởng Ban quản lý di tích đền Hoàng Mười thừa nhận có tình trạng đổi tiền lẻ thu phí tại đền này. Tuy nhiên, ban quản lý bất lực.

“Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, quán triệt không được đổi. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, không đủ thẩm quyền để xử lý tình trạng này. Ban quản lý cũng đã trao đổi với cấp trên là chỉ bảo đảm không cho người ăn xin vào đền chứ có tiền lẻ thì không quản lý được”, ông Đàn nói.

Không chỉ hoạt động ở các đền, chùa… dịch vụ đổi tiền lẻ gần đây cũng diễn ra công khai ở trên mạng xã hội. Những trang mạng thường để lại số điện thoại liênlạc.

Rao đổi tiền lẻ thu phí công khai trên mạng xã hội.

Phóng viên liên hệ theo một trong những địa chỉ điện thoại này, một người phụ nữ chào bán khá nhiệt tình. Người này khẳng định, “muốn đổi bao nhiêu cũng có” đồng thời không quên đảm bảo 100% là tiền thật. Người đổi tiền này ra giá với tiền có mệnh giá 1.000 đồng lên tới tận 30%, tương đương với mức phí 300.000 đồng cho 1 triệu đồng tiền 1.000 đồng. Các loại tiền khác có mệnh giá 2.000, 5.000, 10.000 đồng cùng mức đổi là 200.000 đồng cho một triệu đồng.

Chưa xử phạt trường hợp nào

Trưởng ban quản lý đền Hoàng Mười cho hay, mới đây đoàn liên ngành của Sở Văn hóa, thể thảo và Sở Du lịch cũng đã đến kiểm tra tình trạng này nhưng không phát hiện trường hợp nào đổi tiền lẻ. “Tôi biết khi đoàn kiểm tra đến thì họ thu tiền dưới gầm bàn, đợi đoàn ra về thì lại mang lên trưng bày tiếp”, ông Đàn nói.

Ông Cao Văn Hợi – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho hay, thực tế từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ vào lưu thông, đã được xã hội ghi nhận và ủng hộ.

“Trong vòng vài tháng trước và sau Tết sẽ không đưa tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng ra lưu thông. Bởi theo khảo sát, số tiền mới này không phục vụ mục đích lưu thông hàng hóa mà chỉ phục vụ những mục địch khác như đi lễ chùa”, ông Hợi nói và cho hay, việc không lưu thông này đã tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng mỗi năm.

Đồng thời với việc không in tiền mới mệnh giá nhỏ, Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc đổi tiền lẻ trái phép. Tuy nhiên, theo ông Hợi không thể đảm bảo tuyệt đối không có tình trạng đổi tiền lẻ thu phí được, mặc dù hành vi này đã bị cấm.

Phí đổi tiền lẻ ở đây thậm chí biến động trong ngày. Ảnh. Tiến Hùng

“Những năm trước, tình trạng này công khai ở nhiều nơi nhưng gần đây đã giảm đáng kể. Một số thì chuyển qua hoạt động bí mật. Dịp gần Tết, chúng tôi cũng thường phối hợp với các ngành liên quan để đi kiểm tra, khảo sát ở những điểm tâm linh để chấn chỉnh”, ông Hợi nói và cho hay từ khi có Nghị định xử phạt tình trạng này, ở Nghệ An chưa xử lý được trường hợp nào đổi tiền lẻ thu phí.

“Vấn đề này cần phải có nhiều cơ quan cùng vào cuộc, đặc biệt là ngành Văn hóa, thông tin. Chừng nào vẫn có tập tục mang tiền lẻ vào lễ chùa hay mừng tuổi thì còn rất khó để xóa bỏ tình trạng này”, ông Hợi nêu quan điểm.

Tác giả: Tiến Hùng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP