Công trình đường giao thông cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương |
"Không nghe ai nói gì, sắp tới sẽ trình hội đồng"...
Năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An quyết định phê duyệt dự án xây dựng: Đường giao thông cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương.
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 43,9 tỷ đồng và giao cho UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Công nghiệp và Phát triển xây dựng miền Bắc (nay là Công ty Cổ phần VILACONIC làm tổng thầu chính) và Công ty Cổ phần Đầu tư hợp tác kinh tế Việt Lào.
Trước tính chất cấp bách của công trình, để đảm bảo tiến độ thi công, UBND huyện Đô Lương đã 2 lần có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần VILACONIC cho tạm ứng tiền để chi trả đền bù, GPMB.
Cụ thể, trong 2 ngày 05/01/2012 và 05/8/2012, ông Võ Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, kiêm Chủ tịch Hội đồng GPMB đã ký văn bản xin nhà thầu cho tạm ứng tổng số tiền 572.749.000 đồng để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân. Cả hai lần, Công ty Cổ phần VILACONIC đều chuyển đầy đủ số tiền cho UBND huyện Đô Lương theo số tài khoản của Ban quản lý công trình Đô Lương.
Thế nhưng sau 10 năm, đến nay UBND huyện Đô Lương vẫn chưa chịu trả số tiền đã vay, khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Chưa hết, đến cuối 2013, nhà thầu buộc phải dừng thi công vì chủ đầu tư không bố trí được vốn, thậm chí chủ đầu tư chưa trả hết khối lượng giá trị mà nhà thầu đã thi công.
2 lần Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Võ Văn Ngọc ký văn bản xin tạm ứng tiền của doanh nghiệp để chi trả, đền bù GPMB |
Cụ thể, khối lượng theo hợp đồng toàn bộ gói thầu là hơn 43,9 tỷ đồng; khối lượng nhà thầu thực hiện là hơn 31,67 tỷ đồng, nhưng khối lượng giải ngân chỉ 25,73 tỷ đồng (mới thanh toán được 81% giá trị theo nghiệm thu của 72% gói thầu).
“Sau khi trúng thầu, đơn vị đã huy động máy móc, phương tiện và nhân lực gấp rút thi công và cơ bản hoàn thành nền đường, cấp phối, đổ base lu lèn hoàn chỉnh... chỉ còn lại phần thảm nhựa và lắp đặt cọc tiêu biển báo, các hạng mục phụ trợ. Tuy nhiên, đến cuối 2013, nhà thầu buộc phải dừng thi công vì chủ đầu tư không bố trí được vốn, thậm chí chủ đầu tư chưa trả hết khối lượng giá trị mà nhà thầu đã thi công. Công trình dở dang, không có tiền, công ty và người lao động rơi vào khó khăn chồng chất khó khăn”, ông Nguyễn Hữu Duyên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VILACONIC cho biết.
Trước thực tế này, ông Hoàng Văn Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương chỉ nói: "Trước giờ có nghe ai nói gì đâu, vừa rồi mới nghe người phản ánh, tôi mới nói để từ giờ đến cuối năm trình HĐND huyện rồi giải quyết chứ giờ giữa năm như thế này không thể giải quyết được. Tiền tạm ứng của nhà thầu để GPMB thì chắc chắn huyện sẽ trả".
Về số tiền gần 6 tỷ chưa trả hết khối lượng giá trị mà nhà thầu đã thi công, ông Hiệp cho biết: "Nguồn vốn này là của ngân sách tỉnh và Trung ương. Trước đây tôi đã nói với đơn vị thi công, ngân sách huyện không thể bố trí được. Trong kế hoạch bố trí vốn năm 2021, trên địa phương có rất nhiều dự án đang triển khai, có dự án hàng chục tỷ nhưng ngân sách chỉ bố trí được mấy chục triệu, nhiều nhất là hơn 500 triệu".
Nói về trách nhiệm của địa phương, ông Hiệp cho rằng, năm nào huyện cũng có tờ trình kiến nghị tỉnh bố trí nguồn vốn, nhưng trách nhiệm của đơn vị thi công là ông phải đi kiến nghị.
Đây là một dự án có ý nghĩa lịch sử với địa phương nên đã được đưa vào sách Lịch sử Đảng bộ xã Hồng Sơn |
Cắt dự án, đưa về cho xã làm nông thôn mới
Ngày 22/4, PV Báo Giao thông có mặt trên tuyến đường giao thông cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn. Theo quan sát, tuyến đường này có điểm đầu giao với QL15A và chạy thẳng vào trung tâm xã Hồng Sơn.
Một người dân sống gần UBND xã cho biết: Tuyến đường này được đầu tư xây dựng cách đây 10 năm. Trước đây, đường cũ chỉ cao hơn mặt ruộng khoảng 30 - 50 cm. Mùa mưa đến là ngập lụt gây chia cắt toàn bộ xã với bên ngoài. Người dân muốn đi lên huyện chỉ có cách duy nhất là leo qua mấy ngọn núi rồi vòng lên QL15A.
Có cùng quan điểm, ông Bùi Đăng Thu - Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn cho biết thêm: Tuyến đường do huyện làm chủ đầu tư, được khởi công vào năm 2012, đến khoảng 2014 thì cơ bản hoàn thành 3 cầu trên tuyến và phần đắp đất thì dừng lại, nghe đâu là hết vốn. Vì đường đất nắng bụi mưa lầy nên mới đây xã có xin được ít đá ở nhà máy xi măng về đổ lên.
Bàn về chất lượng công trình, ông Thu nói: Tuyến đường hầu hết đi giữa ruộng, đất phải đắp cao khoảng 2m nhưng chất lượng tuyệt vời. Minh chứng là sau 10 năm, tuyến đường dường như không hề bị sụt lún gì.
Công trình đã cơ bản hoàn thành nhưng tiền vẫn chưa giải ngân cho doanh nghiệp |
Khi được hỏi về ý nghĩa của con đường, người đứng đầu xã Hồng Sơn ngậm ngùi: Có được tuyến đường như bây giờ đã tuyệt vời, nếu như tuyến đường này hoàn thành thì càng tuyệt vời hơn nữa. “Đây là tuyến đường lịch sử, mở mang cho xã. Hình ảnh ngày thi công tuyến đường còn được in trong sách Lịch sử đảng bộ xã”, ông Thu nói.
Cũng theo ông Thu, Hồng Sơn nằm giữa vùng trũng nên trước đây vào mùa mưa, toàn xã thường bị chia cắt, cán bộ xã muốn về các xóm kiểm tra đều phải đi thuyền. Người dân có chuyện muốn lên huyện chỉ còn cách leo qua mấy quả đồi rồi vòng lên QL15A.
Tuyến đường này đã phá thế cô lập, độc đạo cũng như giảm thiểu tối đã rủi ro về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đồng thời, đây cũng là tuyến đường chính trong việc phát triển kinh tế của địa phương…
Nói về tương lai của dự án, ông Hoàng Văn Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp và kết luận sẽ cắt dự án và thanh lý hợp đồng theo nghị quyết của Thường vụ Quốc Hội. Đồng thời giao cho UBND xã Hồng Sơn hoàn thiện theo chương trình nông thôn mới.
Tác giả: Sỹ Hòa
Nguồn tin: Báo Giao thông