Xã hội

Làng quê quạnh vắng sau Tết

Khi Tết Nguyên đán đã lùi lại phía sau, thanh niên các huyện dọc quốc lộ 1A của tỉnh Nghệ An lại gấp quần áo, xách ba lô, bắt xe đò vào Nam, ra Bắc, thậm chí là đi nước ngoài. Làng quê của họ trở nên hiu hắt, vắng vẻ vì chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ.

1copy of 1 1487034452528
Ông Quỳnh bế cháu nội trong tay, mong muốn của ông là những người con của ông không còn phải xa quê kiếm sống. Ảnh: H.P

Kiếm tiền đất khách cuộc sống cũng chẳng khá hơn

Giúp bố mẹ soạn sửa mâm xôi con gà cúng Rằm tháng Giêng xong, anh Nguyễn Văn Tú (26 tuổi) ở Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) lại gói gém quần áo lên đường vào Bình Dương làm công nhân. Anh Tú cho biết, sau khi học xong cấp 3, hoàn thành 2 năm nghĩa vụ quân sự, mẹ anh muốn con ở nhà lấy vợ xây dựng cuộc sống gia đình tại quê. Mặc dù muốn sống gần bố mẹ nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh phải vào Nam kiếm sống.

“Anh trai và chị gái vào Bình Dương lập nghiệp. Họ cũng chỉ là công nhân trong các nhà máy, rồi lấy vợ, lấy chồng sinh con đẻ cái gây dựng cuộc sống trong đó. Em cũng theo gót anh chị. Vào làm thợ gốm ở Bình Dương, kiếm được gần 8 triệu đồng/tháng. Ở nhà với mấy sào ruộng không đủ ăn anh ạ”, Tú tâm sự. Đã 4 năm rồi, bố mẹ anh Tú sống cảnh hai vợ chồng già với nhau. Tết năm nào Tú cũng về thăm bố mẹ. Còn 2 người anh, chị của Tú thì vài năm mới về thăm quê một lần vì đã có gia đình.

Đưa con lên ngã tư quốc lộ 1A đoạn chạy qua thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu - Nghệ An), ông Phan Văn Quỳnh (ở xóm 4, xã Quỳnh Bá) dặn: “Năm ni (nay) kiếm lấy một cô người quê ta càng tốt rồi dẫn nhau về quê mà lập nghiệp. Ở nhà neo người quá. Chúng mày cứ ở trong đấy, bố mẹ ốm đau thì mần răng (làm sao)”.

Người được bố dặn dò là anh Phan Văn Minh, con trai thứ 2 của ông Quỳnh. Anh Minh sinh năm 1984, học xong cấp 3 thì vào Bình Dương làm công nhân nhà máy giấy cho đến bây giờ. Tết đến có năm Minh về được, có năm lương thưởng không nhiều, đường sá xa xôi nên anh ở lại công ty trực Tết.

Ông Quỳnh có 4 người con, 3 con đầu lớn lên đều mưu sinh xa quê, kẻ ở Đà Nẵng, người ở Bình Dương, người sang tận đất Lào. Ông Quỳnh bảo: “Chúng nó đều lao động chân tay, cuộc sống khó khăn cả”. Tuy đông con, nhưng nhiều năm nay vợ chồng ông Quỳnh sống nuôi nhau. Thỉnh thoảng ông bà lại đón đứa cháu nội về nuôi vì “cuộc sống của bố mẹ nó còn vất vả”, ông Quỳnh nói và cho biết thêm, 3 năm trước, vợ ông bị thoát vị đĩa đệm, không thể lao động được nữa. Ngày ngày, ông vừa chăm vợ, vừa làm ruộng, đào ao thả cá, chở vật liệu xây dựng… “tiền làm quần quật cũng chỉ đủ mua thuốc cho vợ”. Mong ước của ông là các con không phải tha hương kiếm sống. “Làm răng (sao) chúng nó có công ăn việc làm gần bố mẹ, cuộc sống có cha mẹ con cái vừa vui vừa giúp đỡ được bố mẹ khi về già. Nhưng không biết điều ước đó bao giờ thành hiện thực, nghĩ đến nản lòng lắm, xa nhau cuộc sống cũng có khấm khá lên đâu. Tôi đã gần 60 tuổi rồi, nhiều năm nay thấy thanh niên lớn lên chỉ có ra đi làm ăn chứ chưa thấy quay về. Quê nghèo quá”, ông Quỳnh than thở. Mong ước là vậy song để vùng quê nghèo này kéo được những đứa con của ông trở về quê hương lập nghiệp, chính ông cũng biết là khó.

Làng đìu hiu vì vắng thanh niên

2copy of 2 1487034452530
Nhiều năm nay, vợ ông Quỳnh bị thoát vị không còn sức lao động.

Những con đường liên hương ở xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vắng vẻ, đìu hiu. Những ngày này, nắng trải dài trên đồng ruộng vắng bóng người. Trong làng ngoài xóm thường chỉ có người già, trẻ con. Thanh niên ở vùng quê này, một phần học hành thành đạt đã thoát ly, phần lớn sau Tết đều dắt nhau “đi Nam” đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.

Nói “đi Nam” nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, người thì vào Đắc Lắk, Gia Lai, Bình Phước hái cà phê, tiêu, điều; người xuống Ninh Thuận, Bình Thuận hái nho, thanh long. Đông đảo nhất là vào các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM làm công nhân. Nhiều người trong số họ sau khi vào các khu công nghiệp, nam nữ gặp nhau rồi xây dựng gia đình, sống cuộc sống công nhân làm công ăn lương. “Cũng có người đi với hai bàn tay trắng nhưng lâu lâu dăm năm không về quê, rồi thấy họ trở về bằng ô tô riêng. Nhưng số đó ít lắm. Phần lớn “đi Nam” để gom góp tiền về xây nhà. Ra đi từ thuở thanh niên trai tráng, khi xây được nếp nhà khang trang, trả xong nợ thì cũng đã ngoài 40 tuổi”, ông Nguyễn Văn Hân ở Quỳnh Thuận cho biết.

Phòng LĐTB&XH Quỳnh Lưu cho biết, thanh niên vào Nam làm ăn nhưng lợi ích kinh tế mang lại cho các gia đình trong huyện vẫn không cao. Nhiều thanh niên vào Nam kiếm sống vì phong trào, thấy bạn bè đi làm ăn xa, họ cũng đi theo.

Ngoài “đi Nam”, vài năm nay, sau những ngày ăn Tết, người dân các huyện ở Nghệ An, lại chen nhau đi làm hộ chiếu, giấy thông hành để sang Lào, Thái Lan, Trung Quốc hoặc đi xuất khẩu lao động. Trung bình mỗi ngày, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Nghệ An tiếp nhận và giải quyết hàng trăm hồ sơ xin cấp hộ chiếu và hồ sơ xin cấp giấy thông hành. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Nghệ An cho biết, lượng hồ sơ xin cấp hộ chiếu và giấy thông hành thường tăng đột biến từ sau Tết Nguyên đán. Người dân làm giấy tờ chủ yếu để đi xuất khẩu lao động tại Thái Lan, Lào, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nga… một số ít thì đi du học.

Đi Nam, thậm chí xuất ngoại, mấy ai giàu có trở về. Cơn lốc ly hương sau mỗi dịp Tết không chỉ ở Nghệ An mà còn diễn ra tại nhiều tỉnh miền Trung những năm qua, số lượng người vào Nam, ra Bắc, đi xuất ngoại làm thuê càng tăng lên, để lại những ngồi làng thuần nông vắng vẻ đến… buồn!

Phòng LĐTB&XH huyện Quỳnh Lưu cho biết, thanh niên vào Nam làm ăn nhưng lợi ích kinh tế mang lại cho các gia đình trong huyện vẫn không cao. Nhiều thanh niên vào Nam kiếm sống vì phong trào, thấy bạn bè đi làm ăn xa, họ cũng đi theo.

Tác giả bài viết: Hà Phương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP