Ở tuổi 89, ông Nguyễn Thế Viên (nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, hiện trú ở xóm Ngọc Thành, xã Hùng Thành, huyện Yên Thành) vẫn nhớ rất rõ từng chi tiết trong 3 lần được theo chân Bác Hồ về thăm các địa phương và những lần ông được gặp riêng. Nhân dịp Kỷ niệm Ngày sinh của Người, ông Viên lại có cơ hội để chia sẻ những câu chuyện, những hồi ức trân quý đã theo ông đi suốt cuộc đời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Vĩnh Thành - Yên Thành ngày 10/12/1961. Ảnh tư liệu |
Phóng viên: Ông là người may mắn từng được theo chân Bác Hồ về thăm các địa phương như đảo Cô Tô, tỉnh Hải Dương và xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ấn tượng sâu sắc nhất với ông trong những chuyến đi này là gì?
Ông Nguyễn Thế Viên: Tháng 2/1961, tôi đang là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú ở Quảng Ninh thì được Tổng xã điện tin Bác Hồ sẽ ra thăm đảo Cô Tô. Hòn đảo này cách Quảng Ninh 200 km, nơi đây được xem như là cơ sở bí mật mà mỗi lần các nhà cách mạng tiền bối trước khi xuất dương đều qua đây.
Lần đó, Bác đi máy bay xuống đảo. Đảo ủy đã tổ chức căng bạt, làm một hội trường to chuẩn bị đón Bác. Thế nhưng, Bác lại không lên khu vực hội trường mà xuống khu vực đánh cá của Hợp tác xã Pác Luân, gặp gỡ người dân xem họ làm ăn thế nào. Tiếp đến, Bác lại đi một vòng xem các vườn cam trên đảo, xem nơi chứa nước ngọt. Sau đó Bác mới về hội trường gặp gỡ, nói chuyện cùng các đồng chí lãnh đạo ở đảo. Bác trao đổi với người dân đảo Cô Tô bằng tiếng Hoa, tôi phải nhờ người đi cùng phiên dịch. Bác cảm ơn người dân Cô Tô đã đùm bọc cách mạng và Người đã tặng cho người dân trên đảo chiếc đài radio để nghe thông tin. Bà con rất cảm động khi nhận được món quà quý của Bác.
Ông Nguyễn Thế Viên trao đổi với PV về những kỷ niệm được gặp Bác Hồ. Ảnh: Đức Anh |
Sau thời gian công tác ở Quảng Ninh, tôi chuyển về tỉnh Hải Dương thường trú. Tháng 7/1962, tỉnh Hải Dương chịu trận mưa rất lớn. Đê quai của huyện Ninh Giang vỡ hết, riêng xã Hiệp Lực chìm trong biển nước. Bác Hồ điện cho Tỉnh ủy Hải Dương là sẽ về đi thăm. Đón Bác, Tỉnh ủy Hải Dương cũng tổ chức lễ trường rất trang trọng, với sự có mặt của rất đông cán bộ tỉnh. Thế nhưng, từ Hà Nội, Bác lại đi thẳng về Ninh Giang. Khi Bác đã lên guồng đạp nước chống úng cùng người dân thì Văn phòng Phủ Chủ tịch mới điện về Tỉnh ủy Hải Dương là Bác đã về Ninh Giang rồi.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Hải Dương vội vàng chạy về Ninh Giang. Đến nơi đã thấy Bác mồ hôi nhễ nhãi, chân bùn lấm lem đạp nước cùng dân. Thấy lãnh đạo tỉnh đến, Bác hỏi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: “Chú Chương, chú xuống đi xem văn công hay đi chống úng với dân mà ăn mặc tươm tất rứa?”. Bí thư Tỉnh ủy đỏ mặt xấu hổ, vội vàng cởi giày, xuống đạp guồng cùng Bác. Bác dạy mọi người rằng: “Làm cán bộ không phải khi nào cũng ăn mặc tươm tất. Khi nào cần nghiêm chỉnh thì nghiêm chỉnh. Xuống với dân thì phải hòa đồng”. Thăm hỏi, động viên bà con Ninh Giang chống úng xong, Bác dạy: “Các chú lãnh đạo nhân dân chống úng thì cần phải chống úng cùng nhân dân”... Hai ngày sau, Ninh Giang chống úng thành công.
Ông Nguyễn Thế Viên (nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, hiện trú ở xóm Ngọc Thành, xã Hùng Thành, huyện Yên Thành). Ảnh: Đức Anh |
Tôi nhớ nhất là lần được cùng Bác về thăm xã Vĩnh Thành, Yên Thành vào tháng 12/1961. Khi máy bay Bác đáp xuống chân rú Tháp, nhân dân ra rất đông để đón Bác. Bác vẫy tay chào, thăm hỏi, cảm ơn. Bác không về nơi tỉnh, huyện, xã bố trí mà Bác đi thẳng vào nhà giữ trẻ. Bác thăm nơi các cháu ăn, ở.
Trong khi thăm nhà trẻ, Bác thấy phía đối diện có một ngôi nhà tranh lụp xụp, xiêu vẹo. Bác quay sang hỏi đồng chí Bí thư Đảng ủy xã “Nhà của ai đó?". Đồng chí Bí thư thưa: “Nhà của mẹ May ạ. Chồng mẹ May chết, con không có, ở một mình”. Nghe vậy, Bác liền sang thăm nhà mẹ May. Sau đó quay ra, Bác dặn: “Các đồng chí chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là tốt nhưng mà phải chú ý đến người cao tuổi, sống cô đơn. Phải làm như thế nào để đời sống nhân dân được nâng lên, mọi người hạnh phúc”.
Bác đi qua trụ sở của Hợp tác xã. Bác thấy một khu đầm lầy rất rộng, cỏ mọc um tùm. Bác hỏi đồng chí Chủ tịch xã: “Sao ở đây lại không cấy được lúa”. Đồng chí Chủ tịch xã thưa: “Thưa Bác, ở đây nước sâu quá không cấy được lúa”. Bác dạy rằng: “Không cấy được lúa thì cải tạo làm ao nuôi cá. Mà cải tạo tốt thì vừa cấy lúa vừa làm ao nuôi cá, tăng thêm thu nhập cho hợp tác xã và làm đẹp cho quê hương”.
Nhà lưu niệm nơi Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành. Ảnh tư liệu |
Bác ra sân trường nói chuyện cùng bà con: “Vĩnh Thành làm thủy lợi tốt, làm phân khá, trồng cây khá nhưng ruộng còn bỏ hoang là chưa thật tốt. Thứ hai, đường sá vệ sinh chưa sạch, nhà ở còn luộm thuộm. Bây giờ các đồng chí lãnh đạo và nhân dân phải trồng cây tốt. Các cụ trồng cây, các cháu chăm sóc”. Bác hỏi mọi người có làm được không? Làm được Bác sẽ về thăm Vĩnh Thành - “quê hương thứ 2” một lần nữa". Mọi người xúc động hô vang “Bác Hồ muôn năm”.
Sau chuyến thăm của Bác, xã Vĩnh Thành phát động một đợt làm thủy lợi và sau 1 tháng thì đào đắp được 1 vạn khối và biến 11 ha hoang hóa thành ao nuôi cá rất đẹp. Hàng năm, hợp tác xã thả cá giống cuối năm chia cho các hộ dân. Người ít được dăm lượng, người nhiều được vài cân cá để ăn Tết. Sau này nhân dân Vĩnh Thành vẫn gọi đây là ao cá Bác Hồ. Ghi nhớ lời Bác, rú Tháp được nhân dân trồng thông, phủ kín 70 ha rừng trong toàn xã.
Bác Hồ đạp guồng nước tại xã Hiệp Lực (Ninh Giang - Hải Dương), ngày 26/7/1962. Ảnh tư liệu |
Phóng viên: Ngoài 3 chuyến thăm này, được biết ông còn có những lần được tiếp xúc riêng với Bác? Đó không chỉ là điều may mắn của người làm báo, mà là niềm vinh dự, tự hào khôn nguôi. Ông đã học được điều gì ở Người trong những lần tiếp xúc đó?
Ông Nguyễn Thế Viên: Sau chuyến Bác Hồ thăm đảo Cô Tô, tôi về Hà Nội viết bài. Viết xong tôi đưa bài sang Phủ Chủ tịch cho đồng chí Vũ Kỳ để chuyển lên cho Bác duyệt. Buổi sáng hôm đó, tôi vội vàng nên mặc quần áo hơi lôi thôi đi sang Phủ Chủ tịch. Vừa đến nơi, chưa gặp được đồng chí Vũ Kỳ thì tôi thấy Bác đi ra. Bác hỏi: “Cháu đi đâu?”. Tôi trả lời: “Thưa Bác, cháu là phóng viên Thông tấn xã viết bài đưa lên cho đồng chí Vũ Kỳ”. Thế rồi Bác cầm bài viết của tôi xem.
Trong bài viết đó, tôi có thuật lại lời Bác (do Bác nói bằng tiếng Hoa nên tôi đã thuật lại lời Người bằng những từ tiếng Nghệ). Bác cười dạy rằng: “Cháu không được lạm dụng tiếng địa phương. Bởi làm báo là làm cho toàn quốc đọc chứ không phải riêng cho người Nghệ An đọc”. Bác chỉ xuống đôi dép không quai hậu của tôi đang đi và nghiêm giọng nói: “Cháu có biết ở đây là ở đâu không? Vào Chủ tịch phủ mà cháu đi dép không có quai hậu à? Đến nơi trang trọng, lễ nghi, người làm báo phải ăn mặc chỉnh tề, gọn gàng, nghiêm túc”. Lúc đó tôi rất xấu hổ. Hôm sau tôi nhận lại được bài viết của mình, Bác sửa rất nhiều, nhất là những từ ngữ địa phương.
...Cảm động nhất là trước ngày đi B, đoàn nhà báo Trung ương chúng tôi gồm 27 người đang tập leo núi trước Phủ Chủ tịch. Bác ra thấy chúng tôi đang tập, Bác biểu dương và dặn dò: Các chú làm báo mà tập được gian khổ như thế thì đỡ đổ máu. Người làm báo là một người dân, phải hòa vào dân thì mới làm được báo. Đi cùng các chiến sĩ thì các chú phải là một chiến sĩ. Đừng nghĩ mình làm báo là khác biệt mà phải hòa đồng, sống giản dị cùng anh em. Khi đó anh em mới nói hết tâm tư, tình cảm, mình mới có cảm xúc để viết được những bài báo hay. Lời Bác dạy là những bài học quý theo tôi suốt những chặng đường công tác.
Ông Nguyễn Thế Viên và anh hùng LLVT Phan Tư. |
Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, theo ông, chúng ta phải làm gì, làm như thế nào để việc học tập và làm theo ấy ngày càng sâu rộng hơn? Đồng thời, để tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người tiếp tục là kim chỉ nam cho mọi hành động đưa đất nước ngày càng phát triển?
Ông Nguyễn Thế Viên: Bác chúng ta từng dạy: “Làm cán bộ phải lo cho dân từ tương, cà, mắm, muối”. Nhớ lời dạy của Người, những năm gần đây, Đảng ta đã tích cực chỉnh đốn, loại trừ những thành phần cơ hội, chạy chức, chạy quyền, không vì lợi ích nhân dân. Việc chỉnh đốn Đảng đã khiến nhân dân khôi phục niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ. Nói như vậy để thấy rằng: Để tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người tỏa sáng hơn nữa thì chúng ta cần tích cực chỉnh đốn Đảng.
Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, chúng ta cần phải tổ chức nhiều hơn việc quán triệt, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, hiệu quả, góp phần đẩy lùi cái chưa hay, chưa tốt. Ngoài ra phải đẩy mạnh việc làm theo. Chúng ta hãy học Bác, làm theo Bác từ những điều nhỏ nhất, giản dị nhất.
Phóng viên: Cảm ơn ông!
Tác giả: Thanh Sơn - Đức Anh
Nguồn tin: Báo Nghệ An