Tàu hỏa một lần nữa là phương tiện mà lãnh đạo Triều Tiên lựa chọn để đi ra nước ngoài. Chuyến công du bằng đường sắt đến Bắc Kinh của Chủ tịch Kim Jong Un có nhiều nét tương đồng với chuyến thăm của cha ông tới Nga năm 2011. Khi đó, cố Chủ tịch Kim Jong Il tới Ulan-Ude gặp Tổng thống Nga ông Dmitry Medvedev.
Khi còn sống, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il nhiều lần gặp ông Putin. (Ảnh: Kremlin) |
Việc Kim Jong Un chọn phương tiện vận chuyển ưa thích của cha mình không đơn thuần là sự tiếp nối của sở thích cá nhân. Đích đến của ông cũng cho thấy Bắc Kinh tiếp tục giữ vị trí chủ chốt trong các mối quan hệ bên ngoài của Triều Tiên.
Năm ngoái từng có đồn đoán rằng Nga có thể thay thế vị trí của Trung Quốc đối với Triều Tiên sau khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng suy giảm. Nhưng nay, Kremlin dường như không cho rằng quyết định của ông Kim Jong Un tới thăm Trung Quốc đầu tiên là một dấu hiệu cho thấy vị thế của Moscow trong các vấn đề Triều Tiên bị lu mờ.
Sau chuyến thăm, Chính phủ Nga khen ngợi đây là diễn biến quan trọng trong giải quyết khủng hoảng Triều Tiên thông qua các biện pháp ngoại giao.
Và thay vì tự coi mình là đối thủ cạnh tranh với Bắc Kinh, Moscow nhân cơ hội này tái khẳng tiếp tục hợp tác với Trung Quốc về hòa bình khu vực. Moscow cũng đưa ra sự lạc quan thận trọng về một cuộc gặp dự kiến giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, ông Kim Jong Un dự định gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong tháng 4 và gặp Tổng thống Mỹ Donald Trup trong tháng 4, trong khi Thủ tướng Nhật đang thúc đẩy một cuộc đối thoại song phương. Và giờ đây, triển vọng một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Nga – Triều cũng xuất hiện.
Thư ký báo chí của Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây khẳng định Chính phủ Nga chưa có kế hoạch tức thì cho một cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong Un. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga lại nói rằng nước này đang lên kế hoạch cho các cuộc gặp liên quan vấn đề Triều Tiên.
Giới phân tích hiện có nhiều ý kiến khác nhau về triển vọng thượng đỉnh Nga – Triều. Okonogi Masao, một chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên thuộc Đại học Keio ở Tokyo, nhận định một hội nghị như vậy là có thể. Kim Yong-hyun thuộc Đại học Dongguk thì cho rằng Nga đang cố tham gia sâu hơn vào các vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Nhật báo Hàn Quốc Joongang Ilbo chỉ ra rằng không loại trừ một cuộc họp như vậy sẽ được tổ chức nhưng nó sẽ không thực sự quan trọng mà chỉ nằm trong tiến trình tiếp cận ngoại giao mới đây của Triều Tiên.
Nhưng giữa bối cảnh ông Kim Jong Un mới gặp Chủ tịch Trung Quốc trong lúc các hội nghị dự kiến diễn ra giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, giữa Triều Tiên và Mỹ thì hẳn sẽ là chuyện lạ nếu Kim Jong Un không gặp Tổng thống Nga Putin.
Loạt hành động cởi mở ngoại giao của Triều Tiên thời gian gần đây dường như cũng nằm trong lợi ích của Nga. Andrei Kulik, Giám đốc Cục châu Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố Moscow sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên quan tâm việc bình thường hóa quan hệ trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có cả Bình Nhưỡng.
Theo NK News, trong trường hợp không có cuộc gặp nào giữa ông Kim Jong Un và ông Putin được tổ chức thì vị thế vốn đã mờ nhạt của Nga trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên sẽ bị ảnh hưởng xấu. Và Moscow sẽ không có cơ hội củng cố tuyên bố Nga là một thành viên năng động của ngoại giao đa phương trong vấn đề Triều Tiên.
Tác giả: Thanh Hảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet