Kinh tế

Kiếm được 5 triệu hay 20 triệu trước 30 tuổi không nói lên điều gì

"Việc bạn nhận được mức lương 5 triệu hay 20 triệu trước tuổi 30 không nói lên điều gì, không khẳng định bạn sẽ thành công hay không. Quan trọng trong quá trình làm việc, bạn đã học được gì?", ông chủ Tập đoàn Phú Thái nhận định.

Tối ngày 4.6, doanh nhân Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với các bạn trẻ trong giai đoạn hội nhập hiện nay với chủ đề "Kinh nghiệm thất bại của khởi nghiệp".

Với kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường hơn 20 năm, ông Phạm Đình Đoàn đã đưa Tập đoàn Phú Thái từ một của hàng bán lẻ nhỏ trở thành một tập đoàn phân phối - bán lẻ bậc nhất Việt Nam.

Tại buổi nói chuyện, bên cạnh việc chỉ ra những khó khăn mà bản thân đã gặp phải khi khởi nghiệp, ông chủ tập đoàn bán lẻ đã chia sẻ với các bạn trẻ 5 kinh nghiệm để khởi nghiệp thành công.

Thứ nhất, theo ông Phạm Đình Đoàn, quan trọng nhất vẫn là học, thời gian một doanh nhân thành công nhất là từ 40-45 tuổi nên các bạn còn trẻ tuổi không phải quá vội vàng. Trước tuổi 30 các bạn nên trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản như: giao tiếp, đàm phán, quản lý tài chính, ngoại ngữ... Nếu có thể thì nên theo học ở những trường đại học uy tín và học cả ở trường đời. Ở lứa tuổi này, học là điều bạn cần tập trung nhất.

"Tôi cho rằng, việc bạn nhận được mức lương 5 triệu hay 20 triệu trước lứa tuổi 30 không nói lên điều gì, không khẳng định bạn sẽ thành công hay không. Quan trọng là trong quá trình làm việc, bạn đã học được gì?", ông Đoàn khẳng định.

Thứ hai, nên "bỏ hết trứng vào một giỏ". Ông Đoàn cho biết, hiện nay, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đang thiếu những kỹ năng về công việc mà họ sẽ làm nên dẫn đến thất bại trong kinh doanh.

Theo ông Đoàn, chính sách kinh doanh ở Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế nên quy tắc "bỏ trứng vào nhiều giỏ" như ở nước ngoài áp dụng sẽ rất khó để các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam làm theo nên các bạn trẻ phải tập trung vào điều mà các bạn thực sự giỏi nhất, đừng nên phân tán mà đầu tư vào nhiều mảng. Như vậy sẽ cực kỳ mạo hiểm và dẫn đến phá sản rất dễ dàng.

Các doanh nghiệp nhỏ thì nên tìm một thị trường ngách để tập trung tìm hiểu và học hỏi về cái mình đang làm, cũng như tự tạo ra sự khác biệt trước các đối thủ, nhân tố then chốt giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, sự sáng tạo của doanh nghiệp không nhất thiết phải nằm trong việc tìm ra sản phẩm mới, hay lĩnh vực kinh doanh mới, mà bắt nguồn ngay trong việc bạn có thể mang lại sự phục vụ ưu việt, vượt trên những mong đợi của khách hàng.

Thứ ba, phải hợp tác với người mạnh nhất, chọn người trong lĩnh vực có trình độ thật tốt làm cố vấn.

"Tôi gặp nhiều ý tưởng kinh doanh, tôi thấy rằng những ý tưởng đó không khả thi vì quá sơ sài và thiếu thực tế. Vì vậy, trước khi bắt tay vào thực hiện một ý tưởng kinh doanh, các bạn trẻ nên tìm đến những vị cố vấn giỏi để phản biện ý tưởng và nhận được sự góp ý, bổ sung cần thiết cho tổ chức của mình", ông Đoàn nói.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới trước đó, ông Đoàn cũng cho rằng, việc hợp tác với các công ty, tập đoàn mạnh là điều rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ có chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nên việc liên kết, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài cũng là cách để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh hội nhập.

Thứ tư, đừng bao giờ đánh mất những gì chúng ta đang có. Trong đó có sức khỏe, uy tín và cả tiền bạc, nghĩa là phải làm ăn cho chắc chắn.

Ông Đoàn chỉ ra, với thời cuộc hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm do mất tiền bạc và sức khỏe cũng suy yếu theo. Ngoài ra, cũng đừng bao giờ đánh mất uy tín. Uy tín là điều quan trọng nhất mà mỗi doanh nhân cần phải giữ gìn, là một trong những yếu tố làm nên giá trị vô hình của một doanh nghiệp, nâng giá trị và tầm vóc của doanh nghiệp lên rất nhiều.

"Mất tiền chỉ mất nửa đời người, nhưng mất lòng tin sẽ mất tất cả. Đánh mất niềm tin chính là việc tối kỵ trong kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Nếu một doanh nghiệp đánh mất uy tín một lần thì rất khó để gây dựng lại và khó có cơ hội làm việc với các đối tác lớn", ông Đoàn nhận định.

Ông Đoàn cũng cho biết, để thành công như ngày hôm nay, để trở thành ông chủ của 5.000 nhân viên với doanh thu thu về hàng năm là 10 tỉ USD, ông đã trải qua nhiều thất bại.

"Và đã có nhiều lần tôi nghĩ mình phải đóng cửa công ty cách đây mười mấy năm. Thất bại là phải chấp nhận nhưng không phải ai cũng chịu đựng được. Tôi thắng là tôi chịu đựng được", ông Đoàn tiết lộ.

Tác giả bài viết: Tuyết Nhung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP