Trong tỉnh

Không chỉ còn là chuyện cát tặc: Có sự lơ là, thiếu trách nhiệm

Dẫn đến vấn nạn “cát tặc” kéo dài trong nhiều năm qua có nhiều nguyên nhân. Nhưng đáng phê phán là có nguyên nhân từ sự bàng quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước. Chủ tịch UBND các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên bị UBND tỉnh phê bình thể hiện rõ điều này!

Sự việc Chủ tịch UBND các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên bị UBND tỉnh phê bình thể hiện tại các Công văn số 4684/UBND-NC và 4685/UBND-NC ngày 23/6/2018. Nguyên nhân là vì chưa thực hiện nghiêm túc Công văn số 2302/UBND-NC ngày 11/4/2018 của UBND tỉnh.

Công văn số 4684/UBND-NC và 4685/UBND-NC ngày 23/6/2018 của UBND tỉnh với nội dung phê bình 2 Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên. Ảnh: Nhật Lân

Cụ thể tại Công văn 2302, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Nam Đàn và UBND Hưng Nguyên “chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; lập biên bản đình chỉ hoạt động, giao trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân vi phạm phải chấm dứt hoạt động do không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; tổ chức kiểm điểm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có liên quan trong việc để các bến đi vào hoạt động, tái hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa…”.

Từ nhiều năm qua, cát tặc gây ra nhiều hệ lụy cho người dân sống bên hai bờ sông. Trong ảnh là một cụm dân cư ven sông Lam phản ánh tình trạng cát tặc gây sạt lở, sụt lún đất sản xuất của họ đến PV Báo Nghệ An hồi tháng 1/2018. Ảnh: Phương Thảo.

Tuy nhiên, qua theo dõi của Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở TN&MT, Sở GT&VT, đến nay UBND huyện Nam Đàn và UBND huyện Hưng Nguyên vẫn chưa thực hiện nội dung trên. Vì vậy, UBND tỉnh phê bình Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn và UBND huyện Hưng Nguyên “thực hiện chưa nghiêm túc Công văn 2302/UBND-NC ngày 11/4/2018 của UBND tỉnh”; đồng thời, yêu cầu UBND huyện Nam Đàn và UBND huyện Hưng Nguyên nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh.

Vậy kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động khoáng sản tại các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên có nội dung như thế nào mà các huyện lại không thực hiện dẫn đến UBND tỉnh phải có văn bản phê bình?

Lần theo Công văn số 2302/UBND-NC, chúng tôi tiếp cận được với các thành viên Tổ công tác liên ngành do Sở TN&MT thành lập tại Quyết định số 784/QĐ-STNMT hồi tháng 12/2017, để được tiếp nhận các thông tin tài liệu, tư liệu và cả những câu chuyện trong quá trình thực thi nhiệm vụ của họ. Và, toàn bộ những “chiêu trò” hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi lòng sông tại các huyện có sông Lam chảy qua được vén mở hết sức rõ ràng.

Không chỉ người dân bức xúc. Ngay cả những cán bộ đoàn công tác liên ngành của tỉnh qua quá trình kiểm tra xử lý vi phạm cũng rất bất bình, vì trong công tác quản lý nhà nước có những dấu hiệu buông lỏng. Trong ảnh là Đại tá Chu Minh Tiến, nguyên Trưởng đoàn liên ngành được thành lập theo Quyết định 5445/UBND-ĐC của UBND tỉnh, trao đổi với PV Báo Nghệ An ngay tại một bãi tập kết cát sỏi trái phép ngay bên kè cầu Yên Xuân. Ảnh: Việt Long.

Qua hơn 3 tháng lăn lộn, Tổ công tác liên ngành đã làm rõ được các ngóc ngách mua bán kinh doanh cát sỏi của 44 bến bãi tập kết kinh doanh cát sỏi trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương. Đối với 9 bến có Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, có một bến thủy nội địa do chính quyền cấp xã cho thuê đất trái thẩm quyền; có 4 bến không có thủ tục môi trường theo quy định; có 3 bến kinh doanh cát, sỏi không rõ nguồn gốc.

Còn với 35 bến thủy nội địa kinh doanh tập kết cát, sỏi được kiểm tra không có Giấy phép bến thủy nội địa, có 25 bến đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa có hợp đồng thuê đất; 10 bến còn lại không có chủ trương đầu tư. Cả 35 bến này. Đoàn liên ngành thành lập tại Quyết định số 5445/QĐ-UBND-NC ngày 23/11/2015 UBND tỉnh đã đình chỉ, niêm phong hoạt động, nhưng nay hoạt động bình thường!

Qua việc điều tra của các đoàn công tác, cát sỏi tại các bãi tập kết không phép, thường là cát không xuất xứ nguồn gốc, sau đó được hợp thức hóa bằng hóa đơn của các đơn vị, doanh nghiệp có phép. Và đây là một trong những nguyên nhân cát tặc tồn tại. Ảnh: Nhật Lân

Kiểm tra về nguồn gốc cát sỏi tại 35 bến này, thì chỉ có 5 bến là có giấy xuất kho chứng minh nguồn gốc cát, nhưng lại không có hóa đơn chứng từ từ đơn vị khai thác. Còn 30 bến thì kinh doanh cát sỏi không rõ nguồn gốc. Tổng khối lượng cát sỏi kinh doanh qua các bến được kê khai thuế năm 2017 là 1.163.024 m3 (Thanh Chương: 135.859 m3, Nam Đàn 332.377 m3, Hưng Nguyên 469.153 m3, Thành phố Vinh 225.635 m3).

Từ đây, Tổ công tác khẳng định tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát sỏi trên tuyến kiểm tra vẫn còn diễn biến phức tạp, cụ thể là tình trạng bến không có Giấy phép bến thủy nội địa (hoặc có nhưng bị thu hồi) dù đã bị đình chỉ, niêm phong hoạt động, bàn giao địa bàn sạch cho địa phương quản lý nhưng tiếp tục tái hoạt động.

Tình trạng hoạt động mua bán cát, sỏi tại bến thủy nội địa không rõ nguồn gốc đang tiếp diễn. Một số bến nhập cát (mua cát) không rõ nguồn gốc, là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng khai thác trái phép còn tiếp diễn. Bên cạnh đó, tàu thuyền hoạt động trên sông không thực hiện đăng ký, đăng kiểm, biển kiểm soát đăng kiểm không rõ ràng; tàu thuyền được lắp thêm thiết bị khai thác (máy hút cát) sai quy định, là phương tiện để “cát tặc” hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Cát tặc gây sạt lở bờ sông ở xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương hồi tháng 4/2018. Ảnh: Zen Đa

Tổ công tác kiến nghị cấp thẩm quyền chỉ đạo ngành Thuế thực hiện truy thu thuế; giao UBND các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đưa bến thủy nội địa vào hoạt động mà không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; đình chỉ mọi hoạt động đối với 35 bến không có Giấy phép hoạt động thủy nội địa. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có liên quan trong việc để các bến đi vào hoạt động, tái hoạt động.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản của chính quyền địa phương cơ sở, là còn có sự lơ là, bê trễ. Chính vì vậy, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát của các Đoàn kiểm tra liên ngành, Tổ kiểm tra liên ngành đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của 23 Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có liên quan trong việc để tái diễn việc mở bến bãi trái phép sau khi được các Đoàn kiểm tra bàn giao mặt bằng sạch (Thanh Chương 14 xã, Nam Đàn 6 xã, Hưng Nguyên gồm 03 xã). Ngày 11/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2302/UBND-NC, trong đó chỉ đạo rõ nội dung này.

Để ngăn cản cát tặc, một số điểm dân cư ở xã Thanh Tiên (Thanh Chương) đã tự lập nhóm đẩy đuổi cát tặc, hoặc dựng rào tre trên sông để ngăn tàu hút cát. Ảnh: Nhật Lân

Về việc UBND tỉnh phê bình Chủ tịch UBND hai huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên, theo Tổ công tác, qua kiểm tra thì chỉ có UBND huyện Thanh Chương đã kiểm điểm trách nhiệm của 14 xã có liên quan, đồng thời trước mắt ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác trái phép. Còn UBND huyện Nam Đàn chưa tổ chức kiểm điểm 6 xã có liên quan, mà báo cáo: "Hiện nay cơ quan Công An huyện đang khởi tố điều tra xử lý 14 chủ thuyền thuộc HTX Lam Sơn Đại Thành liên quan việc khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Nam Thượng. Sau khi có kết quả xử lý của cơ quan điều tra. UBND huyện sẽ xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan theo quy định".

UBND huyện Hưng Nguyên cũng chưa tổ chức kiểm điểm 3 xã có liên quan, chưa quyết liệt xử lý khai thác trái phép, báo cáo kết quả thực hiện không kịp thời. Chính vì vậy, Sở TN&MT đã kiến nghị UBND tỉnh có nhắc nhở.

Dù tốn nhiều thời gian, công sức nhưng nạn cát tặc vẫn là vấn đề phức tạp, chưa thể xử lý được triệt để. Ảnh: Zen Đa

Bởi tại các Công văn số 4684/UBND-NC và 4685/UBND-NC, UBND tỉnh thể hiện ngoài Sở TN&MT “dõi theo” các vấn đề xử lý kiểm tra việc khai thác, kinh doanh cát sỏi lòng sông thì còn có Ban Nội chính Tỉnh ủy và Sở GT&VT. Thế nên chúng tôi cũng đã có những buổi làm việc với những người có trách nhiệm ở nơi này.

Những gì được trao đổi là bởi vi phạm pháp luật trong khai thác kinh doanh cát sỏi vẫn tiếp tục tái diễn, trong khi chính quyền hai địa phương này thể hiện sự lơ là, thiếu quan tâm thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Từ thực tế này, Ban Nội chính Tỉnh ủy và Sở GT&VT có văn bản đề nghị UBND tỉnh cần phải tiếp tục quan tâm nhắc nhở.

(còn tiếp)

Ngày 2/6/2018, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4001/VPCP-NC về việc vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, quản lý, bảo vệ rừng và quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Tại văn bản 4001, nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các tỉnh và thành phố, trong đó có tỉnh Nghệ An tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra phức tạp, gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua; có biện pháp chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn không để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tái diễn.

Tác giả: Nhật Lân

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP