Giải trí

Khi cả fan và nghệ sĩ đều “ngáo” quyền lực

Ồn ào giữa ca sĩ Đông Nhi, ê-kíp và cộng đồng người hâm mộ (fandom) một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng của fan đối với thần tượng. Dư luận được phen thở phào khi có lẽ đã hết thời nghệ sĩ được tôn sùng tới mức trở thành những “ông hoàng, bà chúa” không ngai. Lúc này, quyền lực của người hâm mộ với một nghệ sĩ sẽ “công phá” tới đâu?

Nghệ sĩ bị fan “quay xe”

Những ngày qua, ồn ào giữa ca sĩ Đông Nhi, ê-kíp của Đông Nhi và fandom trở thành tâm điểm của dư luận. Sự việc càng căng thẳng khi Đông Nhi có những lời lẽ gay gắt, từ ngữ nặng nề, khẳng định kênh Fanclub Đông Nhi thuộc quyền sở hữu của công ty cô. Nữ ca sĩ cũng cho rằng chính một vài fan của cô đã có hành vi xấu nhằm chia rẽ cộng đồng fan. Không dừng lại, giọng ca “Bad boy” còn thẳng thừng tuyên bố, mọi sự ủng hộ từ khán giả dành cho cô từ trước đến nay đều là “tự nguyện”, “là các bạn tự làm”, “chính các bạn làm chị sợ hãi”, “công ty không còn muốn nhận sự giúp đỡ của các bạn”...

Ngay lập tức, bài chia sẻ của Đông Nhi vấp phải phản ứng của người hâm mộ. Thậm chí, những người đã gắn bó với Đông Nhi từ khi cô còn là ca sĩ tuổi teen, cũng đồng loạt quay lưng và bày tỏ sự thất vọng trước những phát ngôn của thần tượng.

Đông Nhi từng là nghệ sĩ có lượng fan hùng hậu của showbiz.

“Tạm biệt chị, cảm ơn chị đã là một phần trong thanh xuân của em. Ê-kíp chị luôn đúng còn em lúc nào cũng sai cả”, “Em rất thất vọng về chị đó. Chào tạm biệt 6 năm thanh xuân của em”, “Chắc phải dẹp poster của chị lại một góc rồi”, “Chưa bao giờ nghĩ chị sẽ làm như vậy”, “Đông Nhi gánh ê-kíp còng lưng. FC Đông Nhi gánh cả Đông Nhi lẫn ê-kíp gãy lưng. Tội cho các bạn fan quá, bị chính idol vả ngược lại”…

Đông Nhi không phải là nghệ sĩ đầu tiên đối mặt với làn sóng “quay xe” của người hâm mộ. Vì lộ scandal nhờ người mang thai hộ, bỏ con, Trịnh Sảng cũng đã bị fan quay lưng, “thân bại danh liệt” ở Trung Quốc. Trong một đăng tải mới nhất trên mạng xã hội, nữ diễn viên 9X phải thốt lên: “Sau sự kiện năm ngoái, rất nhiều người không ngừng giẫm đạp, công kích tôi. Đến bây giờ, họ vẫn chưa có ý định buông tha cho tôi. Tại sao vậy? Tôi thực sự mệt mỏi. Xin hãy dừng ngay việc mạo danh tôi, giả làm fan của tôi để đánh cắp đời tư, bạo lực mạng và dựng chuyện gây ảnh hưởng đến danh dự của tôi”.

Ngô Diệc Phàm cũng chịu cảnh tương tự khi bị khán giả quay lưng, chỉ trích dù trước đó anh đang là nghệ sĩ trẻ có lượng fan đông đảo tại quốc gia tỷ dân. Từ nam thần được yêu mến, cựu thành viên nhóm EXO vướng cảnh tù tội vì bị hot girl Đô Mỹ Trúc tố cáo việc cưỡng hiếp. Bên cạnh nghi vấn hiếp dâm trẻ vị thành niên, tài tử họ Ngô còn bị cáo buộc cưỡng dâm tập thể, sử dụng ma túy, quay trộm clip, lừa các cô gái sử dụng ma túy, môi giới mại dâm…

Nữ diễn viên Lý Tiểu Lộ, người được mệnh danh là “tiểu Châu Tấn” của Cbiz cũng bị khán giả quay lưng sau khi cô lộ chuyện ngoại tình với rapper kém 13 tuổi - PGOne dù đang có chồng. Vụ việc được phát hiện vào cuối năm 2017 và từ đó đến nay, Lý Tiểu Lộ không thể trở lại hoạt động trong làng giải trí, không nhận được lời mời đóng phim. Trong vòng 2 năm liên tiếp, nữ diễn viên lọt danh sách: Những nghệ sĩ Trung Quốc bị ghét nhất năm. Nữ diễn viên buộc phải chuyển sang bán quần áo online để kiếm sống. Lý Tiểu Lộ từng đăng tâm thư thừa nhận sai lầm, xin lỗi người hâm mộ nhưng cơ hội trở lại làng giải trí của cô hiện tại vẫn là con số không.

Hàn Quốc là nơi sức mạnh của fan thể hiện rõ rệt nhất. Làn sóng tẩy chay không chỉ dừng lại ở mạng xã hội bằng những hashtag thể hiện quan điểm. Fan hâm mộ tại Hàn Quốc có thể đe dọa các ngôi sao, công ty khi ngừng mua album, tiêu thụ các sản phẩm giải trí, nhắn tin, gọi điện, đăng quảng cáo... Đơn cử, nữ diễn viên đang lên của màn ảnh Hàn Quốc - Seo Ye Ji phải ở ẩn một năm qua vì sự phản đối của người hâm mộ vì dính “phốt” điều khiển bạn trai. Trước đó, “điên nữ” của “Điên thì có sao” đang là ngôi sao 9X hàng đầu của Hàn Quốc khi sở hữu cả nhan sắc và khả năng diễn xuất nổi bật. Trong quá khứ, nhiều ngôi sao trẻ như Sulli, Goo Hara chọn cách tự sát vì không chịu được áp lực dư luận.

Những người giúp nghệ sĩ hốt bạc

Ở showbiz Việt, trước nay chưa có bất kỳ nghệ sĩ hạng A nào chọn cách “đối đầu” trực diện với fan trên mạng xã hội như Đông Nhi. Showbiz Việt cũng chưa chứng kiến cảnh nghệ sĩ “thân bại danh liệt” vì làn sóng tẩy chay. Thông thường khi xảy ra vụ việc, nhiều nghệ sĩ chọn cách im lặng, một số đối đầu trực tiếp với các cuộc tẩy chay và còn lại là những người lên tiếng xin lỗi, giải thích. Rồi sau thời gian “ở ẩn”, chờ dư luận nguôi ngoai, họ tìm cơ hội xuất hiện trở lại.

Hoa hậu Chuyển giới 2018 Hương Giang từng là nghệ sĩ Việt có nhóm anti-fan đông nhất hoạt động trên không gian mạng lên tới 100.000 người. Chưa đầy một năm sau, cô nàng đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” khi đứng ra tổ chức show truyền hình thực tế của riêng mình, làm giám khảo tại các cuộc thi. Hay, sau bê bối “ngâm tiền từ thiện” Hoài Linh sớm đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021.

Sở dĩ, văn hóa tẩy chay ở showbiz Việt vẫn chỉ dừng lại ở trào lưu, kiểu a dua, tát nước theo mưa có lẽ do khán giả vẫn giữ tâm lý dễ dãi, “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, bất chấp nghệ sĩ đó đã phải trải qua một cuộc thanh tẩy mạnh mẽ. Mối quan hệ lợi ích hệ giữa fan và thần tượng chưa được xây dựng mạnh mẽ như các nước có ngành giải trí phát triển trong khu vực như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Blackpink đang là nhóm nhạc nữ hàng đầu của Kpop.

Tờ Osen của Hàn Quốc nhận định, người hâm mộ là người làm nên thành công cho nghệ sĩ, nhưng cũng hoàn toàn có thể kết thúc sự nghiệp của họ. Chu Quỳ - giáo sư khoa Báo chí và Truyền thông tại Đại học Truyền thông Trung Quốc cũng cho rằng, đóng góp từ fan là yếu tố không thể thiếu đối với sự thành công của người nổi tiếng.

Fandom của những người nổi tiếng Trung Quốc được biết đến nhiều hơn ở nước này với tên gọi “vòng kết nối người hâm mộ”. Fandom thậm chí còn là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao vị thế của các ngôi sao trên mạng xã hội, cũng như tăng cường ảnh hưởng trực tuyến của họ. Họ thậm chí còn tự nguyện chi nhiều tiền để thuê các công ty trực tuyến giúp quảng bá thần tượng.

Tại Hàn Quốc, sự ảnh hưởng của fandom đến thần tượng còn khủng khiếp hơn. Theo SCMP, nếu yêu thích, fan có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ cho idol và các công ty giải trí. Họ thậm chí bỏ tiền để đưa bài hát cũ trở lại bảng xếp hạng trong ngày sinh nhật của thần tượng. Đỉnh điểm, năm 2020, khi ngành giải trí thế giới điêu đứng vì dịch COVID-19, Kpop là thể loại âm nhạc phát triển nhanh nhất trên thế giới. Thống kê của Liên đoàn Quốc tế Công nghiệp Ghi âm cho thấy, doanh thu ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đã tăng 44,8%, theo IFPI Global Music Report.

Theo Twitter, số lượt tìm kiếm về Kpop trên mạng xã hội này đã tăng từ 5,09 triệu USD năm 2010 lên 6,1 tỷ USD năm 2020. Serena M.Vaswani - giảng viên đại học Ateneo De Manila cho rằng, đây là cách để fan biểu hiện lòng trung thành với thần tượng. Do đó, người hâm mộ đã trở thành một phần không thể thiếu của hệ sinh thái Kpop. “Chúng tôi nỗ lực chi trả số tiền lớn để thần tượng có cuộc sống hạnh phúc”, một fan Kpop tiết lộ, theo CNN Philippines.

Làm gì để fan và thần tượng không “ngáo” quyền lực?

Thực tế, mối quan hệ giữa ngôi sao và người hâm mộ thực tế là mối quan hệ ngang bằng. Mối quan hệ này chỉ tốt đẹp khi cả hai bên hài lòng, vui vẻ và chừng mực. Người hâm mộ vì yêu mến, ủng hộ các hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ, ngược lại, nghệ sĩ cũng vì fan của mình đem lại những sản phẩm có chất lượng, tạo giá trị tốt đẹp cho xã hội. Đằng sau mối quan hệ tưởng chừng vô hại này lại là mặt tối đáng buồn.

Sau ồn ào với antifan, Hương Giang trở lại showbiz với nhiều vai trò khác nhau.

Trang Sina cho rằng, suy nghĩ mù quáng khiến người hâm mộ đôi khi vô tình trở thành kẻ bắt nạt, lạm dụng quyền lực fan tạo ra hành vi tấn công tiêu cực, gây tổn thương tâm lý người khác. Ngược lại, một số nghệ sĩ thậm chí được công chúng tôn sùng cá nhân tới mức trở thành “ông hoàng bà chúa” không ngai, làm cho họ ảo tưởng về quyền lực của mình. Hay nói cách khác, mối quan hệ giữa fan và nghệ sĩ phải được xây dựng, phát triển theo hướng gắn bó, ủng hộ lẫn nhau. Fan không có quyền “sinh sát”, toàn quyền kiểm soát mọi việc của nghệ sĩ, mà có thái độ phê phán khách quan, lịch sự, có căn cứ, mang tinh thần xây dựng. Hay nói cách khác, yêu mến một nghệ sĩ không phải là “mù quáng” bảo vệ nghệ sĩ bất chấp, ghét cũng chẳng thể “ghét cả đường đi lối về”.

Trở lại trường hợp của Đông Nhi và tất cả những gì diễn ra ở showbiz Việt, đã đến lúc khán giả cần sử dụng hiệu quả quyền lực “mềm” của mình để nghệ sĩ có trách nhiệm hơn với hành xử của bản thân. Và quan trọng nhất, với tư cách nghệ sĩ, điều giữ chân người hâm mộ lâu nhất phải là những sản phẩm nghệ thuật nhân văn, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống chứ không phải là những sản phẩm rẻ tiền, “rác” văn hóa.

Mà nói như cách của chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: “Nghệ sĩ đừng ảo tưởng rằng mình quyền lực, mình là ông vua bà chúa, mình có thể hô mưa gọi gió hay đứng trên dư luận. Những điều đó là có thật trước khi câu chuyện này xảy ra. Đúng là họ đã từng có những đặc quyền đặc lợi, và bây giờ họ không khỏi bị sốc. Các nghệ sĩ lứa sau sẽ nhìn vào đó và rút kinh nghiệm thôi, rồi showbiz sẽ không xảy ra những câu chuyện tương tự như thế này nữa”.

Tác giả: Thảo Dung

Nguồn tin: antg.cand.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP