Giọng ca của nữ ca sĩ Khánh Ly được xem như một trong những “giọng hát kinh điển” của dòng nhạc Trịnh, được yêu thích trong nhiều thế kỷ. Gần đây, bà trở về Việt Nam để thực hiện một số chương trình ca nhạc mang tính từ thiện, theo như chia sẻ của bà là “hoàn thành tâm nguyện của chồng”.
Danh ca Khánh Ly đã dành thời gian chia sẻ cùng PV Dân trí những câu chuyện, những trải nghiệm, những hỷ, nộ, ái, ố mà bà đã trải qua trong suốt quảng đời đi hát và luôn gắn bó với âm nhạc của mình.
Về nước để hoàn thành tâm nguyện của chồng
Ca sĩ Khánh Ly và chồng
Với cuộc sống với nhiều bước ngoặc, thăng trầm, ngay cả mất mát lớn nhất là người “tri âm tri kỷ” cũng đã mất… Vậy giờ đây, điều gì với bà là quan trọng nhất?
Tôi mong muốn làm nốt những điều mình làm chưa đủ. Từ 40-50 năm trước, khi mới bước vào nghề, tôi luôn muốn làm những công việc xã hội giúp đỡ người khác, ở Việt Nam cũng vậy, ở hải ngoại cũng vậy. Mình đóng góp bằng tiếng hát của mình thôi.
Bây giờ con cái đã ổn định, tôi có nhiều thời gian hơn để làm những chuyện chồng tôi lúc còn sống mong muốn, như đi giúp trẻ mồ côi mổ mắt, các seur (ma-sơ) già cả đã về hưu,… Chồng tôi quan niệm mình không cho ai cái gì cả, mà thật ra những người đó cho mình, nhất là sự bình an trong tâm hồn. Đừng hỏi làm việc thiện để làm gì, như vậy thừa lắm, việc gì làm được thì cứ làm thôi!
Chuyện làm từ thiện, tôi cũng không dám xin ai hết, ai có lòng thì làm. Số tiền đóng góp tôi đều chuyển đi hết chứ không dám giữ đồng nào, còn nếu không thì tôi lấy tiền túi ra thôi. Mặc dù tiền của mình không nhiều nhưng thôi kệ. “Mình ăn thì hết người ta ăn thì còn”, tuổi tôi còn ăn xài được bao nhiêu nữa, nên thôi cố gắng!
Lần này bà trở về quê hương là muốn hoàn thành tâm nguyện của chồng?
Đúng, tôi nói thật lòng, nếu cả 2 không từng nghĩ đến điều đó thì tôi không về “cố hương” đâu. Tôi không làm được gì to lớn nhưng đời sống của tôi chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng trước nhất là đến gia đình, con cái. Dạy dỗ các con sống tử tế, có lòng nhân hậu, đó là cách mình làm đẹp cho Việt Nam rồi. Tôi có ở Mỹ bao nhiêu năm nữa tôi cũng về.
Ở tuổi ngoài 70 nhưng Khánh Ly vẫn còn hát và còn được hát và được khán giả yêu thích giọng hát của mình
Trước đây khi chồng còn sống, việc về hay không về Việt Nam của bà có chút ồn ào và có những tranh cãi xoay quanh chuyện cát sê?
Tôi đâu có tranh cãi với ai. Tôi không hề nói chuyện tiền bạc với ai bao giờ cả, chồng tôi cũng vậy, không đòi giá cao giá thấp gây phiền hà người ta. Chuyện đồn thổi, tôi có biết nhưng không trả lời. Ai hiểu được mình thì tốt, không hiểu thì chịu thua chứ mình không nên tranh cãi.
Vậy bà có buồn lòng không?
Không, đó là cuộc đời, người đời. Đường đời mà bằng phẳng thì không có chuyện gì để nói. Chẳng ai là thần thánh, cứ làm tốt, từ từ mọi người sẽ hiểu mình thôi.
Giờ tôi chỉ muốn hoàn thành ước mơ duy nhất, cũng là ước mơ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, của chồng tôi, đó là đến gần hơn với người nghèo. Bởi nhiều người đâu có tiền để đi nghe hát. Tôi không tham vọng. Con cái đã ổn định, sống tử tế thì đó là ơn trời rồi, mình không phải buồn vì những chuyện khác.
Chồng mất, tôi trở về trắng tay
Hiện tại, bà có cảm thấy cô đơn khi phải một mình trải qua cuộc sống này?
Không, tôi nghĩ niềm vui là do mình tạo ra. Người ta có thể cho mình tiền nhưng không thể cho mình hạnh phúc nếu mình không tự tạo, chỉ cần thấy đủ là sẽ đủ.
Tôi không yêu cầu các con phải chăm sóc hay chu cấp cho tôi. Tôi quen rồi, tập một mình đi, tập buồn đi, buồn nhiều quá rồi thì nó thành vui!
Từ bao giờ mà bà có quan điểm như vậy?
Từ nhỏ đến giờ, tôi mồ côi cha mà. Ở trong gia đình, tôi lại là đứa bị quên lãng bởi mẹ vì tôi không đúng tính bà, tôi không đẹp, tôi lì lợm, thích hát không thích học. Mẹ tôi buồn tôi, tôi cũng vậy, 2 mẹ con không bao giờ hiểu nhau. Cho đến bây giờ, tôi mồ côi cha sớm rồi đến mồ côi mẹ, “mồ côi chồng” nên quen rồi.
Tập sống cô đơn đi, không sao đâu, ít ai chết vì sự cô đơn lắm! Cô đơn chỉ làm mình rắn rỏi thêm, khiến mọi chuyện dần trở nên nhẹ lại.
Bà đặt nặng vấn đề gì trong cuộc sống?
Chẳng việc gì làm tôi bận lòng. Một đời người vui buồn như vậy là đủ rồi, đủ hành trang để qua đến thế giới bên kia. Đừng đòi hỏi nhiều quá, càng đòi hỏi thì càng thất vọng, càng buồn.
Bà cảm thấy giai đoạn nào là sóng gió nhất của cuộc đời mình?
Cuộc đời người ta có lúc nào mà không sóng gió đâu, sóng rồi lại êm, mình cũng phải vượt qua hết. Đời sống mà, càng nghĩ mình lại càng thấy mệt.
Khi chồng ra đi, bà có cảm thấy bất ngờ và hụt hẫng?
Cái chết không bất ngờ, nhất là nó xảy ra với người thân của mình. Đời mình đâu có nhiều thời gian để mà làm lại, có buồn vui mình cũng phải sống. Chồng mất tôi trở về tay trắng mà thôi.
Bà và chồng đã gắn bó bao nhiêu năm?
40 năm. Những lúc khó khăn, gian nan nhất thì lại thương nhau nhiều hơn, gắn bó không rời, có lẽ 2 tôi ở được với nhau lâu như vậy là bởi 40 năm qua nhiều thăng trầm, mất mát, thậm chí trắng tay, dành dụm được một ít tiền thì bị gạt, 3-4 lần như vậy làm chúng tôi thương nhau nhiều hơn, chưa bao giờ cãi vả vì tiền bạc.
Nhiều người cứ nói tôi thế này thế kia là do chồng xúi, tuy nhiên, tôi cũng từng nói mọi người trả lại công đạo cho ông. Chúng tôi cũng làm đủ ăn, đủ làm từ thiện chứ có lường gạt ai đâu. Tôi đi làm, tôi kiếm tiền nuôi con mà cũng không cho thì thật vô lí. Người ta không mời tôi được thì quy chụp là do ông quản lí, thật ra là do tôi không thể dứt khoát nói “không”. 40 năm ở với tôi, chồng tôi bị nhiều người ghét là do tôi.
Bà có từng nghĩ, không có chồng thì mình vẫn sống tốt?
Cái đó thì tôi không biết được. Tôi cảm ơn chồng nhiều lắm. Ít ra trong 40 năm, hạnh phúc của tôi không tròn vo nhưng lại là quãng đời đáng sống. Tôi không may mắn lắm về đường tình yêu, tôi không tạo được hạnh phúc cho người đàn ông. Tôi nghĩ mình là người làm ra tiền, đem về cho gia đình thì ghê gớm lắm nhưng lại không nhận ra người đàn ông đôi khi họ còn cần nhiều thứ khác. Mình sai nhưng may mắn là chồng không vì cái sai mà từ bỏ mình. Đôi khi phải trải qua hết mới ngẫm ra.
Tuy nhiên, trong suy nghĩ của nhiều người hình ảnh của Khánh Ly gắn bó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hơn với chồng?
Hai tình cảm đó khác nhau. Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là sự ngưỡng mộ như một người cha, vì tôi mồ côi từ nhỏ, còn tôi với chồng tôi là liền da, liền thịt, liền xương.
Tôi và Trịnh Công Sơn có thể một ngàn đời không thay đổi, cả cuộc đời sẽ chỉ tôn trọng nhau như thế nhưng tôi với chồng tôi có thể có lúc sẽ không yêu nhau nữa. Tuy khác nhau nhưng cả 2 đều thiêng liêng cả.
Gắn bó với nhạc Trịnh một thời gian dài, điều gì làm bà không thể nào quên?
Nhiều vô chừng kể, mà kỉ niệm nào với tôi cũng quý. Nó không phải tình yêu nhưng là cái nghĩa nặng, những điều ông cho tôi như bố mẹ cho tôi vậy. Điều quan trọng nhất với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là hát, ông chỉ không hài lòng khi tôi lấy chồng thôi. Không phải ông không cho tôi lấy chồng mà ông nghĩ lẽ ra tôi phải lấy người khá hơn như vậy.
Tôi nghĩ đến ông Sơn nhiều lắm, không phải đợi đến ngày giỗ mới nhớ đến ông đâu.
Tôi chỉ “thực sự sống” những lúc hát
Tôi chỉ sống những lúc đi hát. Lúc trên sân khấu, tôi sống từ mái tóc cho đến ngón chân, lúc đó tôi mới sống, quên trời, quên đất không nhớ gì cả. Chính vì thế tôi mới thấy mình may mắn khi còn được hát mặc dù chẳng còn bao lâu nữa, Khánh Ly chia sẻ.
"Tôi chỉ sống những lúc đi hát. Lúc trên sân khấu, tôi sống từ mái tóc cho đến ngón chân, lúc đó tôi mới sống, quên trời, quên đất không nhớ gì cả. Chính vì thế tôi mới thấy mình may mắn khi còn được hát mặc dù chẳng còn bao lâu nữa", Khánh Ly chia sẻ.
Chương trình từ thiện lần này cụ thể, bà sẽ thực hiện thế nào?
Giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, chùa, nhà thờ,… tôi sẽ chia ra, không nhất thiết phải cứ làm mãi ở một chỗ đâu. Tôi sẽ đi hát để kiếm tiền chứ đi xin mang tiếng lắm. Lúc chồng mất cũng dặn dò tôi tổ chức hát để làm từ thiện chứ đừng xin, tôi cũng không nhận tiền phúng điếu mà đem cho 160 ca mổ mắt.
Ca sĩ Khánh Ly đã từng thực hiện chương trình tài trợ bệnh nhân nghèo mổ mắt với nghệ sĩ Kim Cương
Chương trình lần này bà sẽ làm ở đâu?
Ngoài Đà Lạt, Sài Gòn và Hà Nội, sau đó trở lại Đà Lạt và Đà Nẵng thì sẽ còn đi nhiều thêm nữa. Mình muốn có tiền chia sẻ với người ta thì mình cũng phải kiếm ra tiền. Tôi hy vọng công việc này sẽ được nhiều người chú ý và tiếp tay vì một mình tôi làm không nổi.
Tôi và ca sĩ Quang Thành gần 10 năm nay vẫn thực hiện các buổi hát và đóng góp bằng sức mình cho các chương trình từ thiện. Và giờ đây, tôi rất vui khi được cùng Kim Cương, Ngọc Giàu, Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Hồng Nhung... tham gia cùng chung tay. Chúng tôi rất hy vọng “Vòng tay nhân ái” sẽ đi xa và rộng khắp hơn các nẻo đường Việt Nam.
Tôi lớn tuổi rồi, nhiều lắm là vài năm nữa thôi. Sau đó sẽ đến những người trẻ, những người có tâm và có của, tôi thấy ca sĩ Việt Nam bây giờ họ làm nhiều lắm. Hy vọng họ sẽ tiếp tay.
Chương trình lần này có gì đặc biệt hơn?
Mỗi chương trình đều có một cái riêng. Bài thì dĩ nhiên sẽ có một số trùng, không thể nào mình chọn bài mới hoài được, chỉ có mục đích là không thay đổi thôi. Tôi lúc nào cũng muốn mang lại những điều mới mẻ. Đặc biệt lần này, ở những nơi như Đà Lạt với tôi là một sự trở về, cũng đã hơn 60 năm rồi.
Những lần trước, được biết một số chương trình muốn mời bà về Việt Nam khá khó khăn?
Đâu có gì khó, hoàn toàn không đâu. Nếu như mình có được giấy phép thì chuyện đi-về đơn giản lắm.
Trong những đêm nhạc các năm trước để tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, giọng ca Khánh Ly chưa từng tham gia biểu diễn?
Những chương trình như vậy tôi có tham gia cũng không thay đổi được gì vì rất đông ca sĩ. Cũng là những đêm như vậy nhưng mình chia ra hát ở nhiều nơi khác, lúc đó tôi đi hát cho các bạn sinh viên ngoài Hà Nội. Đó cũng là ý muốn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Mọi người đều nghĩ giọng ca của bà là ca sĩ phù hợp nhất để hát nhạc Trịnh?
Thôi thì năm tới đi (cười). Nhớ chú Sơn thì lúc nào cũng nhớ, tuy nhiên, việc gì đã quá nhiều người làm mình nên chia nhau ra. Mình nên tìm nơi nào ít ca sĩ đến, có thể không đông khán giả, không “vui”, tiền không nhiều nhưng tôi lại thấy thích. Mình đến những nơi như vậy, mọi người sẽ dành cho mình tình cảm nhiều hơn.
Gần đây nhất, danh ca Khánh Ly thực hiện chương trình từ thiện cùng những bạn bè tại Việt Nam nhân ngày Trung thu
Bà nghĩ quan trọng là mình được hát hay được khán giả yêu mến?
Phải là mình được hát trước. Không biết người khác nghĩ sao, nhưng với tôi tuổi tác quan trọng lắm. Mình mong muốn được hát vì quãng thời gian của mình không còn nhiều. Nếu bây giờ mình "chán hát" thì không còn cơ hội nào nữa.
Nhiều năm trôi qua, cách hát của bà có gì thay đổi?
Tôi càng lớn tuổi thì càng muốn sống, càng muốn hết lòng với ca khúc của mình. Một lúc nào đó mình không hát được nữa, tiếc lắm!
Ca hát là “sứ mệnh” của một người ca sĩ?
Cũng không hẳn như vậy, nếu xem ca hát là sứ mệnh thì một lúc nào đó mình không hát được nữa nghĩa là mình không tồn tại hay sao?
Tuy nhiên, phải nghĩ được như vậy thì mình mới trân trọng nghiệp diễn và làm cho nó thăng hoa. Có thêm một ngày là ơn trời, mình phải làm tốt ngày đó bằng tiếng hát. Trời cho mình giọng hát thì mình phải cống hiến, nó không phải là thuốc nhưng khiến người ta thấy bình yên.
Nghệ sĩ vẫn hay bày tỏ cảm xúc của mình qua âm nhạc? Còn bà?
Tôi chỉ sống những lúc đi hát. Lúc trên sân khấu, tôi sống từ mái tóc cho đến ngón chân, lúc đó tôi mới sống, quên trời, quên đất không nhớ gì cả. Chính vì thế tôi mới thấy mình may mắn khi còn được hát mặc dù chẳng còn bao lâu nữa.
Tôi chẳng cần sân khấu lớn cả nghìn người, chẳng cần danh hiệu diva hay tượng đài. Ngồi bãi cỏ hát cho 5-7 người nghe là đủ, quan trọng là họ đến với mình vì tình yêu hay mình làm sống lại những kỉ niệm trong tuổi xuân của họ.
Tác giả bài viết: Băng Châu