Ảnh chụp lá thư xin lỗi của đối tượng. |
Thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội cướp giật tài sản
Ngày 1/2, Công an phường An Phú (thị xã Thuận An, Bình Dương) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra một vụ cướp giật kỳ lạ khi hung thủ trả lại tài sản kèm thư xin lỗi cho nạn nhân.
Cơ quan chức năng đã xác minh nhằm trao trả 100 triệu đồng và 2 chiếc điện thoại di động cho người bị cướp. Nạn nhân khi trả lời báo chí cũng mong muốn công an không truy bắt hung thủ.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, việc kẻ cướp trả lại tài sản trong đó kèm thư xin lỗi với nạn ở Bình Dương vừa qua hết sức hy hữu và gần như lần đầu tiên xuất hiện.
"Trước đây, chỉ có những việc các đối tượng cướp giật tài sản ăn năn hối cải hoặc sợ bị phát hiện nên bằng cách nào đó, âm thầm trả lại tiền, tài sản cho người bị hại dễ phát hiện và tìm được. Còn để tiền cùng thư xin lỗi công khai kèm theo thế này rất hiếm gặp", luật sư Cường nói.
Tuy nhiên, theo luật sư Cường, với hành vi dùng xe máy, phóng nhanh, áp sát xe nạn nhân rồi cướp tiền, sau đó nhanh chóng tẩu thoát như của hung thủ này đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội cướp giật tài sản căn cứ quy định tại Điều 171 Bộ Luật Hình sự 2015.
Nạn nhân của vụ cướp. Ảnh: Báo Người lao động. |
Do đó, sau khi cướp giật được tài sản dù có trả lại ngay lập tức cho người bị hại, gửi thư xin lỗi thì đối tượng này vẫn sẽ bị xử lý về tội cướp giật tài sản.
Luật sư Cường nêu rõ, pháp luật luôn khuyến khích người phạm tội ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, bồi thường khắc phục hậu quả.
Trong trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội sau đó ăn năn, hối hận về hành vi của mình trả lại tài sản cho người bị hại để bồi thường, khắc phục hậu quả, ngoài ra còn tự thú hoặc đầu thú thì đó là những tình tiết để có thể giảm nhẹ một phần hình phạt cho người phạm tội.
Trong trường hợp người bị hại có Đơn xin giảm trách nhiệm hình sự thì cũng là tình tiết có thể xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Ngoài ra, trong trường hợp người phạm tội gặp hoàn cảnh khó khăn, con cái ốm đau, gia đình tới bước đường cùng... cũng có thể được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
"Các tình tiết trên sẽ là căn cứ để các cơ quan tố tụng xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho người phạm tội khi xét xử vụ án. Pháp luật luôn khuyến khích người đã thực hiện hành vi phạm tội ăn năn hối cải, tự nguyện khai báo, đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Do vậy, trong trường hợp này đối tượng thực hiện hành vi cướp giật tài sản nên đối mặt với sự thật, đến trình diện với các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, với những tình tiết diễn biến xảy ra, hung thủ có trốn cũng khó thoát được sự truy tìm, trừng phạt của pháp luật", luật sư Cường nêu rõ.
Cơ quan công an vẫn cần xử lý theo quy định
Còn luật sư Nguyễn Công Thành (Hà Nội) cho rằng, dù được coi là tên cướp "có tâm nhất" trước dịp Tết Nguyên đán, nhưng hành vi của đối tượng này đã thỏa mãn các dấu hiệu của tội cướp giật tài sản.
Luật sư Thành nêu rõ, đây là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội và có thể gây gây nguy hiểm cho nạn nhân khi đối tượng dùng xe máy phóng nhanh, áp sát rồi cướp.
"Theo quy định của pháp luật thì tội cướp giật tài sản không thuộc một trong các tội danh khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.
Bởi vậy kể cả trường hợp người bị hại không yêu cầu xử lý hoặc có đơn đề nghị không xử lý với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan công an vẫn cần phải tiếp tục xem xét giải quyết xử lý theo quy định pháp luật.
Còn căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ mà đối tượng đã thực hiện, cơ quan công an sẽ xem xét theo đúng quy định tại Điều 51 Bộ Luật Hình sự", luật sư Thành nêu rõ.
Điều 171 Tội cướp giật tài sản 1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; i) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; c) Làm chết người; d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. |
Tác giả: Hoàng Đan
Nguồn tin: Báo Trí Thức Trẻ