Trong tỉnh

Huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An: Khu vực mới được cấp phép thăm dò, đã hoạt động rầm rộ

Dù mới được cấp phép thăm dò, chưa được giao đất thực địa, chưa có thông báo chương trình và khối lượng thăm dò, nhưng Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn đã đưa máy móc, thiết bị vào khu vực lèn Chu, làng Dủa, xã Thọ Hợp, huyện Qùy Hợp san gạt, hoạt động rầm rộ, khiến dư luận người dân địa phương bất bình phản đối...

Ngày mới Online nhận được phản ánh của nhiều người cao tuổi về việc, vào thời điểm năm 2019 khu vực lèn Chu, làng Dủa, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp chỉ mới được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý về mặt chủ trương thăm dò đá vôi làm đá ốp, lát và đá xây dựng nhưng đã có người đưa máy móc vào hoạt động mở đường, cắt xẻ đá như mỏ đã được cấp phép. Sau khi báo chí phản ánh, chính quyền địa phương đã ráo riết kiểm tra và tình trạng khai thác đá "chui" mới tạm dừng.

Đến cuối tháng 12/2020, Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò, nhưng chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An giao đất thực địa, cũng chưa có Thông báo chương trình và khối lượng thăm dò đến chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn đã đưa máy móc, thiết bị vào khu vực Lèn chu hoạt động rầm rộ.

Khu vực mới được Bộ tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò

Có mặt, tại lèn Chu những ngày cuối tháng 12/2020, chúng tôi thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Tại khu vực này, nhiều con đường đã được mở, máy múc đang hoạt động ngay trên đỉnh núi, bên cạnh đó là những phiến đá đã được cắt vuông vắn.

Trao đổi với phóng viên, ông Vi Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp cho hay: "Công ty An Lộc Sơn chưa báo cáo với chính quyền địa phương về việc thăm dò, và cũng chưa bàn giao đất thực địa, tôi sẽ cho anh em lên kiểm tra".

Theo đó, ngày 25/12 UBND xã Thọ Hợp đã có Biên bản làm việc với Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn và yêu cầu: Công ty dừng ngay mọi hoạt động san gạt, làm đường, di chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực thăm dò, phối hợp với cơ quan thẩm quyền và chính quyền địa phương xác định cụ thể diện tích, toạ độ, mốc giới khu vực thăm dò thể phối hợp quản lý.

Tìm hiểu được biết, ngày 9/12/2020, Bộ tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản số 236/ GP – BTNMT cho phép Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn thăm dò đá hoa Dolomit làm đá ốp lát với diện tích 45,69ha; khối lượng công tác thăm dò: Theo đề án thăm dò đã được Hội đồng thẩm định Đề án thăm dò khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và thông qua; thời gian thăm dò 36 tháng; chi phí thăm dò bằng nguồn vốn tự có của công ty.

Bạt núi mở đường

Tại Giấy phép số 236 nêu rõ, Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn có trách nhiệm: Nộp lệ phí cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản và các khoản phí có liên quan theo quy định hiện hành. Thực hiện đề án thăm dò theo phương pháp và khối lượng của đề án thăm dò khoáng sản đã được Bộ tài nguyên và Môi trường chấp thuận và theo các quy định khác của pháp luật có liên quan; thi công các hạng mục công việc đúng quy trình kỹ thuật, thu thập tổng hợp đầy đủ, chính xác các kết quả thăm dò... Thông báo kế hoạch, thời gian triển khai thi công các hạng mục thăm dò cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác khoáng sản trong quá trình thăm dò. Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn chỉ được phép thực hiện công tác thăm dò sau khi thông báo chương trình và khối lượng thăm dò cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An và chính quyền địa phương để phối hợp quản lý kiểm tra và xác định cụ thể diện tích, toạ độ, mốc giới khu vực thăm dò khoáng sản thực địa.

Nhiều phiến đá được cắt vuông vắn

Quỳ hợp là địa phương có nguồn tài nguyên phong phú đa dạng, được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác hàng chục mỏ đá, quặng... Tuy nhiên, bên cạnh đó tình trạng khai thác kiểu “thổ phỉ” vẫn diễn ra. Ông T.M.Th, trú tại Thọ Hợp, Quỳ Hợp cho biết: “Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã có rất nhiều công ty mượn cớ "thăm dò" để khai thác đá, quặng trái phép. Như chỗ Lèn Chu các chú cứ nhìn đi, mặc dù mới cấp phép thăm dò đã khai thác, mở đường như một cái mỏ hoạt động nhiều năm”.

Nhằm tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như "chỉ đạo" của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giấy phép thăm dò số 236, thiết nghĩ, chính quyền địa phương tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan cần kiểm tra chặt chẽ đề án thăm dò, phương pháp và khối lượng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, tránh tình trạng doanh nghiệp mượn cớ “thăm dò" để khai thác khoáng sản.

Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin

Tác giả: Zen Linh - Hải Long

Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP