Ngày 26/1, Hương Tràm thức dậy trong tình trạng mắt phải bị đỏ, đau nhức, có ghèn và không thể nhìn rõ. Nữ ca sĩ được bác sĩ chẩn đoán bị viêm giác mạc sâu, có để lại sẹo. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là suốt 4-5 năm qua, Hương Tràm liên tục sử dụng kính áp tròng.
Mắt phải của Hương Tràm bị đỏ, có ghèn và không thể mở. |
Giọng ca Em gái mưa bị cận và loạn thị. Cô sử dụng kính áp tròng trắng khi sinh hoạt đời thường và đeo lens màu mỗi lần lên sân khấu. Mới đây, khi phát hiện bị viêm giác mạc, Hương Tràm được bác sĩ khuyên tạm ngừng sử dụng kính áp tròng. Tuy nhiên, trước một sự kiện quan trọng, nữ ca sĩ "đánh liều" để xuất hiện trước khán giả với diện mạo đẹp nhất. Điều này khiến đôi mắt Hương Tràm viêm nặng, không thể mở vào sáng hôm sau.
Hương Tràm cho biết mắt phải của cô liên tục chảy nước, đau nhức và đỏ quạch trong hai ngày. Nữ ca sĩ không nhìn rõ, đi lại cần có người dìu. Sau show diễn cuối tại Nhà hát lớn, Hương Tràm dừng toàn bộ công việc để tập trung tĩnh dưỡng.
Sau 5 ngày điều trị, tình hình sức khỏe của Hương Tràm đã ổn định, mắt phải giảm thị lực và còn yếu nên chưa thể tiến hành phẫu thuật cận thị. Cô phải sử dụng kính gọng thay cho kính áp tròng, nhỏ thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hương Tràm từng bị đau mắt nặng cách đây hai năm. Tuy nhiên, tình trạng không nghiêm trọng như lần này. Theo chia sẻ của cô, bác sĩ khuyến cáo cô nên thận trọng khi sử dụng kính áp tròng. Mỗi ngày chỉ nên mang kính không quá 5 giờ, chú ý vệ sinh đôi mắt, hạn chế sử dụng điện thoại vào ban đêm.
Tình trạng của Hương Tràm được bác sĩ cho hay có thể xấu hơn nếu không được phát hiện kịp thời, hậu quả nghiêm trọng nhất là mất thị lực vĩnh viễn.
Hiện tại, giọng ca Em gái mưa phải chờ khoảng 3 tháng cho đôi mắt hồi phục trước khi bước vào ca phẫu thuật điều trị cận thị. Hương Tràm từng có ý định mổ mắt từ năm ngoái nhưng vì lịch trình dầy đặc nên chưa thể thực hiện.
Nữ ca sĩ sử dụng kính gọng thay cho kính áp tròng. |
9 lưu ý khi sử dụng kính áp tròng để bảo vệ đôi mắt 1. Nên đeo kính áp tròng trước khi trang điểm: Đeo kính áp tròng sau khi trang điểm sẽ khiến bụi phấn hay mascara rơi vào kính gây khó chịu và kích ứng. 2. Không dùng lại dung dịch ngâm kính cũ: Một khi lấy kính ra khỏi dung dịch, dung dịch sẽ bị nhiễm khuẩn bởi tay hay dụng cụ lấy kính. Vì thế nếu ngâm lại sẽ làm kính bị nhiễm trùng gây kích ứng mắt. Một lưu ý nữa là chỉ nên sử dụng loại dung dịch chuyên dụng để ngâm kính. 3. Vệ sinh kính đúng cách: Không dùng nước máy nước uống hay nước lọc để lau rửa kính áp tròng. Trong nước uống, nước máy hay nước lọc vẫn có chứa những vi sinh siêu nhỏ có thể gây kích ứng mắt. Chỉ được phép sử dụng nước chuyên dụng để lau rửa kính áp tròng. 4. Không sử dụng lại kính áp tròng dùng một lần: Loại dùng một lần nên kính không có khả năng kháng bụi bẩn.Vì thế, bạn nên loại bỏ ngay sau khi sử dụng. 5. Trước khi sử dụng kính nên đi khám: Những ai bị các bệnh về mắt đeo kính sẽ làm kính ứng mắt. Vì thế trước khi quyết định chuyển sang đeo kính áp tròng nên đến các bệnh viện mắt gần nhất để các bác sĩ kiểm tra và cho kết luận chính xác. Những người có mắt nhạy cảm nên đeo những loại kính đặc biệt có khả năng ngăn chặn tia tử ngoại. 6. Không nên đeo kính áp tròng quá lâu: Thời gian đeo kính áp tròng tùy thuộc vào sức khỏe, tình trạng mắt và môi trường sống của mỗi người. Với những ai thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, chỉ nên đeo kính trong khoảng 3 đến 4 tiếng. Ngoài ra thời gian mắt nghỉ ngơi như ngủ trưa hay qua đêm cũng nên tháo kính áp tròng. 7. Khi đang bị đau mắt không dùng kính áp tròng: Nếu cố gắng đeo sẽ khiến giác mạc bị tổn thương, có thể gây mù lòa vĩnh viễn. 8. Không đeo kính áp tròng quá hạn sử dụng: Kính áp tròng và dung dịch để vệ sinh kính cũng có hạn sử dụng. Sau thời gian này, kính sẽ mất khả năng tự bảo vệ, tạp chất có thể bám vào kính và dung dịch sẽ bị nhiễm khuẩn. Bạn nên thay kính sau mỗi 3-6 tháng sử dụng. 9. Không sử dụng chung kính áp tròng: Đây là một trong những nguyên nhân lây lan các vấn đề về mắt. Hơn nữa, mỗi kính áp tròng sẽ có một kích cỡ và hình dạng khác nhau do sự khác biệt về kích thước nhãn cầu. |
Tác giả: Lam Trà
Nguồn tin: ngoisao.net