Với hình thức giao ban trực tuyến (cách gọi quen thuộc là “họp từ xa”), kết nối đến tận công sở các xã biên giới đang tạo bước đột phá về cải cách hành chính công ở một địa phương cấp huyện vốn rộng lớn nhất nước này.
Cán bộ, công chức xã Mai Sơn tham gia giao ban trực tuyến do huyện Tương Dương tổ chức. Ảnh: Viết Lam |
Lợi đủ đường
Chúng tôi đến xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An khi trời đã xẩm tối. Đã hẹn trước, chị Bùi Thị Lan, cán bộ Văn phòng - Thống kê xã Mai Sơn đón, mời mấy anh em trong đoàn về ăn cơm tối cùng gia đình. Chị Lan vốn là người từ dưới xuôi lên địa bàn biên giới công tác đã 13 năm, rồi trời se duyên, chị đã kết hôn, trở thành vợ của một thầy giáo người bản địa. Cuộc sống của họ giản dị nhưng rất hạnh phúc. Sau bữa cơm tối đầm ấm, chị Lan nói: “Lâu ngày mấy chú ngồi uống nước, nói chuyện với anh nhé. Mình đi chuẩn bị tài liệu, sáng mai xã có cuộc giao ban với huyện”.
Nói rồi, chị nhanh chóng đi vào trong phòng riêng làm việc. Tôi băn khoăn hỏi thầy giáo Lữ Thịnh (chồng của chị Lan): “Sao sáng mai giao ban với huyện mà giờ này chị còn ở nhà? Quãng đường 120km chẳng lẽ bình minh lên mới đi, sao kịp được?”. Nghe vậy, thầy giáo Thịnh cười, rồi giải thích: “Gần 2 năm nay, cán bộ các xã ở huyện Tương Dương không mấy khi phải ra trung huyện tâm giao ban, họp hành nữa đâu chú. Họ tổ chức “họp từ xa” rồi”.
Nói về công tác giao ban trực tuyến tại địa phương, ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Từ tình hình thực tế, địa phương đã thống nhất đầu tư trên 400 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối internet đến 15 điểm cầu, tập huấn cho cán bộ các xã để tiến hành giao ban trực tuyến. Mô hình này bắt đầu triển khai từ đầu năm 2018, đến nay đã tạo được nhiều hiệu ứng tích cực, mỗi năm giúp địa phương tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng ngân sách. Cũng với hệ thống này, chúng tôi sẽ tiến hành việc tiếp dân trực tuyến trong thời gian tới”. |
Đang định giải thích thêm thì anh Thịnh đứng dậy đi ra phía cổng vì nghe tiếng chó sủa dồn, hình như nhà có khách. Trong chốc lát, đã nghe vọng từ xa: “Các chú nhà báo lên xã ta mà kín tiếng quá”. Nghe giọng thôi cũng đoán được đó là ông Lô Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Mai Sơn - một người khá thân quen với anh em chúng tôi trong những lần lên công tác. Ông là người đồng bào dân tộc Thái, sinh ra, lớn lên ở vùng đất này.
Trong câu chuyện thân tình, ông Quang đặt câu hỏi, rồi tự trả lời, như muốn khoe về sự đổi thay của quê hương: “Các chú thấy Mai Sơn khác nhiều không? Có điện lưới, có mạng internet, có xe ô tô khách chạy từ thành phố Vinh lên hàng ngày... Cán bộ xã chúng tôi cũng không phải vất vả đi họp, đi giao ban ở huyện nữa, giờ họp trực tuyến - “họp từ xa” cả rồi”.
Theo lời kể của ông Lô Văn Quang, từ đầu năm 2018, UBND huyện Tương Dương đã đầu tư xây dựng 15 điểm cầu, triển khai hình thức giao ban trực tuyến tận đến các xã. Chủ tịch xã Mai Sơn cũng khẳng định, việc “họp từ xa” là một bước đột phá lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân địa phương. Bởi trước đây, để tham gia một cuộc giao ban ở huyện, ông Quang phải mất 3 ngày, với chi phí đi lại, ăn, ở tại trung tâm thị trấn có khi lên đến cả triệu đồng.
Đó là chưa kể đến tình huống mất an toàn giao thông trong những chuyến đi với quãng đường dài và nguy hiểm. Từ khi triển khai hình thức giao ban trực tuyến đã giúp cho cán bộ ở các xã tiết kiệm được thời gian, ngân sách cho địa phương. Không chỉ vậy, thành phần họp giao ban cũng được mở rộng đến toàn bộ cán bộ, công chức và bí thư, trưởng bản. Nhờ vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được lan tỏa, sớm triển khai vào cuộc sống của người dân.
Dồn sức chăm lo cuộc sống nhân dân
Qua thực tế triển khai, “họp từ xa” thực sự là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính công ở huyện biên giới Tương Dương. Cán bộ, công chức có thời gian, kinh phí dồn sức chăm lo cuộc sống nhân dân. Theo thống kê của UBND xã Mai Sơn, nhờ giao ban trực tuyến được triển khai, mỗi năm, địa phương tiết kiệm được hàng chục triệu đồng ngân sách từ nguồn thanh toán công tác phí. Số tiền này được chuyển sang các mục đích khác như hỗ trợ nhân dân trong xã mua cây, con giống phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao cuộc sống.
Cũng như nhiều địa phương khác, những năm gần đây, Đảng ủy xã Mai Sơn đã tiến hành giải thể Chi bộ Đảng khối cơ quan, thay vào đó, đảng viên sẽ về sinh hoạt và phụ trách các bản làng cụ thể. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn ở công sở, các đảng viên sẽ phải gắn trách nhiệm của mình trong việc triển khai các chương trình, chính sách đến với nhân dân địa bàn mình phụ trách. Hình thức giao ban trực tuyến giúp cho các cán bộ, đảng viên có thêm thời gian để bám sát cơ sở, đồng hành cùng người dân.
Nhờ giao ban trực tuyến, chị Bùi Thị Lan có điều kiện về thời gian hỗ trợ nhân dân sản xuất. Ảnh: Viết Lam |
Rời Mai Sơn, chúng tôi tìm về xã Hữu Khuông, một địa phương nằm trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, chưa có đường ô tô vào tận nơi, điện lưới quốc gia mới đảm bảo ở hai bản trung tâm xã. Từ trung tâm huyện Tương Dương để vào được Hữu Khuông phải mất 3 tiếng đồng hồ đi xuồng ngược dòng Nậm Nơn. Trước đây, việc về huyện đi họp, giao ban luôn là thử thách thực sự đối với cán bộ, công chức trong xã.
“Khi chưa có thủy điện, lòng sông dốc, nước chảy xiết, phải mất một ngày đi xuồng vượt thác ghềnh mới ra đến nơi. Bây giờ, hồ thủy điện chứa nước nên việc đi lại đỡ vất vả hơn, nhưng nếu không may đi thuyền gặp giông lốc cũng rất nguy hiểm. Cũng như nhiều địa phương khác, để dự một cuộc họp ở huyện, chúng tôi cũng mất đến 3 ngày với chi phí đi lại rất tốn kém. Việc triển khai giao ban trực tuyến thực sự rất thuận lợi, giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian, kinh phí để chăm lo cho cuộc sống người dân” - Ông Lô Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông khẳng định.
Tác giả: Viết Lam
Nguồn tin: Báo Biên Phòng