Bị coi rẻ chưa từng thấy
Giữa tháng 11/2017, thông tin từ bản dự thảo đề án có tổng kinh phí 12.000 tỷ đồng, với mục tiêu chính là trong vòng 8 năm (2018-2025) đào tạo, thu hút khoảng 9.000 tiến sĩ cho các trường ĐH được báo chí đăng tải. Dòng tít ngắn gọn: “Chi 12.000 tỉ đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ” nhanh chóng tạo “bão” trong dư luận, nhất là trên mạng xã hội.
Có “hot” Facebooker còn đưa ra so sánh hài hước: 12.000 tỉ đồng chi cho 9.000 tiến sĩ, vị chi, mỗi tiến sĩ cần 1,33 tỉ đồng. Như vậy, để có một tiến sĩ người nông dân sẽ tốn 665 con lợn, hay tương đương 88 con bò.
Chưa bàn tới việc đúng sai, song so sánh của Facebooker nọ cho thấy một điều chắc chắn là chưa bao giờ hai chữ “tiến sĩ” bị coi rẻ như vài năm gần đây. Cụm từ “tiến sĩ giấy” dường như không còn khiến người ta cảm thấy đủ sâu cay để gọi những ông tiến sĩ giả nữa. Để rồi cộng đồng tìm kiếm những từ ngữ nặng nề hơn.
Nhưng sự “sỗ sàng” ấy không phải không có lý do. Trong vài năm trở lại đây, người ta đã chứng kiến tình trạng vàng thau lẫn lộn rất rõ ràng trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.
Học viện KHXH Việt Nam nơi nổi danh với biệt hiệu "lò sản xuất tiến sĩ". Ảnh: Lê Văn. |
Vào khoảng đầu tháng 4/2016, cả xã hội nóng lên bởi câu chuyện “lò sản xuất tiến sĩ” ở Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) với phép tính “cứ 1 ngày 1 tiếng 15 phút ra một tiến sĩ” mà tới nay nhiều người vẫn còn nhắc tới.
Thanh tra Bộ GD-ĐT còn phát hiện tại cùng một thời điểm, tại học viện này có người được giao hướng dẫn tới 44 học viên cao học, có giáo sư được giao hướng dẫn tới 12 nghiên cứu sinh (NCS), có phó giáo sư cùng lúc hướng dẫn 9 NCS và có người chỉ có học vị tiến sĩ cũng hướng dẫn 7 NCS cùng lúc - nhiều gấp 2-3 lần so với quy định.
Nhưng câu chuyện chắc không chỉ có ở Học viện KHXH Việt Nam.
Thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT cho biết, trong 3 năm 2013-2015, có 3.311 NCS tốt nghiệp, trung bình, mỗi năm 158 cơ sở trên cả nước đào tạo được hơn 1.000 tiến sĩ. Nếu như làm phép tính một cách cơ học như nhiều dân mạng, cứ mỗi ngày, chúng ta lại có 3 tiến sĩ tốt nghiệp...
Điều gì đã tạo nên nhu cầu học vị tiến sĩ lớn như vậy?
Nói tới chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam những năm gần đây, GS. TS Nguyễn Đình Đức thở dài nhớ về thời “mấy chục năm về trước” khi những người đầu tiên là cố GS Hoàng Hữu Đường bảo vệ luận án phó tiến sĩ, rồi tiến sĩ trong nước nhưng “đã có mấy chục bài báo trên các tạp chí ISI”.
Vị trưởng Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội nói rằng, vào thời ông, 10 người thi (tiến sĩ - PV) thì 9 người trượt, việc tuyển chọn rất khắt khe. Trong khi hiện nay, chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng lên ồ ạt, không có kiểm soát. “Chất lượng đào tạo tiến sĩ trước hết phụ thuộc vào chất lượng NCS nhưng trong những năm vừa qua việc tuyển lựa NCS đã bị buông lỏng”.
Khi nhu cầu học tiến sĩ tăng lên, hình thức đào tạo cũng dần trở nên “thoáng” hơn. Thay vì đào tạo tập trung, việc đào tạo thạc sĩ rồi tiến sĩ chuyển thành đào tạo kiểu “tại chức”, vừa học vừa làm. Nhiều cơ sở đào tạo thường tổ chức các lớp học cho NCS, học viên sau đại học vào các ngày cuối tuần hoặc buổi tối để đáp ứng nhu cầu đa dạng và linh hoạt của người học.
Bệnh sính bằng cấp được cho là nguồn cơn khiến chất lượng đào tạo tiến sĩ đi xuống. Ảnh minh họa. |
Những người hướng dẫn vốn trước đây cũng được lựa chọn khắt khe với một số ít học viên, NCS thì giờ đây cũng không còn bị yêu cầu quá cao nữa. Chỉ cần là tiến sĩ với một số thời gian công tác nhất định sẽ được giao hướng dẫn nghiên cứu sinh. Sóng sau xô sóng trước, những tiến sĩ chất lượng không cao lại tiếp tục đào tạo nên những học trò của mình.
Đó còn là chưa kể, việc hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ còn là điều kiện “cứng” để nhiều người vươn tới danh vị cao hơn: giáo sư, phó giáo sư.
“Thầy thì tệ nhất là hướng dẫn vì tiền, trò tệ nhất là học vì đáp ứng những thứ ngoài khoa học” – GS Trần Ngọc Vương, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) bình luận.
Có cầu ắt có cung. Nhưng câu hỏi đặt ra là điều gì đã tạo nên nhu cầu lớn đến như vậy đối với học vị tiến sĩ?
PGS TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện KHXH Việt Nam, nơi được mệnh danh là “lò sản xuất tiến sĩ”, cũng nhìn nhận rằng nguyên nhân của việc quá nhiều người đổ xô đi học thạc sĩ, tiến sĩ bắt nguồn sâu xa từ tệ sính bằng cấp của người Việt. Đặc biệt là khi việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào bằng cấp.
Điều ông Đức nói không chỉ là một “luật ngầm” trong công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ mà đã được luật hóa trong các Luật Công chức và Luật Viên chức cũng như các văn bản liên quan. Cả hai bộ luật này đều có các điều khoản quy định về những ưu tiên, đặc cách đối với đối tượng có bằng cấp cao như thạc sĩ và tiến sĩ.
Nhiều địa phương có chính sách trải thảm đỏ với những người có bằng tiến sĩ hoặc học hàm giáo sư, phó giáo sư nếu về công tác, dù chưa biết họ sẽ cống hiến gì.
Thậm chí, năm 2009, dư luận được một phen xôn xao khi Thành phố Hà Nội đưa ra mục tiêu: tới năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ.
Để rồi 7 năm sau, bà Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phải than thở rằng, công tác tinh giản biên chế của thành phố gặp khó khăn vì Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Chỉ có hơn một nửa số tiến sĩ được đào tạo ra làm công tác nghiên cứu khoa học. |
Tệ sính bằng cấp đã khiến cách hiểu về tiến sĩ cũng như mục đích của việc học tiến sĩ trở nên lệch lạc. Việc học tiến sĩ với nhiều người là để làm sang, để được quy hoạch, bổ nhiệm nhiều hơn là nhằm mục tiêu nghiên cứu khoa học.
“Chúng ta đang hiểu từ tiến sĩ như là kết quả của một kỳ thi của văn hóa Khổng giáo trước đây, trong khi tiến sĩ là một học vị khoa học được định nghĩa từ châu Âu” – PGS. TS Phạm Thanh Phong (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hiện là GS thỉnh giảng tại ĐH Dongguk, Hàn Quốc) nói.
Nhiều người tin rằng học tiến sĩ vì tấm bằng chính là nguyên nhân sâu xa khiến chất lượng đào tạo trở nên đáng báo động trong nhiều năm qua.
Ông Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng thừa nhận: "NCS là đào tạo ra các nhà nghiên cứu với những trí tuệ mới chứ không phải đào tạo kỹ năng làm nghề. Nhiều NCS không xác định được rõ động cơ, mục tiêu này nên dẫn đến chất lượng không đảm bảo".
Còn ông Phạm Văn Đức thì than thở: “Đã là tiến sĩ thì phải nghiên cứu chứ không phải làm ông nọ bà kia, vì như thế là sai định hướng”.
Một dẫn chứng "thú vị" là trong số hơn 24.300 tiến sĩ (con số năm 2009) thì theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ vào năm 2013, chỉ có khoảng 12.000 người làm công tác nghiên cứu khoa học (bao gồm cả giảng viên).
Một thống kê khác: Chiếm đa số số lượng tiến sĩ được đào tạo hiện nay thuộc khối ngành quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng, kế toán…
Những ngành khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học mũi nhọn tỷ lệ đào tạo tiến sĩ rất thấp và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo Bộ GD-ĐT, nhiều ngành nghề gần như không đào tạo được tiến sĩ trong nhiều năm qua.
Khi học tiến sĩ không vì mục đích khoa học, đương nhiên, người ta sẽ tìm mọi con đường dễ dàng nhất cốt để có được tấm bằng tiến sĩ.
Có một giai thoại vui rằng, có vị quan chức nọ mang luận án tiến sĩ đến nộp cho GS hướng dẫn. Thầy đọc xong, nhận xét: “Luận văn của anh như báo cáo của ủy ban”. Vị quan chức nọ nghe xong, lễ phép thưa: “Dạ thưa thầy, để em về bảo thư ký viết lại”.
Đó có thể chỉ là một câu chuyện tưởng tượng, nhưng có lẽ hơn ở đâu hết, nó thể hiện rõ nét những mặt trái trong việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay.
(Còn nữa)
Tác giả: Lê Văn
Nguồn tin: Báo VietNamNet