Giáo dục

Học sinh Việt Nam đầu tiên giành HCV Olympic Thiên văn học quốc tế

Trần Xuân Tùng xếp thứ 11 trên 26 thí sinh được trao huy chương vàng và có lời giải một bài thi được công nhận "hay hơn cả đáp án".

Tại kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế 2018 ở Trung Quốc, Trần Xuân Tùng (lớp 12 Vật lý 1 trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam) là học sinh duy nhất và đầu tiên của Việt Nam giành huy chương vàng. Em xếp thứ 11/26 thí sinh được trao huy chương này và là người có lời giải một bài thi được Ban tổ chức công nhận "hay hơn cả đáp án".

"Đó là câu hỏi thuộc phần lý thuyết. Ban tổ chức cho thông số di chuyển trong năm của hai ngôi sao Ngưu Lang, Chức Nữ và hỏi chúng có thể gặp nhau. Đáp án dùng hình học để giải, còn em đi theo hướng sử dụng véctơ", Tùng kể.

Trần Xuân Tùng (lớp 12 Vật lý 1 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) tại góc học tập ở gia đình. Ảnh: Quỳnh Trang.

Cách giải khác biệt của Tùng ban đầu không được Ban giám khảo công nhận. Em sau đó đã chủ động trao đổi với thầy phụ trách đội để khiếu nại. Đêm trước ngày phản biện, Tùng thức đến 5h sáng dò kết quả chấm của ban giám khảo để tìm chỗ cho điểm chưa chính xác. Em giải lại, diễn giải chi tiết cách làm để chứng minh mình đúng và giúp thầy giáo phản biện hiểu chính xác.

"Khi chấm bài và trao đổi với Tùng, tôi chắc chắn hướng làm của em đúng. Tùng có khả năng trình bày bài tốt, ngắn gọn, đủ ý, nhưng đôi khi ngắn quá khiến người chấm chưa hiểu hết ý đồ. Buổi phản biện hôm đó bốn giám khảo đã mất nhiều thời gian giải bài theo hướng của Tùng mới có thể công nhận lời giải hay hơn đáp án", giáo viên phụ trách đội tuyển Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế 2018 - thầy Lê Mạnh Cường nói.

Với hai câu phản biện thành công, được cộng 20 điểm, Trần Xuân Tùng lọt vào tốp điểm cao, đạt huy chương vàng. Em tính toán, nếu không có thêm số điểm đó sẽ chỉ giành huy chương bạc. "Thầy cô dẫn đoàn nói đùa rằng mùa tham dự Olympic năm nay quá đau tim. Lúc Ban tổ chức công bố đến giải bạc mà chưa có tên em, tất cả đều vui sướng vì biết chắc Việt Nam sẽ có chiếc huy chương vàng đầu tiên", nam sinh chia sẻ.

Trở về từ cuộc thi, Tùng tập trung ôn thi học sinh giỏi Vật lý quốc gia và đạt giải nhất. Vật lý không chỉ là môn học yêu thích mà còn là nền tảng của Thiên văn học, Vật lý thiên văn nên Trần Xuân Tùng rất ý thức, đầu tư học tập. Bàn học của em trong ngôi nhà tại ngõ Thông Phong (Đống Đa, Hà Nội) chất đầy tạp chí Vật lý và Tuổi trẻ; sách vở môn học này.

Tùng bảo từ bé đã say mê xem tivi, đọc sách về khoa học vũ trụ vì "ở đó có nhiều bí ẩn nhân loại chưa giải thích được và em muốn khám phá nó". Khao khát đó thôi thúc Tùng tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia để dự thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế 2018. Đó là cách giúp em tiếp cận bản chất, gần hơn các trí thức khoa học vũ trụ, được cọ xát, giao lưu với bạn bè cùng đam mê.

Trần Xuân Tùng (thứ ba từ trái sang) cùng đoàn Việt Nam dự thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế 2018. Ảnh: TTXVN.

Trong khoảng 40 ứng viên dự thi vòng quốc gia, Trần Xuân Tùng lọt tốp 5 người xuất sắc, trở thành đại diện của Việt Nam tham gia Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế. Gần 3 tháng ôn đội tuyển với các thầy cô ở trường, Viện Vật lý, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, em hạnh phúc khi được trải nghiệm nhiều kiến thức mới.

Tùng được học về vụ nổ Big Bang, các dạng thiên hà, quá trình giãn nở vũ trụ, thuyết tương đối rộng với nhiều ứng dụng như GPS... Lần đầu tiên, em biết cách làm thế nào để xác định được khoảng cách giữa các thiên thể, vận tốc, chu trình hoạt động của một vật thể trong không gian...

Mỗi ngày đội tuyển ôn tập ba ca sáng, trưa, tối, tuần 2-3 buổi mang kính viễn vọng đi ngắm sao đêm đến 4-5h sáng để học về bản đồ sao. Có những ngày em và các bạn chỉ được ngủ 2-3 giờ trên ôtô khi di chuyển về nội thành Hà Nội để học tiếp ca sáng. Vất vả, nhưng với đam mê khám phá thế giới vũ trụ bí ẩn, Tùng vẫn cố gắng vượt qua để mang về chiếc huy chương vàng đầu tiên Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế cho đất nước.

Tương lai, em muốn du học để được thỏa sức khám phá tri thức này và học ngành nghiên cứu.

Olympic về Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế 2018 diễn ra từ ngày 3 đến 11/11/2018 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với sự tham gia của 214 học sinh. Trong 39 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, có Nga, Mỹ, Trung Quốc, Canada, Ấn Độ...

Tại cuộc thi, thí sinh phải thực hiện 4 bài bằng tiếng Anh gồm: thực hành, lý thuyết, thi xử lý số liệu và bài thi đồng đội. Việt Nam đã tham dự ba năm, đều do học sinh Hà Nội đại diện.

Năm 2018, 5 thí sinh đều đến từ trường Amsterdam. Kết quả, 4 em được huy chương, trong đó có một giải vàng, một giải bạc và hai giải đồng. Thành tích trên đưa đoàn Việt Nam đứng vị trí thứ 10.

Tác giả: Quỳnh Trang

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP