Học sinh miền núi Nghệ An chạy xe cub đến trường. Ảnh: Hồ Phương |
Hiện rất nhiều học sinh miền núi, đặc biệt là học sinh cấp 3 đua nhau tậu xe cub để đến trường. Quan sát tại một số thị trấn, trung tâm xã ở các huyện vùng cao Nghệ An, nhiều học sinh cấp 3 đã không còn dùng xe điện như trước. Thay vào đó là xe cup đời mới.
Chiếc xe cub hiện nay cũng có nhiều mẫu mã bắt mắt. Ảnh: Hồ Phương |
Qua tìm hiểu được biết, nhiều phụ huynh cho rằng việc lựa chọn việc mua xe cub cho con em vì nó có nhiều tiện ích.
Ông Nguyễn Văn Thanh, trú tại bản Sơn Hà, xã Tam Quang, huyện Tương Dương cho biết: "Xe cub thấp nên ngoài con tôi ra thì tôi và mẹ nó cũng có thể chạy được, không như chiếc xe đạp điện vừa cao vừa khó điều khiển. Tuy chiếc cub chạy bằng xăng nhưng nó lại là dòng xe tiết kiệm nhiên liệu. Nhà tôi cách trường 4km, nếu cháu đi học 1 tuần cũng chỉ hết chừng 40.000 - 60.000 đồng” - ông Toàn chia sẻ.
Có con xe cub cũng tiện lợi nhiều đường. Ảnh: Hồ Phương |
Cùng quan điểm với ông Toàn, bà Lương Thị Thắm, bản Tam Liên, xã Tam Quang, huyện Tương Dương cho hay: “Năm nay cháu nhà tôi vào lớp 10 nên đi học hơi xa, chúng tôi dành dụm được ít tiền nên chọn xe cub. Tôi đã hỏi ý kiến nhiều người họ khuyên tôi nên mua xe cub là hợp lý nhất, mua xe mà cả nhà tôi đều có thể chạy được, 1 buổi cháu nó đến trường, 1 buổi để tôi chở hàng đi chợ bán rau quả và tối để bố nó đi uống nước chè chát ở trong làng”.
Khảo sát ý kiến của nhiều người được biết, một trong những đặc điểm khác biệt nữa mà nhiều phụ huynh học sinh đã lựa chọn chiếc cub cho con em mình đó chính là tuổi thọ và đồ sửa chữa. Chiếc cub cũng có tuổi thọ vượt trội so với chiếc xe đạp điện. Không những thế, nó không phải lo sạc ác quy, mất điện như xe điện.
Chiếc xe cub có thể dùng để chở hàng. Ảnh: Hồ Phương |
Giá của các con cub xê dịch từ 11 - 12 triệu đồng. Trong khi đó, giá của một chiếc xe đạp điện lên đến 14 - 15 triệu đồng. Và dòng xe này cũng chưa tới 50 phân khối.
Tuy vậy, thực tế việc học sinh sử dụng, điều khiển xe cup (xe gắn máy) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. "Luật cho phép người điều khiển xe gắn máy có dung tích dưới 50 phân khối không cần Giấy phép lái xe. Tuy vậy, bản chất một chiếc xe gắn máy chẳng khác gì xe mô tô. Vì vậy nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông" - một người dân ở xã Tam Quang (Tương Dương) khẳng định.
Tác giả: Hồ Phương
Nguồn tin: Báo Nghệ An