Thời gian gần đây, một số học sinh, sinh viên bị đại diện chính quyền địa phương bút phê "bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương" vào tờ khai lý lịch, gây khó cho việc nhập học và xin việc làm khiến dư luận bức xúc.
Liên quan đến diễn biến nêu trên, bà Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, để các nhà trường làm tốt hơn công tác quản lý người học và thực hiện chế độ chính sách, năm 2007, Bộ ban hành quyết định với yêu cầu hồ sơ nhập học của học sinh, sinh viên gồm tám loại giấy tờ, trong đó có lý lịch.
Tuy nhiên, đầu năm 2017, Bộ đã ban hành thông tư về quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. Trong đó, điều 14 của quy chế nêu rõ hồ sơ thí sinh trúng tuyển nộp vào trường gồm năm loại giấy tờ, không có lý lịch học sinh, sinh viên.
Cán bộ xã bút phê "chưa chấp hành chủ trương chính sách..." vào tờ khai lý lịch của em V.A ở Hà Nội. Ảnh: C.T.V |
"Như vậy, từ năm 2017, học sinh sinh viên khi làm thủ tục nhập học không cần làm xác nhận sơ yếu lý lịch. Các em thực hiện việc xác nhận nội dung khai trong sơ yếu lý lịch nếu có yêu cầu tại UBND các phường, xã nơi cư trú tuân theo các qui định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp", bà Dung khẳng định.
Theo ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp), từ năm 2014, Cục đã hướng dẫn các địa phương xác nhận sơ yếu lý lịch theo hướng, UBND xã, phường, thị trấn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch.
Trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và tin tưởng vào nội dung đã khai thì xác nhận đúng. UBND cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân.
Tác giả: Hoàng Thùy
Nguồn tin: Báo VnExpress