Xã hội

Hiểm họa từ vô ý mở cửa xe ô tô gây tai nạn

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, mà nguyên nhân đều từ hành vi mở cửa xe ô tô một cách bất cẩn của những người ngồi trong xe ô tô...

Tai nạn chết người (!)

Mở cửa xe ô tô là một thao tác căn bản của người sử dụng loại phương tiện này và có không ít người tỏ ra thiếu cẩn trọng, dẫn đến tai nạn đáng tiếc cho bản thân và người khác.

Khoảng 12h10 ngày 21-11, lái xe Phan Thanh Hà (27 tuổi, ở tỉnh Nam Định) điều khiển xe ô tô chở theo chị Thái Phương Nghi (20 tuổi, ở quận 3, TP.HCM) đi trên đường Bà Hạt, phường 4, quận 10, TP. HCM hướng từ đường Nguyễn Tri Phương về đường Sư Vạn Hạnh.

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm do mở cửa xe ô tô ở TP.HCM

Khi đến trước số nhà 395 đường Bà Hạt, anh Hà cho xe ô tô dừng lại. Lúc này, chị Nghi ngồi trong xe ở phía sau mở cửa (bên tay trái hướng ngoài đường) để xuống xe, thì bất ngờ chị H. đang điều khiển phương tiện trên đường này, do khoảng cách quá gần nên không xử lý kịp đã va vào cánh cửa ô tô.

Vụ va chạm khiến chị H. cùng phương tiện ngã xuống đường. Lúc này, anh Đặng Tất Anh Vũ (38 tuổi, ở quận 8, TP.HCM) đang điều khiển xe ô tô hướng ngược lại đã cán lên người chị H. khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Trước đó, tại Hà Nội cũng xảy ra vụ tai nạn do mở cửa xe ô tô không quan sát. Lúc đó là 12h20 ngày 17-11, tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, một người đàn ông điều khiển xe ô tô màu trắng dừng bên đường mở cửa không quan sát. Lúc này, một bé gái vừa đi xe đạp vừa mải nhìn điện thoại đi tới và bị cánh cửa xe va trúng khiến bé gái ngã nhào xuống đường. May mắn, lúc này chỉ có một số phương tiện xe máy đi sau bé gái đã kịp phanh lại và nạn nhân chỉ bị thương nhẹ.

Lái xe mở cửa xe thiếu quan sát gây tai nạn cho bé gái ở Hà Nội

Khoảng 13h30 ngày 31-7, Huỳnh Vương Bảo Ngọc (26 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) điều khiển xe máy lưu thông trên đường Phan Đình Phùng hướng về cầu Bình Nhâm. Khi vừa đến khu vực chợ Lái Thiêu, phường Lái Thiêu, TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương, lái xe ô tô bất ngờ mở cửa khiến chị Ngọc xử lý không kịp, loạng choạng tay lái ngã ra đường và bị xe buýt chạy tới cán gây tử vong vì phanh không kịp. Điều gây bức xúc là ô tô gián tiếp gây tai nạn đỗ trên làn đường cấm, chỉ dành cho xe 2 bánh.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Trao đổi với PV Báo ANTĐ về tình huống cô gái ngồi phía sau xe ô tô, mở cửa xe không quan sát, làm người phụ nữ đi xe máy ngã ra đường bị xe tải chèn lên tử vong tại chỗ, Luật sư Lê Hồng Hiển, Công ty luật Lê Hồng Hiển và cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: "Đối với người điều khiển ô tô phải tuân thủ quy định dừng, đỗ xe tại Điều 18 Luật Giao thông đường bộ, “điểm đ, khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/CP - 2016”...

Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: Bên trái đường một chiều; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ; nơi đường bộ giao nhau hoặc trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau; điểm dừng đón, trả khách của xe buýt; trước cổng hoặc trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ô tô ra vào; nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; che khuất biển báo hiệu đường bộ

Đối với cô gái mở cửa xe ôtô có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 32 Nghị định 46/CP - 2016 đó là: điểm c - Đu, bám vào thành xe; đứng, ngồi, nằm trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý; tự ý mở cửa xe hoặc có hành vi khác không bảo đảm an toàn khi xe đang chạy.

Ngoài ra có thể xem xét hành vi của cô gái mở cửa xe có dấu hiệu của tội "vô ý làm chết người" theo quy định tại Điều 98 - BLHS 1999.

Đối với người điều khiển xe tải ngược chiều (cán lên người điều khiển xe máy): Người điều khiển xe chạy ngược chiều cũng phải bảo đảm các quy tắc an toàn cơ bản khi tham gia giao thông đó là chạy đúng phần đường, làn đường, chạy đúng tốc cho phép.

Trường hợp người lái xe tải tuân thủ đúng quy định về điều khiển phương tiện thì hành vi cán qua người cô gái điều khiển xe máy được xem là sự kiện bất ngờ. Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 11 - BLHS 1999.

Về tội danh, luật sư Lê Hồng Hiển cho rằng: Trong vụ việc này, nếu xác định được hành vi vi phạm gây hậu quả chết người thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh như sau: Đối với cô gái mở cửa xe gây tai nạn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 98 - BLHS 1999.

Đối với người điều khiển ô tô, tài xế xe tải nếu có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ’" theo Điều 202 - BLHS 1999. Tùy vào mức độ lỗi của người gây tai nạn, người bị hại (nếu có) mà bị xử lý theo quy định.

Tác giả: Linh Nhi

Nguồn tin: Báo An Ninh Thủ Đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP