Là huyện nông nghiệp nên việc phát triển cây lúa hết sức quan trọng đối với người dân huyện Yên Thành (Nghệ An), vì thế huyện Yên Thành nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung rất chú trọng đến việc đảm bảo an toàn ở các hồ, đập, để tích trữ nước phục vụ mùa màng, cũng như phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.
Theo thống kê của Xí nghiệp Thủy lợi Yên Thành, hiện trên toàn huyện có hơn 270 hồ, đập lớn nhỏ do địa phương và thuộc huyện quản lý, thế nhưng nỗi lo lớn nhất đó là nhiều hồ đập hiện nay đã xuống cấp, nên xảy ra nguy cơ vỡ đập bất cứ lúc nào.
Thân đập nhiều nơi bị nứt nẻ, trong thân xuất hiện mối, mọt nhiều hết sức nguy hiểm |
Xã Lăng Thành (huyện Yên Thành) có đập chứa nước Đồn Húng là một trong những đập nước lớn ở huyện Yên Thành, có tổng dung tích tích trữ nước là 4,2 triệu m3. Đập Đồn Húng có nhiệm vụ quan trọng trong việc phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp cho người dân hai xã Hùng Thành và Lăng Thành, cũng như phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân trong vùng.
Tuy nhiên do được xây dựng từ những năm 1970 - 1974, đến nay, sau thời gian dài đưa vào sử dụng, nên công trình đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Nguy hiểm nhất là thân đập chính dài gần 1km đã xuất hiện nhiều vết nứt, nhiều chỗ xuất hiện rò rỉ, sụt lún. Trước nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong đợt lũ vừa qua, nên đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Nghê An cùng với huyện Yên Thành đã quyết định mở tràn phụ để xả lũ.
Hiện tượng rò rỉ nước qua thân đập Kẻ Sặt hiện đã được xử lý, nhưng về lâu dài vẫn rất mất an toàn. |
Ông Nguyễn Công Kiên – Giám đốc xí nghiệp Thủy lợi Yên Thành cho biết: “Hiện nay mối trong thân đập rất nhiều đó là điều hết sức nguy hiểm không thể lường trước được. Trong đợt lũ năm 2013, mực nước đập lên cao khiến nguy cơ vỡ đập, buộc đơn vị quản lý phải phá tràn phụ để bảo vệ thân đập, cũng như an toàn về tài sản và tính mạng cho hàng trăm hộ dân trong khu vực”.
Cách đập Đồn Hùng không xa là đập Kẻ Sặt thuộc địa bàn xã Tiến Thành, có dung tích trữ lượng nước 2,9 triệu m3. Đập có nhiệm vụ quan trọng trong việc phục vụ nước tưới sinh hoạt cho 175 ha đất nông nghiệp của người dân hai xã Tiến Thành và Mã Thành, đồng thời phục vụ nhu cầu dân sinh cho 5.000- 6.000 người dân.
Tuy nhiên do được xây dựng từ năm 1971, đến nay công trình đã có dấu hiệu xuống cấp. Vài năm nay, thân đập chính xuất hiện rò rỉ nước, mặt tràn chính nối với tỉnh lộ 538 sau đợt mưa lũ vừa qua cũng bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân trong vùng.
Trước tình trạng trên, năm 2015 đơn vị quản lý đã tiến hành xử lý sự cố rò rỉ thân đập này, tuy nhiên về lâu dài vẫn tiềm ẩn nguy cơ bục, vỡ thân đập bất cứ lúc nào nếu không được khắc phục, sửa chữa kịp thời.
Đập Đồn Húng có chiều dài thân đập gần 1km, hiện nay đập nước này đã xuống cấp. |
Ông Đặng Xuân Ty – Phó chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: “Do được làm từ lâu nên đập nước Kẻ Sặt trên địa bàn hiện nay cũng đã xuống cấp, mặt tràn chính cũng đã bị hư hỏng nặng rất cần được sửa chữa. Chính quyền địa phương mong muốn Nhà nước sớm quan tâm đầu tư nâng cấp sửa chữa để đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ về”.
Một số hồ, đập ở huyện Quỳnh Lưu cũng trong tình trạng tương tự, điển hình như Đập Khe Gang thuộc địa bàn xã Ngọc Sơn mặc dù đã được sử dụng trên 30 năm, nhưng chưa được sửa chữa nâng cấp lần nào. Đến nay công trình đã xuống cấp, cũng như ảnh hưởng đến việc tích trữ nước, chất đất chống thấm kém, tràn đập bằng đất không đảm bảo an toàn…
Thiết nghĩ những hồ, đập nước ngoài nhiệm vụ tích trữ nước phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân, thì việc đảm bảo an toàn hồ, đập cũng là yếu tố hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân trong vùng chịu ảnh hưởng. Chính vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng quan tâm để sớm nâng cấp, sửa chữa các hồ, đập đang trong tình trạng nguy hiểm rình rập.
Tác giả: Đức Chung
Nguồn tin: Báo Công lý