Trong tỉnh

Hé lộ những cái kết đầy oan nghiệt của phận đời phu đá đỏ

May mắn hơn số đông, không ít phu đá đỏ đã có được tài sản khổng lồ từ những viên ruby lấp lánh. Tuy nhiên, kết cục của các đại gia mạnh nhất thời này cũng bi đát không kém những người đã bỏ mạng vì lòng tham hồng ngọc.

Trong câu chuyện kể với PV, ông Lang Thanh Hoài, Trưởng Công an xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, nhắc tới gia đình ông Lang Văn Chiếc, trú tại bản Kẻ Khoang. Vào thời kỳ hoàng kim, ông Chiếc đã từng trúng đậm đá đỏ, lần nhiều nhất bán được 36 triệu đồng (tương đương hàng tỷ đồng hiện nay).

Những năm sau đó, 2 người con trai của ông vẫn tiếp tục theo nghiệp cha, xâm nhập đồi Tỷ, đồi Triệu… để tìm vận may và có lần nhặt được viên ruby, bán được 20 triệu đồng. Sau khi có tiền, cha con ông Chiếc xây nhà, mua xe, tổ chức ăn uống… Tuy nhiên, từ một gia đình “đại gia đá đỏ” cha con ông Chiếc lại có một kết cục bi thảm ít ai ngờ. Sau khi bán hết tài sản trong nhà, ông Chiếc đã treo cổ tự tử, 2 người con trai của ông đều bị đá đè chết trong một lần đi khai thác đá trắng ở huyện Quỳ Hợp.

Nhiều gia đình chịu cảnh ly tán sau "cơn bão đá đỏ".

Ông Hoài kể tiếp, dưới chân đồi Tỷ, đồi Triệu… đã chôn vùi hàng trăm sinh mạng của các phu đá đỏ khắp trong Nam ngoài Bắc. Theo ghi nhận, tại đồi Tỷ đã xảy ra nhiều vụ sập hầm làm chết 78 người, trong đó 8 người mãi mãi bị chôn vùi không tìm được xác. Tuy nhiên, do hoạt động khác thác đá đỏ thời bấy giờ là trái phép, chui xuống hầm họ đã chấp nhận mọi tình huống nên khi xảy ra tai nạn cũng im lặng tự giải quyết mà không trình báo chính quyền địa phương.

Nhiều phu đá đỏ đã phải bỏ mạng dưới chân đồi Tỷ.

Chị Lê Thị Thủy, chủ quán cà phê ven Quốc lộ 48 nhớ lại, khoảng năm 1991, chị lên xã Châu Bình, phụ bán hàng tạp hóa cho một người bà con. Hằng đêm, quán tạp hóa lại bị đánh thức bởi tiếng gọi của những phu đá đỏ mua vải bố (loại vải thô màu trắng) để khâm liệm cho người bị chết do sập hầm.

Mùa hè năm đó, nhân viên trạm Y tế Châu Bình bàng hoàng khi sáng sớm phát hiện 2 anh em người Nam Định cùng bị sốt rét tử vong trên giường bệnh, do nhiều ngày chui lủi dưới lòng đất tìm đá đỏ. Đến nay, người ta vẫn không thể thống kê chính xác bao nhiêu sinh mạng đã phải nằm xuống tại thủ phủ đá đỏ Quỳ Châu và bao nhiêu gia đình tan cửa nát nhà sau khi trúng được những viên ruby.

Những viên ruby lấp lánh khiến bao người khốn khổ.

Theo ông Lang Thanh Hoài, việc khai thác đá đỏ trái phép tại thủ phủ Quỳ Châu chia ra 2 giai đoạn: Từ năm 1991 – 1996 và từ tháng 1 – 7/2003. Vào những thời kỳ cao điểm, có hàng nghìn người từ các nơi kéo về đây đào đá đỏ tạo nên một khung cảnh hỗn loạn, mất an ninh trật tự trên địa bàn. Vì sức hút của những viên ruby mà khu vực này thường xuyên xảy ra các vụ đâm chém, bắn giết lẫn nhau để tranh giành địa bàn, cướp đoạt hồng ngọc… Trong đó, nổi lên những cái tên cầm đầu các băng đảng giang hồ, có hàng chục đệ tử được trang bị vũ khí nóng như: Trường Lợn (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), Dũng Đui (TP.Vinh, tỉnh Nghệ An)…

Do tạo thành điểm nóng về tình hình an ninh trật tự, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã huy động công an, quân đội, bộ đội biên phòng, phối hợp với chính quyền địa phương nhiều lần tiến hành truy quét. Đến năm 2004, hoạt động khai thác đá đỏ trái phép tại thủ phủ Quỳ Châu đã hoàn toàn chấm dứt.

Còn tiếp!

Tác giả: NGUYÊN HỒ

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: đá đỏ ,triệu phú

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP