Trong tỉnh

Hành trình triệt phá vụ 17 con hổ nuôi trong hầm nhà dân

“Do việc nuôi hổ liên quan đến lợi ích kinh tế của nhiều đối tượng, khi bắt giữ có thể gặp phải sự che giấu, tẩu táng tang vật nên chúng tôi đã lên nhiều phương án. Nhưng với sự bố trí chặt chẽ, chúng tôi đã bắt giữ thành công mà không có một sự cản trở hay chống đối nào”, Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Nghệ An thông tin.

Theo Thượng tá Trần Phúc Thịnh từ đầu năm đến nay, Công an Nghệ An đã bắt giữ 15 vụ, 22 đối tượng vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, thu giữ 3.600 kg động vật, sản phẩm động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.

Liên quan đến vụ việc bắt 17 cá thể hổ trưởng thành mới đây ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) gây xôn xao dư luận, ngày 6/8, Thượng tá Trần Phúc Thịnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo đến UBND các huyện, Kiểm lâm, các địa phương là những nơi có nghi vấn nuôi nhốt động vật hoang dã quý hiếm.

Đồng thời thành lập các đoàn để đi tuyên truyền, tổ chức ký cam kết đến từng hộ dân về các quy định của pháp luật nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã để nâng cao ý thức việc chấp hành của người dân.

Đặc biệt ở địa bàn các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu công tác tuyên truyền cho người dân luôn được quan tâm, các hộ dân đã được ký cam kết 100%. Bên cạnh đó, chúng tôi đã phát động phong trào quần chúng nhân dân tố giác hành vi nuôi nhốt trái phép.

Đến nay 8/17 cá thể hổ đã chết, nguyên nhân đang được cơ quan chức năng làm rõ

Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, nhiều đối tượng đã bí mật nuôi hổ trái phép. Do đó, sau khi nắm được thông tin, lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra, làm rõ việc 2 hộ dân ở xã Đô Thành nuôi nhốt hổ trái phép.

Trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi) đang nuôi nhốt 14 con hổ trưởng thành, trọng lượng gần 200 kg/con. Tại gia đình bà Nguyễn Thị Định (51 tuổi) lực lượng chức năng phát hiện 3 con hổ trọng lượng từ 225 đến 265 kg. Các hộ dân này sử dụng các hầm ngầm, phòng kín trong nhà dân để nuôi nhốt hổ.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc điều tra, bắt giữ các đối tượng nuôi nhốt hổ, Thượng tá Thịnh cho biết: “Để phá chuyên án này, Công an Nghệ An đã huy động nhiều đơn vị chức năng, phòng, ban chuyên môn. Do việc nuôi hổ liên quan đến lợi ích kinh tế của rất nhiều đối tượng, khi bắt giữ có thể gặp phải sự che giấu, tẩu táng tang vật nên chúng tôi đã lên nhiều phương án. Nhưng với sự bố trí chặt chẽ các phương án, chúng tôi đã bắt giữ thành công mà không có một sự cản trở hay chống đối nào”.

Ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife)

Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường cảm ơn quần chúng nhân dân đã đồng tình ủng hộ lực lượng chức năng trong việc đấu tranh bắt giữ những đối tượng nuôi nhốt động vật hoang dã. “Qua đây, chúng tôi tiếp tục phát động phong trào quần chúng nhân dân tố giác hành vi nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã, quý hiếm”, Thượng tá Thịnh chia sẻ.


Nói về một số cá thể hổ đã bị chết, Thượng tá Thịnh cho hay, các cá thể hổ đang được chăm sóc ở một khu sinh thái trên địa bàn, tuy nhiên, đến sáng 6/8, đã có 8 cá thể hổ bị chết. “Do là tang vật của vụ án nên chúng tôi đã làm các thủ tục theo quy định, cấp đông, bảo quản nguyên vẹn các cá thể hổ chết này để phục vụ quá trình điều tra, xử lý theo quy định”, Thượng tá Thịnh cho biết thêm.

Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong chuyên án.

Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Nghệ An đã đấu tranh, bắt giữ 15 vụ, 22 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực động vật hoang dã. Xử lý hình sự 12 vụ, với 19 đối tượng, thu giữ 3.600 kg động vật, sản phẩm động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.

Riêng Phòng Cảnh sát môi trường đã điều tra, khám phá thành công 6 vụ, 9 đối tượng, thu giữ hơn 3000 kg động vật, sản phẩm động vật quý hiểm như: cá thể hổ, tê tê, gấu ngựa...

Đây là những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm, sự phối hợp, hiệp đồng, tác chiến chặt chẽ, nổ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của Công an Nghệ An.

Ghi nhận việc giải cứu 17 cá thể hổ tại xã Đô Thành, ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong chuyên án.

Được biết, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập nhằm mục đích ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các quần thể động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam. Thời gian qua, trung tâm phối kết hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương và Vườn quốc gia Pù Mát để tiến hành các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã từ buôn bán trái phép và tái thả chúng về môi trường sống phù hợp.

Tác giả: Kim Long

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP