Trong tỉnh

Hàng trăm người dân tố Công ty phân bón Phú Sinh gây ô nhiễm

Cây cối chết khô, mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm khiến hàng trăm người dân xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tập trung phản đối, yêu cầu Công ty Phú Sinh ngừng hoạt động và chuyển đi nơi khác.

Cây cối chết khô

Thời gian gần đây, người dân xóm 5, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) liên tục phản ánh về tình trạng Công ty phân bón Phú Sinh trên địa bàn gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Cây cối cháy lá tại thời điểm nhà máy xả thải ra môi trưởng. Ảnh: Người dân cung cấp

Theo đó, từ tháng 11/2020, cây cối xung quanh nhà máy có hiện tượng chết khô, nguồn nước bị ô nhiễm bốc mùi nồng nặc, khói từ nhà máy của Công ty Phú Sinh toả ra gây ô nhiêm cả khu dân cư. Tình trạng này khiến cuộc sống của người dân trở nên xáo trộn, lo lắng nên người dân đã tập trung phản đối, thậm chí còn in cả băng rôn treo xung quanh nhà máy của công ty.

Người dân căng băng rôn yêu cầu nhà máy chuyển đi nơi khác

Ông Lê Đình Trí (SN 1962, trú tại xã Quỳnh Mỹ) cho biết, năm 2011, nhà máy của Công ty Phú Sinh được xây dựng và đi vào sản xuất ở trên địa bàn xóm 5, xã Quỳnh Mỹ. Ban đầu, nhà máy sản xuất phân bón bằng công nghệ thủ công.

Thế nhưng, từ tháng 11/2020, nhà máy đưa công nghệ mới vào sản xuất thì bắt đầu xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khiến cây cối chết khô, mùi hôi thối nồng nặc nên người dân đã tập trung phản đối. Nhà máy tạm dừng 2 tháng nay thì cây cối mới xanh trở lại.

Nhà máy sản xuất phân bón Phú Sinh bị người dân tố gây ô nhiễm

"Nhà máy đặt trên địa bàn cũng hoạt động 10 năm. Trước đây, nhà máy sử dụng công nghệ cũ, sản xuất thủ công thì không xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng. Nhưng từ tháng 11/2020 bắt đầu có tình trạng ô nhiễm môi trường nặng khiến người dân vô cùng bức xúc, yêu cầu nhà máy đóng cửa", ông Trí nói.

Người dân tập trung phản đối nhà máy phân bón gây ô nhiễm

Tiếp lời, bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1966) bức xúc, nhà máy đóng gần dân cư, nước thải của nhà máy thải ra sông dân sinh gây ảnh hưởng đến nguồn nước của cả hàng trăm hộ dân. Bên cạnh đó, khí thải từ nhà máy ảnh hưởng đến môi trường sống, cây cối chết khô, mùi nồng nặc.

Bà Nguyễn Thị Nhung bức xúc yêu cầu nhà máy chuyển đi nơi khác

"Vì tương lai con cháu, chúng tôi yêu cầu đóng cửa và chuyển nhà máy đi nơi khác không thể để nhà máy gần khu dân cư. Đến cả cây cối còn chết thì con người chịu sao được", bà Nhung băn khoăn.

Sử dụng trái phép công nghệ mới

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Lê Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu cho rằng, thực trạng nhà máy gây ô nhiễm là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, với thẩm quyền của xã thì chỉ tạm dừng hoạt động. Hiện, đang chờ quyết định của UBND huyện Quỳnh Lưu về phương án xử lý nhà máy.

Vị trí xả thải của nhà máy ra môi trường

"Xã đã có nhiều công văn gửi huyện, tổ chức đối thoại với người dân. Tuy nhiên thẩm quyền của xã thì chỉ tạm dừng. Còn đình chỉ hay chấm dứt hoạt động thì thẩm quyền của huyện và tỉnh", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, UBND xã cũng đã lập danh sách các hộ dân bị ảnh hưởng từ nhà máy, thực hiện đối thoại với người dân và nhà máy. Đồng thời, xã cũng phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu nước trong và ngoài nhà máy đưa đi xét nghiệm.

"Kết quả quan trắc môi trường cho thấy mọi chỉ số đều trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, người dân không đồng ý với kết quả nên chúng tôi vẫn phải chờ hướng xử lý từ huyện", theo lời ông Thanh.

Nguồn nước bị ô nhiễm do nhà máy Phú Sinh xả thải. Ảnh: Người dân cung cấp

Đặt vấn đề, tại sao mọi chỉ số đạt ngưỡng cho phép mà cây cối, nguồn nước bị ô nhiễm, vị chủ tịch UBND xã Quỳnh Mỹ giải thích, theo phía công ty thì do qua trình đốt lò nước trong bể hết nên khí ni-tơ không được xử lý nên xả ra môi trường gây nên tình trạng cây cối chết.

"Phía công ty cho biết, về nguyên tắc thì trước khi xả thải ra môi trường phải qua bể nước xử lý. Nhưng có hôm bể hết nước công nhân không để ý nên khí ni-tơ, NPK, đạm bị thải ra môi trường gây nên tình trạng ô nhiễm", ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, UBND xã Quỳnh Mỹ kiểm tra quá trình sản xuất của nhà máy đã sử dụng công nghệ mới chưa được thẩm định, thiếu giấy phép hoạt động.

Cây chết cháy thời điểm nhà máy xả thải. Ảnh: Người dân cung cấp

"Chúng tôi tiến hành kiểm tra dây chuyển sản xuất nhà máy thì phát hiện nhà máy đưa công nghệ mới vận hành nhưng chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý", ông Thanh khẳng định.

Để tìm hiểu thêm thông tin, PV đã liên hệ ông Hoàng Văn Bộ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, nhưng vị này nói rằng nên về xã để tìm hiểu thông tin. Hiện ông đang chủ trì họp nên không trao đổi được.

Được biết, Công ty phân bón Phú Sinh là công ty sản xuất phân bón NPK đã hoạt động 10 năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đại diện pháp luật là ông Cao Xuân Bình.

Tác giả: Văn Bình – Hồ Phương

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP