Thời điểm này, đa số trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2021. Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, kết quả học bạ vẫn là hai phương thức tuyển sinh chủ đạo của các trường.
Bên cạnh đó, các trường mở rộng dần phương thức xét tuyển dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực, đặc biệt là ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng những thí sinh có chứng chỉ năng lực quốc tế như A-Level, SAT hoặc có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL, IELTS.
Được Bộ GD&ĐT chấp nhận năm 2018, ban đầu, vài trường đại học lớn đưa các chứng chỉ tiếng Anh hoặc kỳ thi năng lực quốc tế vào các phương thức xét tuyển.
Đến nay, khoảng 30 trường đại học đã thông báo ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 đến 6.5 hoặc đưa chứng chỉ IELTS thành yếu tố trong các phương thức xét tuyển kết hợp.
Khối trường công an nhân dân gồm Học viện Quốc tế, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, Học viện Cảnh sát Nhân dân (ngành Nghiệp vụ An ninh), ĐH An ninh Nhân dân (ngành Nghiệp vụ Cảnh sát): Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (chứng chỉ IELTS Academic hoặc chứng chỉ TOEFL iBT đối với tiếng Anh hoặc chứng chỉ HSK đối với tiếng Trung) với kết quả học tập THPT.
ĐH Luật TP.HCM ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên còn giá trị đến ngày 30/6 và phải có điểm trung bình của 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 21 trở lên.
Học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) tập làm giáo viên trong một tiết học Tiếng Anh. Ảnh: Minh Thừa. |
ĐH Ngân hàng TP.HCM ưu tiên xét tuyển và xét học bạ theo quy chế xét tuyển của trường, áp dụng cho chương trình chất lượng cao và 85 chỉ tiêu Chương trình đại học chính quy quốc tế song bằng, ưu tiên thí sinh có IELTS từ 5.0 trở lên.
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: Các ngành đại trà hoặc chất lượng cao ưu tiên xét tuyển thí sinh điểm trung bình học bạ 5 học kỳ của từng môn theo tổ hợp từ 6,0 trở lên, IELTS từ 5.0 trở lên.
Riêng ngành Sư phạm Tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh, điểm trung bình học bạ 5 học kỳ của từng môn theo tổ hợp từ 6,0 trở lên, IELTS từ 6.0 trở lên.
ĐH Tôn Đức Thắng ưu tiên xét tuyển theo quy định, thí sinh có chứng chỉ IELTS ≥ 5.0 còn thời hạn trong vòng 2 năm tính đến ngày 1/10 xét tuyển thẳng vào chương trình đại học bằng tiếng Anh.
ĐH Mở TP.HCM ưu tiên xét tuyển thẳng học bạ có chứng chỉ ngoại ngữ, đủ điều kiện xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ) và đạt điểm IELTS (hoặc các chứng chỉ khác quy đổi tương đương). Trong đó, các ngành Ngôn ngữ: IELTS 6.0, các ngành còn lại là IELTS 5.5.
ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) dành 20% chỉ tiêu với chương trình chất lượng cao cho phương thức xét kết quả học THPT và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, trong đó IELTS yêu cầu từ 5.0 trở lên.
ĐH Bách Khoa Hà Nội: Thí sinh có chứng chỉ IELTS Academic đạt từ 6.5 trở lên (hoặc tương đương) và có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên, sẽ được xét tuyển thẳng vào các ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý.
ĐH Ngoại thương xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi THPT.
ĐH Kinh tế Quốc dân yêu cầu thí sinh muốn sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp cần có chứng chỉ IELTS 5.5; TOEFL ITP 500 trở lên hoặc TOEFL iBT 46 trở lên và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến từ 20 điểm, gồm điểm ưu tiên.
ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ quốc tế như: Chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh với tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng. Theo đó, mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60).
Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Mỹ) đạt điểm 1100/1600 hoặc 1450/2400 trở lên.
Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT (American College Testing) đạt điểm từ 22/36.
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc Ngữ văn).
Học viện Ngoại giao xét tuyển thẳng những thí sinh có điểm trung bình cộng kết quả học tập của 3/5 kỳ học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 đạt từ 8 trở lên, có chứng chỉ IELTS Academic (hoặc tương đương) đạt từ 7.0 trở lên.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam xét tuyển thẳng với thí sinh có học lực đạt loại khá ít nhất 1 năm tại các trường THPT và có điểm kết quả thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trình độ IELTS 4.0 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, TOEFL ITP 450 điểm, A2 Key (KET) Cambridge English hoặc có một trong các chứng chỉ tin học quốc tế: IC3, ICDL, MOS.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện 4 phương thức xét tuyển. Trong đó, xét tuyển kết hợp chiếm 20% chỉ tiêu dành cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế môn tiếng Anh tương đương IELTS 6.5 trở lên, học lực khá, hạnh kiểm tốt cả 5 học kỳ bậc THPT (không tính học kỳ II năm lớp 12).
ĐH văn hóa Hà Nội cộng điểm ưu tiên với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.0 trở lên hoặc tương đương (cụ thể TOEFL ITP từ 513 trở lên, TOEFL IBT từ 65 trở lên) và chứng chỉ còn trong thời hạn 2 năm kể từ ngày dự thi.
ĐH Thương mại tuyên bố với phương thức xét tuyển kết hợp sẽ sử dụng chứng chỉ IELTS Academic, Cambridge, TOEFL iBT cho tất cả ngành (chuyên ngành).
Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn giá trị sử dụng tính đến ngày xét tuyển, tương đương IELTS 5.5 trở lên.
ĐH Phenikaa thông báo tuyển thẳng những học sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS từ 5.5 trở lên; đồng thời có tổng điểm trung bình lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của tổ hợp môn xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT đạt từ 225 điểm trở lên.
ĐH Công nghiệp Hà Nội: Thí sinh có điểm trung bình các môn học của từng học kỳ lớp 10, 11, 12 đạt 7 trở lên (với thí sinh tốt nghiệp năm 2021, chỉ tính học kỳ 1 lớp 12) và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây thì được đăng ký xét tuyển vào ngành phù hợp với Môn học đoạt giải hoặc chứng chỉ quốc tế:
Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Tiếng Anh, Tiếng Trung, Tiếng Nhật.
Thí sinh có một trong các chứng chỉ Quốc tế ACT >= 20, SAT >= 1000; Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS Academic >= 5.5, TOEFL iBT >= 50; Chứng chỉ Tiếng Hàn TOPIK >=3; Chứng chỉ tiếng Trung HSK>=3; Chứng chỉ Tiếng Nhật N=<4 (các chứng chỉ phải còn hiệu lực).
Trong đó, nếu đạt 5.5 IELTS sẽ tương đương 8 điểm quy đổi; 6.0 IELTS tương đương 9 điểm quy đổi; IELTS 6.5 - 9.0 tương đương 10 điểm quy đổi.
Tổng chỉ tiêu đối với các thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố và thí sinh có chứng chỉ quốc tế dự kiến là 350. Trường sẽ xét từ cao xuống thấp cho tới khi hết chỉ tiêu.
ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội thực hiện xét tuyển kết hợp (áp dụng đối với các chương trình tiên tiến, chất lượng cao) đối với những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh (tiếng Pháp) tương đương IELTS 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) và có tổng điểm 2 môn thi THPT năm 2021 thuộc tổ hợp xét tuyển của trường đạt từ 12 điểm trở lên, trong đó có môn Toán và một môn khác không phải Ngoại ngữ.
ĐH FPT xét tuyển thẳng ngành Ngôn ngữ Anh với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 80 hoặc IELTS (học thuật) từ 6.0 hoặc quy đổi tương đương.
Học viện Chính sách và Phát triển: Tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày xét tuyển) đạt IELTS 4.5 trở lên (hoặc tương đương) và có điểm TBC học tập lớp 12 đạt từ 7,0 trở lên.
ĐH Mỏ - Địa chất: Tuyển thẳng thí sinh đạt IELTS 4.5, TOEFL iBT 53, TOEFL ITP 450 trở lên và có tổng điểm Toán và một môn khác (trừ tiếng Anh) trong tổ hợp thi tốt nghiệp THPT từ 10 trở lên. Phương thức này lấy 2% tổng chỉ tiêu.
Tác giả: Minh Nhật
Nguồn tin: zingnews.vn