Phía các hãng hàng không đổ lỗi nguyên nhân chậm, hủy chuyến là do thời tiết, trong khi báo cáo của Cục hàng không cho thấy phần lớn lý do chậm chuyến vì lý do khai thác của hãng hàng không.
Khách vật vạ, bức xúc ở sân bay
Anh Minh Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) đặt vé từ Hà Nội đi Đà Lạt để phục vụ công việc và lựa chọn chuyến bay của Vietjet Air. Theo thông tin đặt chỗ, chuyến bay VJ409 của anh cất cánh lúc 18h10 ngày 19/7. Tuy nhiên, anh đã phải đợi tới gần 4 tiếng đồng hồ sau thời điểm này mới lên được máy bay.
Anh Tuấn chia sẻ, tới 13h cùng ngày, đại lý vé gửi tin nhắn cho anh, thông báo chuyến bay bị chậm đến 21h vì lý do khai thác. Do không còn lựa chọn, anh đành chấp nhận lùi giờ di chuyển theo lịch bay mới.
Hàng loạt chuyến bay của Vietjet Air bị chậm chuyến nhiều giờ liền trong những ngày gần đây. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, khi tới sân bay, anh lại nhận tin chuyến bay tiếp tục bị chậm thêm hơn 40 phút nữa, và phải tới 21h45, máy bay mới cất cánh.
"Thay vì đến Đà Lạt đúng dự kiến, mình bị muộn tới gần 4 tiếng đồng hồ. Công việc gấp tối hôm đó phải bỏ hoàn toàn, lùi sang sáng hôm sau, thực sự rất bức xúc", anh Tuấn chia sẻ.
Nhưng trường hợp như anh Tuấn lại được cho là còn may mắn. Không ít hành khách của Vietjet Air phải chịu cảnh vạ vật tại sân bay trong nhiều giờ liền, do hàng loạt chuyến bay của hãng chậm trong những ngày qua.
Phản ánh trên mạng xã hội, tài khoản Ngoc Cuong cho hay chuyến bay từ Cam Ranh về Hà Nội của anh đáng ra phải cất cánh lúc 22h30 thì tới tận 1h 30 ngày hôm sau mới bắt đầu cất cánh, anh phải vạ vật đêm hôm tại cửa ra máy bay.
Theo chủ tài khoản này chia sẻ, tại cửa ra máy bay anh gặp cả những hành khách đi chuyến bay sau đó, và gần như hành khách của hai chuyến bay được gộp làm một.
Một tài khoản khác đi từ TP.HCM đến Phú Quốc cũng rơi vào tình cảnh tương tự như chủ nhân tài khoản Ngoc Cuong, và rất bức xúc với cách xử lý của hãng hàng không.
Anh chia sẻ chuyến bay dự kiến cất cánh 17h45, gần đến giờ bay loa phát chuyến bay trễ vì máy bay không đến kịp, dời đến 18h30, rồi tiếp đến 19h15 và cuối cùng đến 20h35. Chuyến bay từ TP.HCM đi Phú Quốc của anh mãi 22h30 mới đến, tức mất gần 6 tiếng.
Quan trọng hơn, bạn bè, đối tác ở Phú Quốc cũng phải chờ đợi một khoảng thời gian tương tự.
Khách hàng này cho rằng việc chậm, huy chuyến là bình thường, nhưng ở đây khách bức xúc vì thái độ phục vụ và sự sòng phẳng của hãng. Khách chậm một một chút là đóng quầy, bắt huỷ vé, trong khi hãng trễ mấy tiếng đồng hồ bắt khách hàng nằm vật vã ở sân, làm lỡ biết bao nhiêu kế hoạch nhưng chỉ nhận được lời xin lỗi cùng chai nước suối uống cầm hơi.
"Việc trễ chuyến ngay giờ ăn tối, lẽ nếu hãng công bằng và nhân đạo hơn sẽ mời khách hàng ăn một bữa nhẹ, thay vì cho một chai nước suối. Vừa đói vừa mệt vừa bực, nhiều hành khách chất vấn nhân viên hãng thì họ cho gọi an ninh sân bay "canh" khách cứ như tội phạm", anh bức xúc.
Vietjet Air đội sổ chậm giờ bay
Trao đổi với Zing.vn, đại diện hãng khàng không Vietjet Air cho hay nguyên nhân dẫn tới hàng loạt chuyến bay của hãng bị chậm trong thời gian vừa qua là mưa bão diễn biến bất thường, khiến nhiều máy bay không thể hạ cánh xuống điểm đến dự định, và phải chuyển hướng sang các sân bay xung quanh, gây chậm chuyến dây chuyền.
Vị này chia sẻ Vietjet Air không mong muốn chậm chuyến xảy ra vì ảnh hưởng tới cả chi phí vận hành cũng như uy tín của hãng và sẽ sớm tìm ra giải pháp khắc phục triệt để.
Theo một chuyên gia hàng không, chậm chuyến của các hãng bay trong nước còn do một nguyên nhân căn cơ, là các sân bay trong nước đều đang quá tải.
"Thời tiết xấu thì không thể tránh được, nhưng để chấm dứt tình trạng chậm dai dẳng thì phải giải quyết được khâu sân bay", chuyên gia này khẳng định.
Theo báo cáo của Cục Hàng không, trong 6 tháng của đầu năm, các hãng hàng không trong nước đã thực hiện 136.400 chuyến bay, tăng 6,2% so với cùng kỳ 2016.
Số chuyến bị chậm và chuyến đúng giờ của ba hãng hàng không riêng tại sân bay Nội Bài từ 1/6-15/6. Đồ họa: Ngô Minh. |
Tuy nhiên, số chuyến bay bị chậm vẫn lên tới 14.000, chiếm tỷ lệ 12,2%, dù có giảm 3,6% so với cùng kỳ 2016. Ngoài ra có 585 chuyến bị hủy, chiếm tỷ lệ 0,4% cũng giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Riêng tại cảng hàng không Nội Bài, từ ngày 1/6 đến hết ngày 15/6, hãng hàng không Vietjet Air chậm tới 435 chuyến trên tổng số 1.094 chuyến, chiếm tỷ lệ tới 39,8%. Trong số 435 chuyến bay bị chậm này thì có 425 chuyến bị chậm vì lý do khai thác của hãng hàng không.
Hãng hàng không Jetstar Pacifics chậm 64 chuyến trên tổng số 244 chuyến, chiếm tỷ lệ 26,2%, trong đó có 61 chuyến bị chậm vì lý do khai thác.
Vietnam Airlines cũng có 191 chuyến bay bị chậm trên tổng số 1.489 chuyến bay, chiếm tỷ lệ 12,8%., với 180 chuyến bị chậm vì lý do khai thác của hãng hàng không.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, nguyên nhân chậm hủy chuyến được đưa ra là do các yếu tố như trang thiết bị và dịch vụ tại cảng 5,9%; quản lý, điều hành bay 1,5%; hãng hàng không 19,2%; thời tiết 1,5%; máy bay về muộn 70,2%; lý do khác 1,7%.
Tác giả: Ngô Minh
Nguồn tin: zing.vn