Trong nước

Hàng chục ha rừng phòng hộ ở Quảng Trị bị san phẳng

Người dân địa phương mang cưa máy ngang nhiên chặt phá hàng chục ha rừng phòng hộ ở xã Triệu Nguyên (Quảng Trị), để lấy đất trồng cây tràm.


Hàng chục ha rừng phòng hộ và rừng đệm bị dân san phẳng. Ảnh: Hoàng Táo

Nhiều tháng qua, người dân địa phương mang cưa máy, dao rựa vào chặt phá hàng chục ha rừng phòng hộ và rừng đệm ở xã Triệu Nguyên (huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị). Những mảng rừng xanh nay nham nhở cây gãy đổ, lá vàng úa.

Tại hiện trường, cây bị hạ bằng cưa máy nằm ngổn ngang, một số cây đường kính từ 30-40 cm. Nhiều vết cưa cũ, song có những vết cưa mới.

"Việc phát rừng diễn ra ngang nhiên lâu nay, nhưng không thấy nhà chức trách ngăn chặn”, một người dân địa phương cho biết.


Nhiều khoảnh rừng cây cối còn xanh tốt cho thấy vừa bị chặt hạ. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Trần Thiên Trường (Phó chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên) cho biết, người dân bắt đầu chặt cây rừng trên địa bàn từ tháng 6 năm nay, mục đích là mở rộng diện tích trồng tràm. Đến tháng 11, chính quyền xã phát hiện sự việc, có biện pháp ngăn chặn thì diện tích rừng bị phá đã lên đến 9 ha.

"Chúng tôi chưa phát hiện được cụ thể những ai là người phá rừng, do rừng ở xa, phải qua sông nên khi triển khai lực lượng đến, người dân biết tin đã bỏ trốn", ông Trường nói và thông tin thêm, xã Triệu Nguyên rộng 5.300 ha, 90% diện tích là rừng. Những năm gần đây, thu nhập từ nông nghiệp bấp bênh do biến đổi khí hậu, trong khi trồng cây tràm mang lại thu nhập đáng kể nên người dân liều lĩnh chặt phá rừng, lấn đất trồng tràm.


Cây rừng bị chặt hạ liên tục nhiều tháng nhưng nhà chức trách không phát hiện người phá. Ảnh: Hoàng Táo

Ngoài 9 ha rừng đệm ở xã Triệu Nguyên, 42 ha rừng phòng hộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đăkrông cũng bị chặt phá với lý do "người dân lấn rừng trồng tràm".

Ông Phạm Văn Hùng (Phó chủ tịch UBND huyện Đăkrông) cho hay, huyện đã chỉ đạo công an cùng các ngành chức năng vào cuộc, tìm ra các cá nhân lấn chiếm rừng để xử lý, răn đe. Huyện cũng tăng cường lực lượng về địa phương, tổ chức chốt chặn, tuần tra kết hợp tuyên truyền để người dân không tiếp tục chặt phá, lấn chiếm rừng.

Tác giả bài viết: Hoàng Táo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP