Cuối tháng 3-2018, Công an huyện Lai Vung (Đồng Tháp) kiểm tra nhà của Trần Thị Ý Như (22 tuổi, ngụ xã Tân Hoà) đã phát hiện 573 hộp kem trộn không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua làm việc, Như thừa nhận tự sản xuất kem trộn bằng cách tìm mua kem kém chất lượng mang về trộn, cho vào hộp và rao bán trên mạng với giá 270.000 đồng/hộp.
Từ tháng 11-2017 đến nay, Như lập 2 tài khoản khác nhau. Một tài khoản rao bán sản phẩm và một tài khoản tiếp cận bị hại, đặt mua lại sản phẩm của mình với mức giá cao hơn. Tài khoản Linh Châu Nguyễn Thị, Như dùng giới thiệu bán hàng và tài khoản Khánh Huy Hoà tìm mua hàng. Như làm quen các nạn nhân, gửi mẫu và hỏi mua sản phẩm của mình với mức giá cao.
Cơ sở tự sản xuất kem trộn từ nguyên liệu, hóa chất không rõ nguồn gốc bị bắt giữ. |
Nhiều nạn nhân thấy lợi nhuận đã đặt mua sản phẩm từ tài khoản Linh Châu Nguyễn Thị. Sau đó, nạn nhân liên lạc với tài khoản Khánh Huy Hoà để bán sản phẩm nhưng không liên lạc được. Với thủ đoạn trên, Như khai đã thu lợi khoảng 70 triệu đồng. Cơ quan Công an đã lập hồ sơ xử lý vụ việc.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã phát hiện và bắt giữ nhiều điểm, cơ sở sản xuất mỹ phẩm như kem trộn, kem tẩy trắng da toàn thân không rõ nguồn gốc.
Các chủ cơ sở thừa nhận, nắm bắt thị hiếu làm đẹp của người tiêu dùng bình dân, họ đã mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ yếu mua từ chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh, mang về trộn một số hóa chất khác rồi đóng gói tung ra thị trường.
Các loại mỹ phẩm này được giới thiệu có tác dụng làm trắng da nhanh hơn. Khách hàng mua sử dụng, ban đầu đúng là có tác dụng khá nhanh, nhưng sau đó là tác dụng phụ, gây hại sức khỏe và nhan sắc. Khi họ phát hiện ra thì đã quá muộn, nhiều người tiền mất tật mang.
Công an huyện Tam Bình (Vĩnh Long) đã lập biên bản, xử lý Lê Chí Cảnh (26 tuổi, ngụ xã Mỹ Thạnh Trung) về hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Cơ sở sản xuất kem trộn này là một căn chòi che tạm trên phần đất của gia đình và hoạt động được khoảng 2 năm.
Khi Công an kiểm tra, Cảnh đang dùng hóa chất cùng một số phụ gia không rõ nguồn gốc pha trộn thành mỹ phẩm dạng kem. Lực lượng chức năng thu giữ trên 45kg nguyên liệu hóa chất, phụ gia, khoảng 500 hộp kem thoa thành phẩm, máy dán nhãn cùng nhiều vật dụng dùng để đóng gói.
Cảnh không xuất trình được giấy phép sản xuất và khai học quy trình làm kem trộn từ một người bạn để bỏ mối tiêu thụ tại Cần Thơ và Hậu Giang.
Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Văn Đạt, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Cần Thơ cho biết: Bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị cho rất nhiều bệnh nhân dị ứng da, da trở nên nhạy cảm do dùng mỹ phẩm trôi nổi. Đặc biệt nguy hiểm là các sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp cấp tốc trắng da đều có chứa corticoid.
Một nghiên cứu của bệnh viện cho thấy gần đây trên 70% bệnh nhân mụn trứng cá đến khám có tiền sử sử dụng “kem trộn” và sản phẩm tương tự có chứa corticoid.
Ban đầu, người sử dụng loại sản phẩm này cảm nhận làn da mặt sẽ đẹp và sáng trắng. Nhưng sau một thời gian, da trở nên nhạy cảm, dị ứng, thường xuyên ngứa như bị châm chích, da bị bào mòn và xuất hiện các vết thâm nám, mẩn đỏ...
Người dùng trong một thời gian dài dẫn đến teo da, giãn mao mạch, đỏ da, rạn nứt da, nhạy cảm ánh sáng, xuất hiện trứng cá mụn mủ, rối loạn sắc tố...
TS.BS Huỳnh Văn Bá, bộ môn da liễu Trường Đại học Y dược Cần Thơ khuyến cáo: không nên dùng kem trộn không rõ nguồn gốc hay các dạng kem chứa corticoid. Do tác dụng của chất corticoid, ban đầu da có vẻ trắng hơn, hết mụn, nhưng nó sẽ mang lại tác hại nguy hiểm lâu dài.
Tác giả: Như Anh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân