Theo cáo trạng, khoảng 21h00’ ngày 22-7-2018, sau buổi liên hoan tại nhà văn hóa, do xảy ra mâu thuẫn, P. bị B đấm vào miệng làm chảy máu và bị ông T. tát vào mặt.
Tức giận, P. về nhà cầm hai con dao đi đến nhà ông T yêu cầu B. và ông T. quỳ xuống xin lỗi.
Nhận được tin báo lực lượng công an xã Mỹ Hưng do ông Đặng Đình Thảo-Trưởng công an xã dẫn đầu đến nhà ông T. giải quyết sự việc.
Khi tới nơi thì thấy B. đang quỳ ở sân, còn P. đứng ở giữa sân nhà ông T. hai tay cầm hai con dao đang chửi bới, đe dọa sẽ chém cả hai.
Ông Thảo yêu cầu P. bỏ dao xuống, về trụ sở UB xã làm việc nhưng P. không chấp hành và đe dọa bất kỳ ai đến gần sẽ chém chết.
Sau khoảng 20 phút lực lượng công an cũng đưa được P. về trụ sở công an xã.
Tại đây, P tiếp tục chĩa dao về phía lực lượng công an và đe dọa “thằng nào vào đây tao chém”.
Lúc này, Đặng Xuân T. là bạn của P. điều khiển xe mô tô đến, thấy P. tay cầm dao và đang chửi bới lực lượng công an thì T. nói “có tao ở đây với mày, mày không việc gì phải sợ” và khuyên P. không được bỏ dao xuống nếu không sẽ bị bắt.
Sau đó T. điều khiển xe chở P bỏ chạy, quay lại nhà ông T. Tại đây P. đã chém B. hai nhát…
Khi lực lượng chức năng có mặt yêu cầu P. bỏ dao xuống thì T. cũng lại đứng chắn phía trước và luôn “khuyên” P. không được bỏ dao. Cả hai liên tiếp chửi bới và dọa chém lực lượng chức năng...
Ông Thảo sau đó đã phải dùng súng đạn cao su bắn chỉ thiên 3 phát và bắn 1 phát vào vùng bẹn của P, sau đó P. bỏ dao và bị bắt giữ…
HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, nó trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của người thi hành công vụ, qua đó xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước. Các bị cáo đã thành niên, đủ khả năng nhận thức được hành vi chống người thi hành công vụ bị pháp luật ngăn cấm và bị trừng trị nhưng vì nông nổi, ngông cuồng nên các bị cáo đã có hành vi chống đối với người thi hành công vụ, làm mất an ninh trật tự tại địa phương, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
Do vậy cần phải áp dụng hình phạt tù để cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để giáo dục, cải tạo các bị cáo cũng như răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Trong vụ án này Đặng Quang P. trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên phải bị xử phạt nghiêm khắc hơn. Đặng Xuân T. đồng phạm nhưng mức độ tham gia phạm tội chỉ dừng lại ở những lời nói có tính kích động, động viên đối với P. chứ không có hành vi trực tiếp chống người thi hành công vụ nên cho bị cáo được hưởng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Tác giả: LT
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM