Giáo dục

Giật mình số liệu trẻ em tử vong do đuối nước ở Quảng Bình

Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2019, tại Quảng Bình đã có gần 30 em nhỏ tử vong do đuối nước. So với các năm trước, con số này tăng đột biến khiến nhiều người phải giật mình.

Những vụ đuối nước thương tâm

Hằng năm, cứ đến dịp nghỉ hè của học sinh, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thường xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm làm thiệt hại về người, trong đó phần lớn nạn nhân ở lứa tuổi học sinh.

Ba chị em ruột chết đuối thương tâm mới đây khiến nhiều người xót xa

Ngày 23/5, cả tỉnh Quảng Bình xôn xao khi chỉ trong một ngày có đến 5 trẻ em bị đuối nước. Vụ việc đau lòng đã xảy ra vào khoảng 9h sáng tại xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa.

Vào thời điểm trên, sau khi dự lễ tổng kết năm học tại Trường THCS Thanh Thạch, một nhóm gồm 8 học sinh của trường đã rủ nhau ra sông Gianh, đoạn qua xã Thanh Thạch để tắm.

Trong lúc tắm, 3 em học sinh nữ học lớp 6 gồm: Nguyễn Thị H.T., Nguyễn C.L. và Nguyễn T.H. (cùng 12 tuổi) đã bị đuối nước.

Chiều cùng ngày, 2 em học sinh tiểu học khác là Hồ Thị A.T. và Hồ Thị K.Y., trú bản La Trọng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa cũng đã bị chết đuối khi đi tắm tại thượng nguồn sông Gianh.

Những cái chết vì đuối nước ở trẻ em làm người lớn ở vùng đất cát chưa hết bàng hoàng, thì tiếp đó vào chiều tối ngày 28/5, ba em học sinh gồm: Đinh Thị Hồng T. (SN 2006), học sinh lớp 7 Trường THCS Tân Hóa, em Trần Thị H. (SN 2009) và Trương Thị H. (SN 2009), cùng học lớp 4 Trường Tiểu học xã Tân Hóa rủ nhau ra khe suối gần nhà để bắt cua.

Cái chết của con trẻ để lại nỗi đau cho cha mẹ, bạn bè, thầy cô

Đến đêm khuya không thấy các cháu về nhà, nên người thân đã báo chính quyền địa phương đồng thời huy động người lớn đổ xô đi tìm.

5h sáng hôm sau, mọi người mới phát hiện thi thể các em ở hói Bụt, một nhánh của sông Rào Nan.

Đây là vụ đuối nước thứ 4 làm 9 học sinh thiệt mạng ở Quảng Bình chỉ trong vòng 1 tuần.

Gần đây nhất là trường hợp đuối nước thương tâm của ba chị em ruột gồm Hoàng Thị H. (SN 2009), Hoàng Thị Thanh Ph. (SN 2001) và Hoàng Văn H. (SN 2003) ở thôn Thanh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa đi tắm thì bị nước trên dòng kênh nhỏ, sát mép sông Gianh cuốn trôi.

Số trẻ bị đuối nước tăng đột biến

Những cái chết do đuối nước rất thương tâm của trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã khiến người lớn bàng hoàng.

Cần có nhiều những lớp học bơi để dạy trẻ kỹ năng bơi lội

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh, từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị đuối nước tăng lên đột biến.

Nếu năm 2015, ở Quảng Bình có 17 em nhỏ tử vong do đuối nước, năm 2016 có 29 em, năm 2017 là 22 em, năm 2018 là 17 em thì mới 6 tháng đầu năm 2019 đã có gần 30 em.

Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh Xã hội cho biết, để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là phải dạy trẻ biết bơi.

Tuy nhiên, hiện nay, việc dạy bơi cho trẻ ở tỉnh Quảng Bình chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này.

Còn ông Trần Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn cho hay, Quảng Bình có 5 nhánh sông lớn nên việc các em nhỏ tiếp cận với sông nước rất nhiều.

“Chúng tôi đã tập huấn về những kỹ năng phòng chống đuối nước cho100% các bạn tổng phụ trách đội và đoàn xã của 46 xã có nguy cơ đuối nước ở trẻ em.

Vào năm học, các em được quản lý rất tốt, tuy nhiên đến kỳ nghỉ hè đến, ngoài việc tuyên truyền, vận động của lực lượng cán bộ đoàn thì gia đình cũng phải quản lý các em.

Năm nay đuối nước xảy ra nhiều ở các huyện miền núi, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều bố mẹ chủ quan với con cái của mình. Tổ chức đoàn lại chỉ thực hiện được các phương pháp tuyên truyền, vận động chứ không sử dụng công cụ của hành chính nhà nước hay ngân sách nhà nước nên rất khó khăn”, ông Tuấn nói.

Trao đổi với VietNam Net đề việc đưa môn bơi vào chương trình học chính thức, Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, lâu nay bơi lội chỉ được lồng ghép trong các hoạt động ngoài giờ vì trong chường trình học của Bộ GD không có môn này.

Tuy nhiên vào năm học mới 2020-2021, Sở sẽ xem xét một số vấn đề, trong đó có việc đưa môn bơi lội và kỹ năng phòng chống đuối nước vào chương trình cho các em.

Tác giả: Hải Sâm

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP