Học sinh hư sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy và tinh thần giáo viên. |
Điều này gây áp lực lớn lên tinh thần của các nhà giáo.
Theo nghiên cứu năm 2024, với sự tham gia của 1,5 nghìn giáo viên Mỹ, 45% giáo viên cho biết học sinh là nguyên nhân chính gây căng thẳng trong công việc. Học sinh hư khiến họ quyết tâm nghỉ việc hơn là mức lương thấp hay làm việc ngoài giờ. Những hành vi học sinh thiếu tôn trọng, vi phạm đạo đức với giáo viên đã gây ra những căng thẳng tâm lý kéo dài.
Cô Smith, giáo viên với nhiều năm kinh nghiệm ở bang Florida, cho biết: “Tôi cảm thấy bị coi thường và thậm chí phải tham gia trị liệu tâm lý vì căng thẳng. Tôn trọng và thái độ lịch sự của học sinh đối với giáo viên hiện ở mức thấp nhất”.
Tại Singapore, chính phủ nước này thậm chí đã yêu cầu phụ huynh hạn chế trao đổi qua tin nhắn riêng với giáo viên trong và sau giờ học. Chính sách của Singparore nhằm giúp giáo viên cân bằng thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình sau giờ làm, đồng thời, tập trung vào công tác giảng dạy. Ngoài ra, hai bên đều phải có trách nhiệm trong việc nắm bắt các thông tin trên lớp. Những hành vi “thô lỗ và bắt nạt” giáo viên sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Hành vi thiếu trật tự, vi phạm đạo đức của học sinh được cho là xuất phát từ các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm và rối loạn cảm xúc, khiến các em dễ nổi loạn hơn. TS Rachel Needle, chuyên gia tâm lý học lâm sàng, cho biết: “Tỷ lệ trẻ em gặp khó khăn về tâm lý đang tăng lên và điều này ảnh hưởng đến hành vi của các em trong môi trường học đường”.
Nguyên nhân khác là do sử dụng điện thoại di động. Việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học là một vấn đề lớn và nan giải. Dù các trường đã có biện pháp cấm và xử phạt, học sinh vẫn thường xuyên dùng lén lút và phản ứng mạnh khi bị giáo viên nhắc nhở.
Thầy Joe Dickerson, giáo viên tại Mỹ, tâm sự: “Việc kiểm soát điện thoại trong lớp rất khó khăn và thường xuyên gây ra các cuộc xung đột, làm mất thời gian học tập của các học sinh khác”.
Tình trạng giáo viên nghỉ việc ngày càng tăng trên toàn thế giới là một vấn đề nghiêm trọng. Ngoài việc phải đối mặt với học sinh hư, giáo viên còn gặp áp lực từ nhiều yếu tố khác như mức lương thấp, công việc hành chính quá tải và phải dạy các học sinh yếu kém. Theo Bộ Giáo dục Mỹ, tính đến năm học 2020 - 2021, khoảng 7% giáo viên có ba năm kinh nghiệm và 9% giáo viên có 15 năm kinh nghiệm đã nghỉ việc.
Tại Pháp, trong 10 năm, từ 2012 đến 2022, số lượng đơn từ chức của giáo viên đã tăng tới 4 lần. Theo số liệu do Bộ Giáo dục Pháp công bố vào tháng 7 vừa qua, hệ thống giáo dục nước này thiếu hơn 3,1 nghìn giáo viên cho năm học mới, tương đương thiếu đi 15 nghìn giờ giảng dạy. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng giáo dục và trình độ học tập của học sinh.
Khủng hoảng thiếu hụt giáo viên và xu hướng bỏ nghề xảy ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới chưa có những biện pháp thực sự hỗ trợ giáo viên khi họ phải đảm đương lượng công việc lớn kèm áp lực tinh thần cao. Áp lực trong công việc cũng khiến các giáo viên khó thể quan sát và chăm sóc học sinh ở phương diện sức khoẻ tinh thần, tạo nên một thế hệ khó trị.
Thầy Cory Jarrell, giáo viên Toán tại Kansas, đã nghỉ việc sau một thời gian cảm thấy không được học sinh tôn trọng. Thầy chia sẻ: “Học sinh ngừng nghe theo chỉ dẫn và quan tâm tới những nhắc nhở của tôi. Công việc của tôi không còn quan trọng trong mắt các em”. |
Tác giả: Tú Anh
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn