Giáo dục

Giáo viên bất bình vì ‘lệnh’ bắt soạn giáo án…viết tay

Tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa), một bộ phận giáo viên đang “kêu trời” vì quy định trái khoáy là bắt giáo viên soạn giáo án bằng viết tay, thay vì đánh máy như thông thường.

Sau khi nhận được phản ánh của nhiều giáo viên trên địa bàn huyện Như Xuân (Thanh Hóa) bất bình về việc lãnh đạo huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện này đã ban hành văn bản xuống, bắt buộc tất cả các cán bộ giáo viên phải soạn bài và soạn các văn bản hồ sơ giấy tờ bằng viết tay, thay vì bằng máy tính như các năm học trước đó.

Cô giáo Dương Thị L. ( đề nghị được dấu tên) hiện đang công tác tại trường Tiểu học Xuân Bình (Như Xuân) bức xúc cho biết, nhiều năm học trước, các thầy cô vẫn soạn giáo án điện tử bình thường, nhưng kể từ đầu năm học này cấp trên lại có quy định bắt buộc các giáo viên phải soạn giáo án bằng viết tay.

Văn bản hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo ghi rõ quy định lãnh đạo, giáo viên soạn hồ sơ, giáo án phải viết tay.


Việc này đã làm đảo lộn kế hoạch công tác giảng dạy, soạn bài của các cô. Với trường cô trung bình một tuần phải dạy 23 tiết (thậm chí có giáo viên từ 24-25 tiết), ngày dạy trung bình 7 tiết, để chuẩn bị 7 giáo án viết tay cho một ngày đi dạy là rất vất vả cho cô và đồng nghiệp.

Thậm chí có nhiều thầy cô chắt góp từ đồng lương ít ỏi đầu tư trang thiệt bị máy móc mới hàng chục triệu đồng như máy vi tính, máy in, thì nay coi như bỏ không, gây lãng phí.

Ông Nguyễn Đình Lâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Bình cũng bày tỏ sự không đồng thuận với quy định từ phía lãnh đạo cấp trên. “Nhà trường thực hiện theo công văn hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, không thể cãi lại được. Trong các cuộc họp chuyên môn, tập huấn ở huyện, chúng tôi cũng đã đề đạt phản ánh việc bắt cán bộ giáo viên soạn bài, soạn các văn bản giấy tờ phải viết tay là vô lí và vất vả cho các giáo viên. Nếu nói việc soạn bài bằng cách viết tay làm nâng cao chất lượng tiết dạy, thì tôi thấy nó lại gây lãng phí thời gian. Thời gian ấy cho các thầy cô tăng cường công tác chuyên môn, bằng cách học hỏi trau dồi kiến thức từ bên ngoài, công tác thăm lớp dự giờ, dạy thêm…

Ông Lê Nhân Trí, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Xuân trao đổi với phóng viên.


Phía các khối mầm non và THCS còn đỡ khổ, chứ giáo viên cấp tiểu học chúng tôi phải cố gắng đủ giáo án viết tay cho một ngày dạy là rất vất vả. Bản thân lãnh đạo chúng tôi, họ cũng bắt soạn hồ sơ giấy tờ văn bản bằng cách viết tay”, ông Lâm bức xúc cho biết.

Đem vấn đề trên trao đổi với ông Lê Nhân Trí, Trưởng Phòng giáo dục huyện Như Xuân thì được ông phân trần: “Xuất phát từ thực tiễn chất lượng thật từ các tiết dạy của các giáo viên rất yếu. Qua kiểm tra chuyên môn, chúng tôi nhận thấy một số giáo viên soạn bài theo cách đối phó, thậm chí cóp - pi trên mạng, "râu ông nọ chắp cằm bà kia".

Một lần ghi là hai lần nhớ. Và nhằm thức tỉnh lại ý thức tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp của người giáo viên, chúng tôi đã quyết định ra văn bản hướng dẫn quy định bắt buộc này. Chứ chúng tôi không có ý định gây phiền hà, khó dễ cho các giáo viên.

Vừa rồi một số giáo viên lên mạng xã hội bêu xấu chủ trương của lãnh đạo phòng là rất hồ đồ, gây dư luận không tốt cho giáo dục huyện nhà...”.

Hiện, chủ trương mới này vẫn đang gây nhiều xôn xao, trái chiều trong ngành giáo dục của huyện Như Xuân. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.

Tác giả bài viết: Tiến Thành

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP