Ông Nguyễn Mạnh Cường: Nếu nói mới thì không chỉ Trung Quốc mà hầu như thị trường quốc tế nào cũng mới với du lịch Nghệ An. Từ trước đến nay, lượng khách quốc tế đến Nghệ An vẫn rất hạn chế, chưa bao giờ vượt quá con số 100.000 lượt. Theo chiến lược phát triển du lịch Nghệ An từ nay đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, thị trường khách nội địa của Nghệ An sẽ bão hoà. Sớm muộn chúng ta cũng phải nhìn ra thị trường bên ngoài và để làm được điều đó thì phải chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Còn về đường bay thẳng Vinh đi Trung Quốc, tôi nghĩ sẽ khả quan thôi. Thứ nhất là bay theo hình thức thuê chuyến (charter), do đơn vị lữ hành đứng ra tổ chức nên không sợ thiếu khách và cũng không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.
Tiếp nữa là 2 sân bay sẽ khảo sát ở Trung Quốc gồm sân bay Côn Minh và sân bay Thành Đô đang được hưởng chính sách trợ giá của chính phủ Trung Quốc. Đây là một điểm cực kỳ thuận lợi để tổ chức các tour giá rẻ thu hút khách Trung Quốc đến với chúng ta.
Tôi cũng xin thông tin thêm về hai điểm đến ở Trung Quốc mà chúng tôi sẽ khảo sát. Hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên đều nằm sâu trong đại lục phía Đông và Đông Nam Trung Quốc. Thị trường này có nhiều điểm tương đồng với thị trường Đông Bắc Thái Lan khá quen thuộc với Nghệ An.
Thông thường nói đến khách Trung Quốc người ta hay nghĩ đến những đoàn khách có nhu cầu chi tiêu lớn, sử dụng các dịch vụ xa xỉ. Tuy nhiên, đối tượng mà chúng tôi đang hướng đến thuộc phân khúc bình dân hơn. Tôi nghĩ đó là phân khúc phù hợp với hạ tầng du lịch của Nghệ An hiện nay.
Mới đây, sau khi chúng tôi tiến hành xúc tiến du lịch Nghệ An tại Trung Quốc vào tháng 5, đã có hai đoàn khách Trung Quốc lên đến 100 người sang Nghệ An tắm biển Cửa Lò, ăn hải sản. Mọi chuyện đều diễn ra rất thuận lợi, tôi nghĩ đó là một tín hiệu tốt.
P.V: Như vậy ông hoàn toàn tự tin rằng Nghệ An sẽ làm hài lòng khách du lịch Trung Quốc?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Phải nhìn nhận một cách thực tế là hạ tầng du lịch của chúng ta còn rất nhiều lỗ hổng. Hạ tầng hoàn thiện nhất hiện nay là các cơ sở lưu trú, còn các điểm vui chơi giải trí, mua sắm gần như chưa có gì. Nhân lực du lịch cũng rất thiếu nhưng không phải là vấn đề nan giải nhất. Chúng tôi đã làm việc với Vietravel - đơn vị lữ hành lớn nhất đang hoạt động tại Nghệ An. Họ đồng ý điều thêm hướng dẫn viên phục vụ khách Trung Quốc từ các tỉnh khác đến hỗ trợ trong mùa cao điểm.
Tất nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế bước đầu, sau đó chúng ta sẽ phải tính đến các biện pháp căn cơ hơn như đào tạo nhân lực tại chỗ. Vấn đề quản lý du khách và đảm bảo an ninh trật tự chúng tôi cũng đã nghĩ đến và có phương án cụ thể. Sở Du lịch và Công an tỉnh đã ký chương trình phối hợp để chủ động nắm thông tin, quản lý các đoàn khách ngay từ khi họ check in ở sân bay nước bạn.
Giải pháp này Hà Nội đã triển khai rất hiệu quả. Tôi tin là sẽ không có tình trạng lộn xộn như ở Quảng Ninh vì ở đó khách Trung Quốc đến bằng đường bộ khó kiểm soát hơn.
Một điều khiến tôi hơi băn khoăn là hạ tầng sân bay. Sân bay Vinh được quy hoạch xây dựng sân bay quốc tế, nhưng hạ tầng hiện nay vẫn chưa thực sự đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ các chuyến bay quốc tế. Đường bay Vinh - Bangkok mở năm 2016 nay đã ngừng hoạt động cũng bởi hạ tầng và nhân lực của sân bay không đáp ứng được. Chúng ta cố gắng ở các khâu khác để thu hút khách nước ngoài đến với tỉnh, nhưng nếu ấn tượng đầu tiên từ sân bay đã không tốt thì khó có thể khiến họ quay trở lại.
P.V: Để thu hút khách du lịch quốc tế thì quảng bá là một khâu rất quan trọng. So với các tỉnh trong khu vực như Thanh Hoá - gần đây liên tiếp xuất hiện trong các quảng cáo phát trên VTV hay Quảng Bình - đột phá ngoạn mục nhờ ăn theo quá tốt bộ phim Kong: Skull Island, Nghệ An có đang “im ắng” quá không thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Đúng là du lịch Nghệ An chưa được quảng bá rầm rộ. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng Sở xác định ngay từ khi vừa được thành lập. Tuy nhiên, ngân sách phân bổ cho phát triển du lịch của Nghệ An rất hạn chế nếu so với các tỉnh bạn.
Năm 2016, Thanh Hoá chi 30 tỷ đồng cho phát triển du lịch. Năm 2017 Sở Du lịch Nghệ An chỉ được ngân sách phân bổ chưa đến 1 tỷ đồng để phát triển du lịch.
P.V: Vậy khoan bàn đến các ấn phẩm như phim, sách ảnh quảng bá du lịch, Sở đã có ý tưởng, kế hoạch gì để tiến hành quảng bá du lịch Nghệ An thông qua trang web chính thức www.ngheantourism.gov.vn hay qua mạng xã hội chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Trang web này trước do Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch thực hiện, Sở mới tiếp nhận lại. Trang này hoạt động chưa hiệu quả, tên miền khó tiếp cận, giao diện không hiện đại, thông tin chưa hấp dẫn. Chúng tôi đã có kế hoạch nâng cấp, đổi mới để trang web này trở thành cổng thông tin về du lịch hiệu quả cho tỉnh. Còn mạng xã hội thì chúng tôi cũng đã nhận thấy sức lan toả mạnh mẽ của kênh thông tin này và đang tính đến các phương án thử nghiệm.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Nguồn tin: Báo Nghệ An