Xã hội

Giải mã bí ẩn rợn người về câu chuyện “ngậm ngải” đi tìm trầm

“Ngậm ngải tìm trầm” dường như đã trở thành câu cửa miệng khi nhắc tới những kẻ bất chấp hiểm nguy “bán mạng” giữa đại ngàn để lao theo giấc mơ trầm, kỳ. Thế nhưng, từ khi cơn sốt trầm hương “nổ” ra từ mấy chục năm trước đến giờ vẫn chưa ai nhìn thấy

Ngậm ngải khắc chế cọp dữ, xua đuổi tà khí

Giới “địu trầm” vẫn thường xem khu vực trầm hương, kỳ nam “trú ngụ” là vùng đất thánh, có bà chúa Thiên Y A Na, bà mẹ xứ sở trầm hương che chở bảo vệ nên cực kì linh thiêng. Trước mỗi chuyến đi “tăm trầm” ngoài mâm lễ mắt phải kiêng mị đủ thứ, nhất là “gần gũi” với người khác giới thì mới mong Bà để mắt tới “ban lộc rừng”. Thế nhưng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” để cho chắc ăn nhất, dân địu vẫn có những tấm bùa hộ mệnh phòng thân, thứ mà họ dùng chính là thứ mà người ta đồn đại là “bùa ngải”.

Ông Trần Văn Sáu (54 tuổi) một cựu phu trầm ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết, chắc chắn một điều rằng hỏi dân "đi điệu" hàng trăm, hàng ngàn người thì đều nhận được câu trả lời như một. Đó là hiện tượng khó giải thích, rằng khu vực nào có nhiều trầm, kỳ thì chắc chắn nơi đó có nhiều cọp. Người ta bảo cọp ấy được "bà cô" hóa kiếp để canh giữ nơi ẩn thân của mình. Gặp cọp thì mười phần chết chín nên để đề phòng, trước khi lên đường đi “soi trầm”, mỗi một phu trầm đều phải chuẩn bị cho mình một ít bùa ngải phòng thân, khi cần kíp đem bùa ngải ra để yểm cọp dữ.

Một trong những loại “ngải” của người đồng bào thiểu số

Nghe nói thứ ngải đó được làm lông mép của con cọp rồi cắm vào măng tre và để lâu ngày “biến” thành sâu. Sau đó, con sâu được nuôi dưỡng bằng rau tăm. Khi sâu lớn thải ra phân, thứ phân này có mùi cực kỳ nồng nặc.

Dân đi tìm trầm truyền tai nhau nếu gặp cọp ở khu vực phát mùi trầm kỳ chỉ cần lấy thứ ngải này đốt xông thì cọp sẽ hiện nguyên hình người, chẳng dọa được ai nữa. Tuy nhiên, tất cả chỉ nghe dân địu truyền miệng lại với nhau chưa thấy ai gặp cọp, xông ngải cho nó hóa người. Thế nên những lời đồn đại cứ lan ra mãi chẳng biết thực hư ra sao.

Anh Đặng Thanh Phong (45 tuổi, trú xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) cho biết: “Tôi làm nghề mót than trên đỉnh Suối Đổ đã mấy chục năm nên dân địu trầm hay vào đây tôi đều nhẵn mặt cả. Có lần tôi nghe được các phu trầm lão làng chia sẻ về chuyện ngậm ngải tìm trầm. Theo đó, đối với dân tìm trầm cùng với lương thực, thì "ngải" là thứ không thể thiếu. Ngải đó do các ông thầy mo người Chăm, người Thượng (Tây Nguyên), người Trắng (Thái) bán. Khi ngậm trong miệng lúc đi rừng, hương ngải, vị ngải khiến rắn rít tránh xa mình.

Nghe nói ngậm ngải trong miệng, sẽ tăng thêm được 200% sức lực mỗi ngày có thể trèo đèo lội suối hàng chục cây số đường rừng mà không biết mệt. Không những vậy, hương ngải bị khắc chế bởi hương trầm, nếu vào khu vực có trầm, kỳ nam thì hương ngải sẽ bị hút cạn, không còn nghe thấy mùi vị gì nữa. Phu trầm căn cứ vào đó để khoanh vùng để tìm “hàng” đang ẩn dấu…”.

Ngoài ra, ngải còn nhiều công dụng kỳ bí khác như yểm vào đối phương để “bịt mắt” khi gặp trầm, kỳ nam. Dân đi địu không phải chỉ một, hai đoàn mà có hàng ngàn, hàng vạn người cùng nhau đào xới giữa đại ngàn. Trong cơn sốt trầm, không chỉ có người dưới xuôi, mà người miền ngược cũng lao theo canh bạc đổi đời này. Cạnh tranh, thậm chí “chiến tranh” là điều không thể tránh khỏi.

Nhiều người đã bỏ ngải vào thức ăn, nước uống của đoàn khác để hạ độc, nhẹ thì để “bịt mắt”. Người bị yểm dù có đứng trước khúc kỳ nam lớn đên đâu, hương nồng thế nào thì như bị “ma xui quỷ khiến” chẳng thể nào thấy hoặc cảm nhận được. Nặng hơn, người bị yểm có thể đau ốm nằm liệt giường, có kẻ chết bất đắc kì tử. Người sở hữu “ngải” thì bất cứ ai cũng không dám lại gần, nếu trúng được trầm, kỳ thì có thể bình an trở về mà không lo bị cướp…Nói chung chuyện về ngải có kể cả ngày cũng không hết, ông Sáu chia sẻ.

Đi tìm lời giải

Đem câu chuyện “ngậm ngải tìm trầm” đi hỏi những phu trầm lão làng nhất ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) mới vỡ lẻ nhiều bí ẩn khuất chứa đằng sau những mẫu chuyện về bùa ngải của dân đi địu. Ông Nguyễn Câu (63 tuổi), cựu phu trầm ở thôn Phú Cang (xã Vạn Phú) giảng giải, trong giới phu trầm thường truyền tai nhau câu cửa miệng “ngậm ngải tìm trầm”, và câu nói này xuất phát từ truyền thuyết “người hóa cọp” được lưu truyền từ thuở xa xưa, như một minh chứng cho sự gian nan đời trầm phu.

Anh Đăng Thanh Phong, người phu than ở Diên Khánh trải lòng về những câu chuyện mắt thấy, tai nghe khi diện kiến dân “địu” chuyên nghiệp

“Nguyên thuở xa xưa có một trầm phu lang thang từ núi này sang núi nọ để đi tìm trầm hương quý nhưng bất thành. Trước một chuyến đi nọ, người trầm phu này có đến gặp một thầy mo cao tay ấn trong làng để xin một tấm bùa may mắn. Sau khi làm phép xong, thầy mo trao cho chàng thanh niên một viên thuốc và dặn dò: Chỉ cần ngậm thuốc này thì có đi bao nhiêu ngày cũng không thấy đói, thấy khát, có lạc vào rừng sâu núi cao thì cũng không sợ hùm beo giết hại được. Người phu trầm nhận lấy viên thuốc xong, cảm tạ thầy mo rồi khăn gói lên đường đi tìm trầm hương.

Ngày qua ngày băng rừng lội suối nhưng mãi vẫn không tìm thấy gì, trong khi đó lương thực mang theo cũng dần cạn kiệt. Lúc này người trầm phu định quay đầu trở về nhà, nhưng ngặc nỗi lại không nhớ đường về. Nhớ lời thầy mo, chàng lấy viên thuốc ngải ngậm vào miệng và tiếp tục đi vào rừng. Rồi năm tháng dần qua, viên ngải trong miệng cũng dần tan hết và người phu trầm không ngờ mình lại hóa thành con hổ mình đầy lông lá… Chưa ai diện kiến con “cọp người” này chứ đừng nói dùng ngải xông. Câu chuyện chủ yếu để “nhát ma” dân đi tìm trầm mà thôi”, ông Câu cười nói.

Trao đổi với PV, ông Đinh Tấn Ba (64 tuổi), một phu trầm lão làng nay đã giải nghệ ở thôn Phú Hội, xã Vạn Thắng cho hay, chuyện “ngậm ngải tìm trầm” hoàn toàn có thật, nhưng công dụng của ngải thì chỉ do người đời đồn thổi mà thôi. Trước giải phóng, người dân còn mê tín dị đoan nên trước khi đi “địu trầm” thường đến nhà những thầy mo mua “ngải”. Các thầy mo người dân tộc thiểu số thường bán cho dân “địu” một số loại ngãi được cho là có yểm bùa chú linh thiêng…Tuy nhiên, thực chất đó chỉ là một hỗn hợp của nhiều loại thảo dược có mùi hương rất nồng. Chủ yếu là có tác dụng chống sơn lam chướng khí, xua đuổi và trị được vết cắn của rắn độc…

Suối Đổ - một trong những “địa chỉ đỏ” mà dân “địu” hay đến đào bới tìm kỳ nam.

Thời gian sau này, trình độ dân trí nâng cao, khoa học hiện đại, thuốc men cũng không còn khan hiểm nữa. Thuốc trị rắn cũng rất nhiều. Lại có thêm vũ khí hiện đại, có người còn có cả sung, ngoài ra thiết bị định vị, la bàn dò đường này nọ nên đi tìm trầm không quá nguy hiểm, nhọc nhằn như ngày trước.

Cũng từ đó, những thầy mo bán ngải chỉ còn trong tiềm thức những phu trầm đứng tuổi, còn lớp trẻ sau này toàn thanh niên trai tráng nên đến 99% không còn tin vào ngải, hay “ngậm ngải” đi tìm trầm nữa. Không có người mua, nên các thầy mo bán ngải cũng dần vắng bóng, đến nay thì không còn ai nữa…

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Tân, một phu trầm nhiều năm trong nghề ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết: “Dân đi tìm trầm có hàng trăm điều cấm kị chủ yếu do mê tín. Ví như trước khi phải xem ngày giờ tốt xấu để khởi hành, phải tắm rửa sạch, ăn chay, tịnh thân trong ba ngày, nghĩa là không được ngủ chung với vợ.

Đặc biệt, giữ gìn lời ăn tiếng nói tránh kị húy và xúc phạm linh thần. Chẳng hạn, chó là cẩu, khỉ bảo là khởi, gọi voi bằng ông lớn, trăn rắn gọi bảo là râu dài, heo rừng gọi dũi và hổ thì gọi hảobệnh đau nói trại là se, đau bao tử phải gọi là đau bao tải, cái võng thì gọi cái đưa, chết gọi bằng trẫu hoặc trỗi…Đây là cách nói trại, nói lệch để tỏ lòng thành kình cũng như sự kiêng dè sẽ không bị thú dữ làm hại, thần linh quở phạt”.

Tác giả: Nguyễn Hưng

Nguồn tin: conglyxahoi.net.vn

  Từ khóa: rợn người ,giải mã ,ly kỳ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP