Xã hội

Gia tài trong đống giấy vụn khiến người phụ nữ tái mặt

Trong lúc lúi húi cân giấy, bà Hoa thấy tập tài liệu màu đen được bọc cẩn thận. Khi mở ra xem, bà bủn rủn chân tay khi thấy một bìa đỏ, giấy tờ nhà đất và cả bản di chúc...

Nghề đồng nát được xem là nghề cứu cánh cho nhiều gia đình ở một số vùng nông thôn, giúp họ kiếm tiền, trang trải cuộc sống khi rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Trường hợp chị Lương thị Ban (SN 1984, quê Ân Thi, Hưng Yên) là một điển hình.

Chị Lương Thị Ban chia sẻ: "Nghề đồng nát tưởng dễ làm nhưng nếu không kiên trì rất dễ bỏ cuộc". Ảnh: Thanh Hải

Chị Ban cho biết, chị lấy chồng sớm, hai vợ chồng sinh được 3 người con. Trước đây chị ở nhà làm nông nghiệp, chăm con còn chồng chị làm công nhân xây dựng. Cuộc sống không giàu có nhưng họ vẫn đủ nuôi 3 con ăn học.

Tuy nhiên cách đây vài tháng, chồng chị bất ngờ bị tai nạn lao động, tiền bạc tích lũy phải dồn hết cho anh chữa bệnh. Chồng chị may mắn giữ được tính mạng nhưng sức khỏe suy yếu rất nhiều.

Đứa con thứ hai không may mắn bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh, chỉ cần một vết thương nhỏ cũng khiến cô bé bị chảy máu, phải truyền huyết tương.

Đồ nghề đi làm của chị Ban. Ảnh: Nhật Linh

Lúc này, mọi gánh nặng kinh tế đều đè lên đôi vai người phụ nữ khắc khổ. Đành để chồng thay mình chăm con, chị theo người em họ ra Hà Nội làm nghề đồng nát.

“Nghề này chỉ cần sắm chiếc xe đạp cà tàng, 1 cái cân, vài bao tải dứa là có thể “tung hoành” ngang dọc phố phường rồi”, chị Ban cởi mở nói.

Theo chị Ban, công việc của chị bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi trời nhá nhem tối. Nghề đồng nát tưởng dễ làm nhưng nếu không kiên trì rất dễ bỏ cuộc, vì có khi đi suốt buổi sáng, rao đến khản cổ chị cũng chẳng mua được gì.

"Thời gian đầu tôi chưa quen việc, đường sá cũng không thông thạo nên tôi chưa dám đi xa, chỉ đi quanh quẩn khu vực quận Hai Bà Trưng và quận Đống Đa. Vào những ngày cuối tuần, thu nhập của chúng tôi cao hơn vì ngày đó người dân nghỉ làm, dọn dẹp nhà cửa mới có đồ phế liệu thanh lý. Mưa gió, rét buốt tôi cũng không nghỉ ngày nào vì nghỉ 1 buổi lấy đâu tiền gửi về cho con”, chị Ban chia sẻ.

Vẫn theo lời chị Ban, do mới làm thu nhập của chị khá bấp bênh vì thế ngoài việc thu mua phế liệu, chị nhận thêm công việc dọn dẹp nhà cửa cho các hộ gia đình.

Dịp gần Tết, nhu cầu dọn dẹp nhà cửa tăng cao, mỗi lần dọn dẹp cho các gia đình, họ thường cho chị các đồ lặt vặt, hỏng hóc mang về. Tuy mới “nhập môn” nghề đồng nát nhưng chị Ban cho hay mình từng gặp không ít câu chuyện dở khóc dở cười.

Như câu chuyện người mẹ trẻ, mới sinh con cách đây 1 tháng khiến chị nhớ mãi. Chị kể, một lần đang đọn dẹp, người mẹ trẻ đãng trí đem giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và giấy đăng ký kết hôn bỏ vào bao tải giấy vụn đem bán cho chị.

Chị mang hàng về nhà, dự định cuối tuần gom lại mới kiểm hàng, chuyển đến vựa đồng nát. Về phần người người mẹ trẻ này, khi sực nhớ ra chị mới hốt hoảng. Thấy ai mua đồng nát đi qua, chị lại chạy ra gọi vào hỏi han nhờ tìm giúp, nếu tìm được sẽ hậu tạ.

Mấy hôm sau, chị Ban đi qua nhà, người mẹ trẻ gặp lại chị mừng như vớ được vàng, khẩn khoản nhờ chị tìm giúp. Chị Ban đưa người này về chỗ mình trọ, lục tung đống giấy vụn mới tìm được đồ.

Một xóm đồng nát nằm trên khu vực Đê La Thành. Ảnh: Nhật Linh

Chị Ban cho biết thêm, lượng người từ các tỉnh về Hà Nội làm nghề đồng nát khá đông, họ thường ở trọ tại các khu Phúc Xá, Đê La Thành, Mỹ Đình...

Bà Nguyễn Thị Hoa (50 tuổi, quê Ý Yên, Nam Định) cũng chia sẻ, bà từng nhặt được cả gia tài trong đống giấy vụn.

Cách đây 3 tháng, khi đi thu mua phế liệu trên đường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, bà “trúng quả” mua được khối lượng lớn giấy vụn trong căn nhà 2 tầng, bà phải thuê xe ba gác đến chở về.

Bà Nguyễn Thị Hoa (50 tuổi, quê Nam Định). Ảnh: Thanh Hải

Trong lúc cân giấy, bà phát hiện một tập tài liệu màu đen được bọc cẩn thận, bên ngoài đề hai chữ “Di chúc”. Tò mò bà Hoa mở ra xem và giật mình khi thấy giấy tờ nhà đất và bìa đỏ, trong đó còn có tờ di chúc của người bố, phân chia tài sản và dặn dò các con sống đoàn kết, yêu thương nhau.

“Tôi vội cất tập tài liệu vào túi, quay lại tìm chủ nhà nhưng bấm chuông mãi không ai ra mở cửa. Tôi đứng đợi ở đó mấy tiếng đồng hồ rồi đành ra về.

Khoảng 10 ngày sau, tôi đến đó lần nữa, đứng chờ 20 phút thì một người đàn ông khoảng 30 tuổi, đeo kính cận đi chiếc xe máy cũ dừng trước cổng nhà. Trên xe treo mấy túi hoa quả và hộp bánh.

Anh ta hỏi han xem tôi cần gặp ai. Sau khi hỏi chuyện, tôi đưa tập tài liệu cho anh xem. Xem xong, anh ta bỗng ôm mặt rồi bật khóc”, người phụ nữ 50 tuổi nhớ lại.

Trong giây phút ngỡ ngàng không hiểu việc gì đang xảy ra, bà Hoa được người đàn ông mời ra quán nước nói chuyện. Lúc này, anh ta kể, trước khi mất, bố anh đã làm di chúc để lại căn nhà cho anh, còn căn nhà trên phố Huế cho vợ chồng anh trai cả.

Chưa đoạn tang bố, người anh cả tỏ rõ ý định lấy căn nhà 2 tầng đó, đuổi em trai ra khỏi nhà, khóa cửa lại. Khi người chị dâu dọn dẹp, thanh lý hết đống giấy tờ, sổ sách của bố, chuẩn bị bán nhà, chẳng ngờ chị ta sơ ý cho cả tập tài liệu quan trọng vào đống giấy vụn. May mắn người em gặp được bà Hoa nên lấy được số giấy tờ nhà. Anh ta nói, có lẽ anh trai, chị dâu anh ta cũng đang hốt hoảng tìm số giấy tờ này. Đây là tài liệu quan trọng để anh có thể đòi lại nhà của mình.

Lần khác, bà Hoa nhặt được phong bì chứa 10 triệu đồng trong tập giấy báo cũ, mua từ một nữ công nhân ở trọ tại Mỹ Đình, Hà Nội.

Lúc bà Hoa mang đến trả, cô gái tâm sự, đây là tiền cô tiết kiệm cả năm, định gửi về cho mẹ sửa nhà. Do bất cẩn, cô để quên trong tập báo cũ, mang bán cho bà Hoa.

“Cô gái rút ra 1 triệu đưa biếu tôi nhưng tôi trả lại. Họ cũng là dân lao động, chắt bóp từng đồng gửi về cho gia đình, mình nghèo nhưng phải sống có lương tâm, tham lam làm gì, rồi lại ốm đau ra đấy”, bà Hoa nói.

(Còn nữa)

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi theo yêu cầu

Tác giả: Nhật Linh - Thanh Hải

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP