Kinh tế

Giá dầu ăn, ngũ cốc đang tăng nhanh khi hàng loạt nước hạn chế xuất khẩu

Cuộc xung đột ở Ukraine không chỉ khiến giá năng lượng leo thang mà còn đang đe dọa đến sản lượng ngũ cốc toàn cầu, nguồn cung dầu ăn và xuất khẩu phân bón, khiến giá hàng hóa cơ bản tăng vọt.

Giá lúa mì đã tăng khoảng 60% trong năm nay, gây nguy cơ làm tăng giá các loại thực phẩm chủ chốt như bánh mì (Ảnh: Getty).

Theo Reuters, Indonesia vừa tuyên bố thắt chặt hạn chế xuất khẩu dầu cọ, gia nhập vào danh sách ngày càng tăng những nước sản xuất chính hạn chế xuất khẩu lương thực ra ngoài.

Dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và được sử dụng trong sản xuất nhiều sản phẩm như bánh quy, bơ thực vật, nước giặt và chocolate. Từ đầu năm tới nay, giá dầu cọ đã tăng hơn 50%.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammad Lufti cho biết việc hạn chế xuất khẩu dầu cọ nhằm đảm bảo giá dầu ăn trong nước phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.

Việc tăng giá diễn ra trong thời điểm khả năng chi trả cho thực phẩm đang là một thách thức lớn với người tiêu dùng khi các nền kinh tế đang tìm cách phục hồi từ cuộc khủng hoảng coronavirus. Và nó cũng góp phần làm gia tăng lạm phát trên toàn cầu.

Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp dầu ăn quan trọng đồng thời chiếm gần 30% lượng xuất khẩu lúa mì trên toàn cầu. Ngày 9/3, Ukraine tuyên bố cấm xuất khẩu một loại mặt hàng nông sản như lúa mạch, đường, thịt cho đến cuối năm nay.

Cuộc xung đột không chỉ làm gián đoạn các chuyến hàng từ khu vực Biển Đen mà còn hủy hoại triển vọng thu hoạch mùa màng khi giá phân bón tăng cao và nguồn cung giảm do giá khí đốt tự nhiên, một thành phần quan trọng trong sản xuất, tăng mạnh.

Giá lương thực thế giới cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 2 khi tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước, theo cơ quan lương thực của Liên Hợp Quốc. Giá dầu cọ giao sau tại Malaysia cũng lên mức cao nhất mọi thời đại sau thông báo của Indonesia. Trong khi đó, giá đậu nành tăng lên mức cao nhất trong 14 năm.

Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu dầu hướng dương chính, chiếm gần 80% kim ngạch toàn cầu. Vì vậy, chiến sự nổ ra khiến các khách hàng như Ấn Độ phải đổ xô tìm nguồn thay thế như dầu cọ, dầu đậu nành.

Giá lúa mì giao kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) cũng đã tăng khoảng 60% trong năm nay. Điều này gây nguy cơ làm tăng giá các loại thực phẩm chủ chốt như bánh mì.

Việc mất 2 nhà xuất khẩu lớn là Ukraine và Nga diễn ra cùng lúc với thông tin cho rằng vụ mùa lúa mì của nhà sản xuất hàng đầu thế giới Trung Quốc có thể "tồi tệ nhất lịch sử", theo Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc.

Ngoài ra, năng suất kém ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Mỹ cũng sẽ khiến nguồn cung bị thắt chặt hơn.

Trong khi đó, Serbia hôm qua thông báo sẽ cấm xuất khẩu lúa mì, ngô, bột mì và dầu ăn kể từ ngày 10/3 để ngăn chặn việc tăng giá trong nước.

Tuần trước, Hungary cũng đã cấm xuất khẩu tất cả các loại ngũ cốc. Bulgaria cũng tuyên bố tăng lượng dự trữ ngũ cốc và có thể hạn chế xuất khẩu cho đến khi thực hiện xong việc mua dự trữ theo kế hoạch.

Nguồn cung ngũ cốc ở Romania, một nhà xuất khẩu lớn, cũng đang thắt chặt hơn khi người mua quốc tế tìm kiếm nguồn thay thế ngũ cốc của Nga và Ukraine, dù hiện nước này vẫn chưa có kế hoạch hạn chế các đơn hàng.

Sản lượng ngũ cốc toàn cầu cũng có thể bị suy giảm do việc sản xuất phân bón bị cắt giảm khi giá khí đốt tăng cao. Yara, một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, cho biết sẽ cắt giảm sản lượng ammonia và urê ở Italia và Pháp. Công ty của Na Uy này tuần trước cũng cảnh báo cuộc xung đột đang đe dọa đến nguồn cung lương thực toàn cầu.

Nga, từng là nhà cung cấp phân bón lớn trên toàn cầu, mới đây cũng đã yêu cầu các nhà sản xuất ngừng xuất khẩu phân bón.

Tác giả: Nhật Linh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP