Chị Vũ Thị Thường
Giờ đây, sau hơn 10 năm hoàn lương, người phụ nữ giàu nghị lực đã “một tay gầy dựng cơ đồ”, trở thành tấm gương làm kinh tế điển hình tại địa phương.
Một thời lầm lỡ
Nhìn ngôi nhà khang trang hai tầng nằm ngay trung tâm xã Minh Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), nhiều người không ngờ đó chính là cơ ngơi do chị Vũ Thị Thường (SN 1968) gây dựng được sau thời gian dài dính vào lao lý.
Càng bất ngờ hơn khi chị là một trong những tấm gương làm kinh tế điển hình được Công an Nghệ An vinh danh năm 2014, không chỉ bởi nghị lực mà còn vì tấm lòng nhân ái.
Nhắc về quá khứ một thời lầm lỡ, chị Thường thoáng buồn. Chị nói, cũng vì gia đình nghèo đói, lại thiếu hiểu biết nên mới phải trả cái giá quá đắt như vậy. Nếu như lúc đó chị tỉnh táo thì cuộc đời không phải vướng lao lý.
Chị kể mình sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, thông qua mai mối, chị về làm dâu trong một gia đình nghèo ở xã Minh Thành, cách nhà chừng 70 cây số.
Xa cách về địa lý, cùng với những gáng nặng trong cuộc sống càng khiến đôi vai người phụ nữ ấy thêm gầy đi. Khó khăn càng nhân lên gấp nhiều lần khi hai đứa con lần lượt ra đời, cùng với đó là bệnh tình chồng ngày càng nặng.
Trong hoàn cảnh đó, chị Thường thấy mẹ chồng đói rách quá nên không nỡ quay lưng, đón bà về chăm sóc. Nhà thêm miệng ăn, khó khăn càng chồng chất, lao động chính trong nhà lúc này gần như chỉ một mình chị bươn chải.
Không đành lòng nhìn chồng con nhiều hôm phải nhịn đói, chị đã xoay đủ nghề để kiếm sống, từ chăn nuôi đàn vịt, buôn bán mớ rau ngoài chợ nhưng gia đình vẫn không qua được cơn bĩ cực.
Năm 1996, trong một lần ra chợ, nghe phong thanh nhiều người kháo nhau chuyện đi buôn “hàng trắng” tận biên giới Kỳ Sơn, mỗi chuyến lời cả trăm ngàn đồng, chị Thường mon men dò hỏi tin tức để tìm mối “làm ăn”.
Sau mấy ngày lân la, người phụ nữ ấy được một nhóm người đồng ý cho gia nhập đường dây vận chuyển ma túy từ miền núi về miền xuôi. Nghĩ đến cảnh chồng con đang đói khổ ở nhà, chị nhanh chóng nhận lời tham gia đường dây này mà không nhận thức được rằng như vậy là vi phạm pháp luật.
Sau lần đầu thực hiện trót lọt, chị tiếp tục hành trình ngược lên thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) lần hai và bị cơ quan chức năng bắt giữ khi đang vận chuyển gói ma túy 2kg trên địa bàn xã Mỹ Thành. Chị bị bắt trước sự ngỡ ngàng của gia đình, bà con lối xóm, đặc biệt là với chồng con, bởi quá trình tham gia vận chuyển ma túy, chị giấu biệt không cho ai biết.
Chị nhớ lại: “Ngày tôi bị bắt, đứa con gái đầu vừa tròn 5 tuổi, còn con trai út mới hơn 3 tuổi. Nhìn các con ngơ ngác nhìn mẹ bị bắt đi mà lòng tôi quặn thắt. Tôi đã có lỗi lớn với chồng, con, nhất là người mẹ già. Rồi khi nghe tòa tuyên án 12 năm tù giam, tôi hoa mắt, ù tai không nghe thấy gì nữa. Tôi hoang mang vô cùng, nghĩ mình sẽ chết mòn trong nhà giam”.
Nhưng chị không những không chết mà còn hồi sinh mạnh mẽ chính từ những ngày thụ án sau song sắt. Những ngày ở Trại giam số 5 (Bộ Công an), đóng chân ở Yên Định (Thanh Hóa), được sự động viên của các cán bộ quản giáo và đặc biệt là sự cần mẫn thăm nuôi, động viên của chồng là anh Lê Công Nga (SN 1964) và hai đứa con, người phụ nữ này dần lấy lại được tinh thần. Đầu năm 2004, sau 9 năm cải tạo, chị được đặc xá trước thời hạn.
Can đảm vươn lên làm giàu chân chính
Đến nay, chị Thường vẫn nhớ như in cảm xúc ngày được đoàn tụ cùng gia đình. Chị tâm sự, do thời điểm nhận được quyết định giảm án vào ngày cận kề nên không kịp thông báo cho người nhà. Vì vậy, chị lặng lẽ vác ba lô bước ra khỏi trại giam, bắt xe về nhà trong tâm trạng vui mừng xen lẫn hồi hộp.
“Hơn 9 năm trôi qua, phong cảnh làng quê đã khác xưa rất nhiều. Đứng trước căn nhà nhỏ của mình mà tôi cứ ngỡ như một giấc mơ. Phải mất một hồi trấn tĩnh, tôi mới lấy hết can đảm để bước vào nhà gặp chồng con. Được ôm những người thân yêu sau thời gian xa cách mà tôi mừng mừng, tủi tủi”, chị nhớ lại.
Ngày về lại với đời thường, chị Thường gần như trở về với vạch xuất phát. Kinh tế gia đình kiệt quệ vì có bao nhiêu tài sản tích cóp được đã phải bán sạch để lấy tiền ký gửi, thăm nuôi chị trong suốt 9 năm tù. Chồng đau ốm triền miên do không được chữa trị kịp thời nên đã chuyển sang mãn tính. Các con đang trong tuổi ăn học nên thiếu thốn trăm bề.
Đã vậy, ngay khi thấy chị Thường mãn hạn tù trở về, một số đối tượng xấu thấy gia cảnh như vậy nên đã ra sức rủ rê chị trở lại con đường cũ, hứa hẹn cho nhiều tiền bạc. Trước cám dỗ cuộc đời ấy, lần này chị Thường đã thức tỉnh và kiên quyết nói không.
Chị chia sẻ, chuỗi thời gian 9 năm cách biệt với thế giới bên ngoài đã làm cho chị nhận thức được nhiều điều nên đã tự hứa sẽ đoạn tuyệt với quá khứ đen tối, để làm lại từ đầu. Dù có khó khăn, vất vả nhưng bù lại, luôn có chồng con và những người thân yêu bên cạnh để động viên nhau vượt qua khốn khó.
Thời điểm năm 2004, ở xã Minh Thành, cửa hàng tạp hóa còn rất ít, người dân muốn mua sản phẩm thiết yếu phải đợi đến phiên chợ hoặc đi xa. Nhận thấy đây là cơ hội để tạo công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập cho gia đình nên chị Thường đã mạnh dạn vay vốn mở cửa hàng tạp hóa nhỏ. Từ cửa hàng nhỏ sinh lời, chị vay vốn, mở rộng mặt bằng kinh doanh, đa dạng các mặt hàng, đến nay đã trở thành một trung tâm mua sắm tổng hợp.
Sau hơn 10 năm đổ mồ hôi công sức, thành quả của vợ chồng chị Thường đang có mà ai cũng thấy là ngôi nhà 2 tầng khang trang, xe ô tô đắt tiền. Nhưng với chị, thành công lớn nhất là chăm lo được cho con cái ăn học đàng hoàng. Con gái đầu đã tốt nghiệp đại học và làm việc tại TP HCM. Con trai thứ hai đã có nghề nghiệp ổn định.
Nói về gia đình, chị tâm sự: “Hiểu hoàn cảnh gia đình nên các con tôi đã biết tự lập từ rất sớm. Thời điểm tôi mới trở về, sợ mẹ buồn, các con luôn động viên, an ủi. Đó là nguồn động viên lớn nhất để tôi làm lại cuộc đời”.
Tháng 9/2014, chị Vũ Thị Thường được Công an tỉnh Nghệ An vinh danh và tuyên dương tại điển hình tiên tiến dành cho những người chấp hành xong án phạt tù, trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Thiếu tá Nguyễn Quang Tuệ, Phó trưởng Công an huyện Yên Thành từng cho hay, chị Thường là người phụ nữ can đảm, đã vượt qua được mặc cảm quá khứ lầm lỗi, trở về đời thường vươn lên làm giàu chân chính. Đó là một tấm gương cho những người lầm lỗi noi theo.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, chị Thường còn tiên phong trong các phong trào đóng góp xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt thường xuyên phát động các phong trào tình nghĩa các hoạt động thiện nguyện tại địa phương. |
Tác giả bài viết: Long Trần