Tuần trước, Dylan McKay ở New Zealand đã tải dữ liệu từ trang cá nhân trên Facebook của mình để tìm xem mạng xã hội này đã thu thập được những gì từ anh trong nhiều năm qua. Trong khi tìm kiếm thông tin về các địa chỉ liên lạc, anh đã phát hiện ra rằng Facebook có khoảng hai năm sử dụng dữ liệu từ điện thoại Android của mình, bao gồm tên, số điện thoại và thời lượng của mỗi cuộc gọi đi và nhận đến.
"Bằng cách nào đó Facebook có toàn bộ lịch sử cuộc gọi của tôi với mẹ của bạn gái", anh chia sẻ trên Twitter. |
Theo Arstechnica, một số người sử dụng Facebook khác cũng ghi nhận tình trạng tương tự khi các dữ liệu trên thiết bị Android đã bị mạng xã hội này thu thập trong khoảng năm 2015-2016, bao gồm cả dữ liệu tin nhắn SMS và MMS.
Phản hồi qua email, người phát ngôn của Facebook cho biết: "Phần quan trọng nhất của các ứng dụng và dịch vụ là làm cho việc tìm kiếm những người mà bạn muốn kết nối trở nên dễ dàng. Lần đầu tiên khi bạn đăng nhập vào điện thoại với ứng dụng nhắn tin hoặc ứng dụng mạng xã hội, hệ thống sẽ bắt đầu bằng cách tải địa chỉ liên hệ trên điện thoại của bạn lên".
Người đại diện này chỉ ra rằng việc tải lên liên hệ là tùy chọn và cài đặt ứng dụng đã yêu cầu người dùng cho phép truy cập địa chỉ liên hệ. Người dùng có thể xóa dữ liệu liên lạc khỏi hồ sơ của họ bằng cách sử dụng một công cụ có thể truy cập qua trình duyệt Web.
Người dùng có thể kiểm tra các thông tin cá nhân được Facebook lưu trữ qua gói dữ liệu tải về. |
Facebook đã sử dụng dữ liệu điện thoại liên lạc như một phần của thuật toán giới thiệu bạn bè. Trong các phiên bản gần đây của ứng dụng Messenger dành cho thiết bị Android và Facebook Lite, yêu cầu đã rõ ràng hơn đối với người dùng về quyền truy cập nhật ký cuộc gọi và nhật ký SMS. Nhưng ngay cả khi người dùng không cho phép Messenger thực hiện việc này, họ có thể đã vô tình bỏ qua bước thiết lập quyền truy cập trên Facebook trong nhiều năm qua. Hệ điều hành iOS của Apple chưa bao giờ cho phép truy cập thông tin về dữ liệu cuộc gọi một cách âm thầm như vậy.
Lời khuyên của Arstechnica là nếu người dùng quan tâm đến bảo mật thông tin cá nhân, không nên chia sẻ sổ địa chỉ và dữ liệu nhật ký cuộc gọi trong bất kỳ ứng dụng di động nào.
Vụ rò rỉ thông tin được cho là lớn nhất trong lịch sử Facebook được báo chí đăng tải ngày 17/3. Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phát hiện sở hữu lượng thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook. Kho dữ liệu này được mua lại từ Aleksandr Kogan, giảng viên Đại học Cambridge thông qua việc thu thập thông tin dựa trên ứng dụng thisisyourdigitallife. Sự vụ gây rúng động bởi kho dữ liệu được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Con số 50 triệu tài khoản Facebook tương đương 25% số cử tri Mỹ trước giai đoạn bầu cử.
Tác giả: Mai Anh
Nguồn tin: Báo VnExpress