Hàng chục Chứng minh nhân dân giả được các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo |
Theo cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua những đơn tố giác trên có thể thấy, nạn nhân bị lừa đảo đều là phụ nữ. Các đối tượng đã sử dụng các mạng xã hội để kết bạn với các bị hại người Việt Nam, trò chuyện, làm quen, tạo lòng tin với bị hại. Sau khi đã làm quen, các đối tượng khéo léo đánh vào lòng tham của các nạn nhân bằng cách giả vờ thông báo có kiện hàng (trong đó có tiền và vàng khối) sắp được gửi về Việt Nam.
Trong số đơn tố giác tội phạm của các bị hại, đáng chú ý là đơn tố giác của chị N.T.H (trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã bị nhóm đối tượng lừa hơn 699 triệu đồng. Theo tường trình của chị H, thông qua mạng xã hội Instagram, một người có tên tài khoản là Steven Phan Nguyen đã giới thiệu mình là lính Hải quân của quân đội Hoa Kỳ.
Sau một thời gian trò chuyện qua lại, Steven ngỏ lời yêu và muốn kết hôn với chị H sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Iran. Vì tin vào lời hứa hẹn này, chị H đã nhiều lần chuyển tiền cho Steven để giúp đỡ người này trong cuộc sống. Sau đó, Steven thông báo với chị H đã chuyển một kiện hàng, trong đó có nhiều tiền, vàng khối và một số giấy tờ quan trọng và nhờ chị H cất giữ toàn bộ số hàng này. Đồng thời Steven nói, chị H có thể lấy một ít tiền mà chị đã vay để gửi cho Steven trước đây. Nghe vậy, chị H đã cung cấp địa chỉ email theo yêu cầu của Steven để công ty vận chuyển hàng liên lạc.
Sau khi cung cấp thông tin cá nhân, chị H nhận được email của 1 công ty vận chuyển có tên là “Capital Delivery Service” yêu cầu chị H cung cấp thông tin cá nhân để theo dõi lịch trình hoạt động của kiện hàng có mã code là 764/D034/CU21. Tiếp đó, email của công ty trên nhiều lần gửi email cho chị H thông báo về kiện hàng bị hải quan các nước Ấn Độ, Thái Lan giữ lại yêu cầu kiểm tra.
Sau đó, có một địa chỉ email khác gửi đến yêu cầu chị H chuyển tiền để làm các thủ tục pháp lý liên quan đến kiện hàng theo quy định khi hàng bị giữ lại.
Tin lời nói này là thật, chị H đã 5 lần chuyển tổng số tiền hơn 699 triệu đồng theo tài khoản mà các đối tượng cung cấp... Sau đó, các email tiếp tục gửi đến cho chị H yêu cầu phải chuyển thêm tiền để giải quyết kiện hàng nhưng chị H không còn tiền nên không chuyển nữa...
Theo CQĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua xác minh 5 tài khoản mà chị H chuyển tiền cho thấy, các tài khoản này đều mở tại TP Hồ Chí Minh.
Bị lừa đảo vởi thủ đoạn tương tự chị H là chị N.T.T.V, trú Bảo Lộc (Lâm Đồng). Thông qua Facebook, chị V quen một người đàn ông có tài khoản là Vicky Swant. Sau nhiều lần trò chuyện, Vicky Swant nói với chị V là mình đang đi lính ở Iran, có số tiền 630.000 USD và một số hàng hóa muốn gửi về nhờ chị V giữ dùm và để làm từ thiện.
Sau khi chị V cung cấp thông tin cá nhân thì nhận được các cuộc gọi từ những người tự xưng là cán bộ hải quan. Nội dung các cuộc gọi thông báo rằng thùng hàng gửi đến chị V bị giữ lại để kiểm tra và yêu cầu chị V muốn nhận được hàng thì phải chuyển tiền để xác minh.
Nghĩ rằng nếu thùng hàng bị giữ lại thì sẽ mất số tiền 630.000 USD nên chị V. đã 7 lần chuyển với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng theo số tài khoản các đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển số tiền trên, chị V bị các đối tượng cắt đứt liên lạc.
Trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, Long An, Nghệ An… đã có rất nhiều trình báo bị lừa tiền tương tự như chị H và chị V như trên.
Để thực hiện trót lọt hàng chục vụ lừa đảo qua mạng này, các đối tượng người nước ngoài cấu kết chặt chẽ với các đối tượng Việt Nam thực hiện 53 giấy CMND giả mở tổng cộng 71 tài khoản ngân hàng với lịch sử giao dịch lên đến trên trăm tỷ đồng.
Hiện tại, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã bắt giữ 11 đối tượng trong đường dây lừa đảo quốc tế này; trong đó có 7 người quốc tịch Nigeria và 4 đối tượng có quốc tịch Việt Nam.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiếp tục điều tra, mở rộng và bắt giữ các đối tượng tiếp tay, liên quan đến đường dây lừa đảo này.
Tác giả: Thùy Nhung
Nguồn tin: Pháp Luật Plus