Giáo dục

Đuổi học SV bán dâm quá 3 lần: Không chấp nhận lý do "dự thảo sơ suất"!

“Tôi không chấp nhận được lý do "sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất” mà Bộ Giáo dục biện minh. Điều này thể hiện sự tắc trách của cả bộ máy hoạt động ở Bộ Giáo dục và Đào tạo”, TS Vũ Thu Hương nói.

Đây là quan điểm của TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi trả lời PV Infonet xung quanh dự thảo quy định buộc thôi học đối với học sinh sinh viên ngành sư phạm nếu có hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 đang gây “bão” dư luận hiện nay.

TS Vũ Thu Hương: Tôi không chấp nhận được lý do "sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất” mà Bộ Giáo dục biện minh.

Từng là một sinh viên sư phạm, là giảng viên trường ĐHSP Hà Nội, chị nhìn nhận như thế nào về dự thảo thông tư quy định của Bộ GD&ĐT quy định về công tác quản lý HSSV đang “dậy sóng” dư luận hiện nay khi thông tin ban đầu của dự thảo quy định buộc thôi học đối với học sinh, sinh viên ngành sư phạm có hoạt động mại dâm từ lần thứ 4?

TS Vũ Thu Hương: Điều đầu tiên tôi đã nghĩ đến là những tác giả soạn thảo ra dự thảo trên thật sự thiếu hiểu biết về ngành nghề và đặc thù ngành nghề của mình. Nghề y sẽ đi kèm với bệnh tật, máu, cái chết và đặc biệt là trực đêm. Nghề báo chí hay du lịch sẽ kèm với các chuyến công tác. Ngành giáo có một đặc thù mà bất kể ai cũng biết, đó là đòi hỏi cao về tư cách đạo đức những cán bộ hoạt động trong ngành.

Hoạt động môi giới mại dâm hoặc mại dâm, làm bằng giả, làm hộ luận văn, luận án… đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Khi những hành vi này bị phát hiện, chắc chắn thủ phạm sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Nghề giáo là nghề tiếp xúc và giáo dục trẻ cả về tư cách đạo đức. Vì thế, nghề giáo sẽ không thể chấp nhận những cán bộ vi phạm pháp luật, có tiền án tiền sự. Vì vậy, có thể nói, chỉ có những người hoàn toàn thiếu hiểu biết về ngành nghề này mới có thể đưa ra những điều quy định kì lạ đến vậy.

Điều này đồng nghĩa với việc bà phản đối quy định trong dự thảo rằng phải đợi đến 4 lần hoạt động mại dâm thì học sinh, sinh viên ngành sư phạm mới bị đuổi học?

TS Vũ Thu Hương: Đặc thù của ngành sư phạm là người đứng lớp phải giữ tư cách đạo đức trong sáng nhất. Lý do cơ bản là những người này ngoài truyền dạy tri thức còn giáo dục tư cách đạo đức cho các thế hệ học sinh, sinh viên. Để làm được điều đó, buộc người dạy phải có tư cách đạo đức tốt, làm gương cho học trò.

Người vi phạm pháp luật không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đứng trong đội ngũ nhà giáo. Trường sư phạm do đó tiếp tục đào tạo họ làm gì khi ra trường lại thất nghiệp? Có hiệu trưởng nào sẽ nhận giáo viên từng vi phạm pháp luật, phụ huynh nào chịu cho con học thầy cô giáo từng hoạt động mại dâm?

Do đó, đã là vi phạm pháp luật thì không thể tính số lần mà cần xử lý ngay. Dù sinh viên trường sư phạm hay bất cứ trường nào khác, đã vi phạm pháp luật đương nhiên sẽ bị đuổi học ở thời điểm vi phạm.

Còn tôi có đọc được ở đâu đó cho rằng căn cứ đưa ra con số 4 lần có thể dựa trên tính nhân đạo, theo tôi điều này không đúng. Bởi sự nhân đạo này có thể gây tác dụng ngược là cổ vũ sai phạm khi bị bắt lần 3 sinh viên vẫn không bị đuổi học. Ngoài ra, do không thể khẳng định sự thay đổi của người hoạt động mại dâm và để họ đứng lớp giảng dạy có thể gây hại cho cả thế hệ học sinh.

Nghiêm khắc về mặt pháp luật có thể không nhân đạo với người vi phạm nhưng nhân đạo với nạn nhân của những người vi phạm ấy và có giá trị răn đe người khác, giữ xã hội ổn định.

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng đã có trả lời về việc này, trước đó Bộ GD & ĐT cũng đã phát đi thông điệp cho rằng đây là sơ suất kỹ thuật. Theo bà điều này có thể chấp nhận được không khi mà dự thảo được đăng công khai từ cuối tháng 9 nhưng chỉ được gỡ xuống khi báo chí phản ánh và dư luận dậy sóng?

TS Vũ Thu Hương: Tôi không chấp nhận được lý do "sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất” mà Bộ biện minh. Điều này vừa thể hiện sự tắc trách của cả bộ máy hoạt động ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa cho thấy sự thiếu hiểu biết luật pháp của những cán bộ nhà nước tại cơ quan có thẩm quyền ra văn bản dưới luật.

Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề mua bán dâm của sinh viên, trong đó sinh viên sư phạm trên khía cạnh pháp luật, văn hoá ra sao?

Đây là vấn đề vi phạm pháp luật rồi nên chúng ta không cần phải bàn đến khía cạnh văn hóa. Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật không phải là nghĩa vụ của riêng người dân Việt Nam mà là nghĩa vụ của người dân bất kì trên toàn thế giới. Nếu một khi đã vi phạm pháp luật thì không tính đến số lần vi phạm, đương nhiên người đó sẽ bị xử lý.

Rõ ràng, khi bàn tính đến việc này, tất cả chúng ta đều thấy đây là hành động phải bị lên án gay gắt nhất chứ không thể nói đơn giản là nhân đạo được. Nhân đạo để hành vi trái pháp luật phổ biến tức là chúng ta đã không nhân đạo, thậm chí gây nguy hiểm cho một bộ phận rất lớn những nạn nhân của kẻ trái luật.

Vậy theo tiến sĩ cần làm gì để xử lý triệt để tình trạng mua bán dâm của một bộ phận sinh viên nói chung, sinh viên sư phạm nói riêng?

TS Vũ Thu Hương: Lên án kịch liệt và có hình thức kỉ luật nghiêm khắc kèm theo với các xử lý theo pháp luật chính là cách tốt nhất để răn đe, điều chỉnh hành vi của những người trẻ tuổi. Từ đó, các sinh viên hiểu rằng họ sẽ bị trả giá rất nhiều nếu vi phạm. Đây chính là cái barie tốt nhất ngăn cho các vụ vi phạm pháp luật không xảy ra.

Xin cảm ơn TS!

Tác giả: N. Huyền (thực hiện)

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP