Được sự cho phép của GS. Võ Văn Hoàng, Vietnamnet xin giới thiệu bức Thư kiến nghị này (báo Vietnamnet đặt lại tiêu đề và chia ra các phần).
Sau nhiều lần tham gia Hội đồng Giáo sư cấp cơ sở và ngành cũng như bản thân đã đi qua các quá trình phong PGS, GS, tôi thấy đã đến lúc cần kiến nghị thay đổi phương thức và các tiêu chí phong GS, PGS theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Việc phong GS, PGS theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế trước hết sẽ giảm sự nhọc nhằn của tất cả những người liên quan (cả các thành viên tham gia các Hội đồng và ứng viên) và nâng cao chất lượng đội ngũ GS, PGS được phong.
Thực tế, việc phong GS, PGS từ năm 2002 đến nay đã đi vào ổn định, có nề nếp theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, vẫn có quá nhiều bất cập và không thể cũng như không nên tiếp tục cách làm hiện nay.
Tôi không đi vào chi tiết những bất cập, chỉ xin nêu một số vấn đề chính như sau:
5 vấn đề chính
1.Phương thức phong chức danh như hiện nay (qua 3 Hội đồng (HĐ): HĐ cơ sở, HĐ ngành và HĐ nhà nước) là quá nặng nề về mặt tổ chức.
Ở các nước, chỉ cần HĐ Giáo sư cấp Khoa trong trường ĐH là đủ. Do nền khoa học trong nước còn yếu, ta nên tổ chức HĐ khoa học ngành cấp quốc gia để xét hồ sơ các ứng viên.
2. Các thủ tục, các quy định liên quan cũng như các tiêu chí còn quá nhiều, quá chi tiết.
Có quá nhiều thông số đầu vào để đánh giá ứng viên (bài báo khoa học trong nước, bài báo khoa học quốc tế, báo cáo hội nghị, sách, đề tài các cấp đã nghiệm thu, trình độ ngoại ngữ, khả năng nói tiếng Anh, hướng dẫn thạc sĩ, nghiên cứu sinh…) và mỗi thông số có một thang điểm chi tiết.Điều này càng làm cho quá trình xét phong chức danh thêm nặng nề và rối rắm nhưng không có chất lượng khoa học thật sự.
3. Không có quy định mức chuẩn tối thiểu về công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và không có quy định về số bài báo ISI chủ biên (là tác giả đầu – first author).
Đây là điểm yếu chí tử làm cho chất lượng GS, PGS được phong là không đồng đều và phần lớn không đạt chuẩn quốc tế.
4. Về đào tạo: Quy định phải có hướng dẫn 2 thạc sĩ (cho chức danh PGS) hoặc 2 tiến sĩ (cho chức danh GS) cũng như phải có dạy đủ giờ chuẩn, đủ thâm niên giảng dạy là bất hợp lý và không theo thông lệ quốc tế.
Điều này hạn chế giới trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài về nước, có công bố quốc tế tốt nhưng không đủ hướng dẫn hay thâm niên đào tạo nhưng lại khuyến khích thành phần có năng lực khoa học chưa tốt – thành phần tốt nghiệp trong nước.
5. Trong thành phần GS, PGS được phong hàng năm có nhiều cán bộ khoa học giỏi, có công bố quốc tế tốt – đạt chuẩn quốc tế về học thuật nhất là trong lớp trẻ. Tuy nhiên, số này chưa nhiều và khuynh hướng này chưa trở thành dòng chảy chính (và cũng không được tạo điều kiện trở thành dòng chảy chính).
Riêng ngành Vật lý là ngành có công bố quốc tế tốt thì thành phần có khả năng chủ biên trong công bố lên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI tối đa cũng chỉ quanh tỷ lệ xấp xỉ 30%. Phần lớn các ngành khác tỷ lệ là thấp hơn rất nhiều.
Những điểm bất cập trên đã dẫn đến các hệ lụy. Thứ nhất là tổng số GS, PGS của Việt Nam hiện nay thuộc hàng nhiều nhất Đông Nam Á (nhiều gấp 3 lần số GS, PGS của Thái Lan) nhưng số công bố quốc tế hàng năm của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và thua xa 2 nước đứng trên nữa là Malaysia và Singapore.
Đội ngũ GS, PGS của ta tăng lên rất nhiều sau mỗi đợt phong hàng năm nhưng tiềm lực khoa học của quốc gia không tăng lên tương ứng (thể hiện qua công bố quốc tế). Điều này thể hiện rất rõ là chất lượng GS, PGS của ta rất thấp và không đạt chuẩn quốc tế.
Thứ hai, đội ngũ GS, PGS không chuẩn mực về mặt học thuật dẫn đến một nền khoa học và nền giáo dục không chất lượng và rối rắm.
Thứ ba, nền giáo dục và khoa học yếu dẫn đến một nền kinh tế yếu, chậm phát triển, một xã hội suy đồi về đạo đức và đang đứng trước nguy cơ mất nước.
Hai điều cần thay đổi
Trước hết phải thay đổi phương thức phong chức danh GS, PGS.
Không tổ chức HĐ Giáo sư cấp cơ sở. Không thể để HĐ khoa học là tập hợp các thành viên từ nhiều ngành khác nhau để xét hồ sơ thuộc lĩnh vực đôi khi không liên quan gì đến họ. Chính những người cùng lĩnh vực sẽ có đánh giá chính xác nhất và nhanh nhất về chất lượng khoa học của hồ sơ thuộc lĩnh vực của mình. Đó là những thành viên thuộc HĐ ngành.
Cần củng cố và nâng cao vai trò cũng như trách nhiệm của HĐ Giáo sư ngành. HĐ giáo sư ngành sẽ quyết định việc phong chức danh cho các ứng viên. Thành viên HĐ ngành phải là GS có công quốc tế tốt, HĐ nào thiếu thì mời các GS người Việt Nam đang ở nước ngoài tham gia.
Một HĐ ngành chỉ cần 11 - 13 thành viên và phần lớn là họp trực tuyến. Lý lịch khoa học chi tiết của ứng viên và kết quả xét duyệt đều công khai trên website.
Bất kỳ GS nào có công bố quốc tế tốt đều biết cách xét duyệt hồ sơ mà không cần phải có đợt tập huấn hàng năm như hiện nay.
Thành viên của HĐ Giáo sư ngành do giới khoa học trong cùng ngành bỏ phiếu online và chọn theo 2 tiêu chí: Số phiếu cao nhất chọn từ trên xuống và Có công bố quốc tế tốt. Nhiệm kỳ của HĐ ngành là 2 năm. Chủ tịch HĐ ngành do thành viên HĐ bầu trực tiếp. Cách làm tương tự như NAFOSTED.
Thu nhỏ thành phần và chức năng của HĐ chức danh Giáo sư nhà nước. Chỉ nên để thường trực HĐ chức danh Giáo sư nhà nước (gồm 5 thành viên: chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và 2 ủy viên). HĐ Giáo sư nhà nước chỉ đóng vai trò ra các quyết sách về phong chức danh và điều phối hoạt động của các HĐ Giáo sư ngành và không tham gia xét duyệt hồ sơ như hiện nay.
Không tổ chức buổi phát chứng nhận đạt chức danh cấp quốc gia như hiện nay - chứng nhận sẽ được gởi qua bưu điện.
Không chính trị hóa việc phong GS, PGS.Việc phong GS, PGS là việc thuần túy mang tính chuyên môn, để giới chuyên môn tự chịu trách nhiệm. Nếu tiến hành theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng của ứng viên được phong.
Thay đổi thứ hai cần thực hiện là thay đổi về các tiêu chí phong chức danh GS, PGS.
Cụ thể, ứng viên phải tốt nghiệp Tiến sĩ hay cao hơn thuộc lĩnh vực đăng ký chức danh.
Về công bố khoa học,chức danh PGS ít nhất phải có 5 bài báo ISI, trong đó phải là tác giả đầu (hay viết một mình) của ít nhất 3 bài ISI có impact factor (IF) ở mức cận trung bình trở lên trong lĩnh vực của mình. Riêng lĩnh vực Khoa học tự nhiên (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học) toàn bộ 5 bài báo phải thuộc tạp chí có IF ở mức trung bình trở lên và trong 3 bài chủ biên ít nhất phải có 01 bài thuộc tạp chí có IF cận nhóm top 10 tạp chí hàng đầu của lĩnh vực mà ứng viên nộp hồ sơ.
Chức danh GS có ít nhất 15 bài báo ISI, trong đó ít nhất phải là tác giả đầu (hay viết một mình) của 5 bài ISI có IF từ mức trung bình trở lên trong lĩnh vực khoa học của mình. Riêng lĩnh vực Khoa học tự nhiên (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học) toàn bộ 15 bài báo phải thuộc tạp chí có IF ở mức trung bình trở lên và trong 5 bài chủ biên ít nhất phải có 3 bài thuộc tạp chí có IF cận nhóm top 10 tạp chí hàng đầu của lĩnh vực mà ứng viên nộp hồ sơ.
Cần lưu ý rằng một ứng viên có khả năng nghiên cứu khoa học độc lập và công bố trên các tạp chí ISI như quy định trên thì tất nhiên họ đủ khả năng hướng dẫn nghiên cứu sinh hay học viên Cao học. Vì vậy, không cần kiểm tra tiếng Anh của họ và không cần quy định phải có hướng dẫn NCS hay học viên Cao học. Bên cạnh đó, họ hoàn toàn đủ khả năng viết sách và không cần quy định phải có sách.
Đây là mức chuẩn thấp nhất của chuẩn quốc tế có tính đến mặt bằng chung chưa cao của Việt Nam và còn nhiều lĩnh vực chưa có công bố quốc tế tốt như Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học chính trị, Khoa học quân sự ….
Công bố quốc tế phải có tính liên tục đến thời điểm nộp hồ sơ.
Về hoạt động giảng dạy: - Ứng viên chức danh PGS: đã tốt nghiệp TS ít nhất 3 năm và có tham gia giảng dạy bậc ĐH hoặc trên ĐH trong nước và ở nước ngoài kể cả những năm làm việc, giảng dạy ở nước ngoài. - Ứng viên chức danh GS: đã tốt nghiệp TS ít nhất 6 năm và có tham gia giảng dạy bậc ĐH hoặc trên ĐH trong nước và ở nước ngoài kể cả những năm làm việc, giảng dạy ở nước ngoài. |
GS.TS. Võ Văn Hoàng(Khoa Khoa học Ứng dụng, Trường ĐH Bách Khoa – ĐHQG TP.HCM)
Nguồn tin: