Thể thao

ĐT Việt Nam và bài học Indonesia

Ngoại trừ đội tuyển Indonesia (AFF Cup 2016) thì 6/7 đội có kết quả thuận lợi ở lượt đi đều có cơ hội giương cao Cúp vàng ở trận chung kết lượt về. Nếu quy luật đó một lần nữa lặp lại, thì đội tuyển Việt Nam sẽ lần thứ 2 vô địch giải đấu này.

Đến nay đã diễn ra 11 kỳ AFF Cup, trong đó kể từ AFF Cup 2004, AFF Cup có sự thay đổi lớn về thể thức thi đấu, khi vòng bán kết và chung kết đều thi đấu 2 lượt đi và về trên sân mỗi đội.

Ban đầu cũng không có luật bàn thắng sân khách sau 90 phút, nhưng có hiệp phụ. Kể từ năm 2010, luật bàn thắng sân khách chính thức có hiệu lực và đến giải đấu này luật bàn thắng sân khách áp dụng cả trong 2 hiệp phụ.

Người ta nói không hiểu sao cho đến giờ duy nhất đội bóng xứ vạn đảo từng có 5 lần lọt vào chung kết nhưng đều thất bại. Các đội bóng có kết quả thuận lợi ở lượt đi đều trở thành nhà vô địch AFF Cup, dù không phải đội nào khi về sân nhà cũng có được 3 điểm.

Phần lớn đều vô địch

Với kết quả hòa 2-2 giữa đội tuyển chủ nhà Malaysia và Việt Nam trên sân Bukit Jalil thì lần đầu tiên có trận chung kết lượt đi có tỷ số hòa, 7 trận đã diễn ra đều có cách biệt, thậm chí là 3 bàn.

Địa điểm đăng quang AFF Cup lần này đã sẵn sàng chờ đón thầy trò Park Hang-seo. Ảnh: VFF

Chung kết AFF Cup 2004, đội tuyển Singapore đã đánh bại Indonesia 3-1 ở trận lượt đi. Đến lượt về, đội bóng đảo quốc sư tử này đã tiếp tục thắng 2-1 để giành chức vô địch Đông Nam Á. Sau đó 3 năm, ở AFF Cup 2007, Singapore tiếp tục giành ưu thế ở trận lượt đi khi thắng Thái Lan 2-1 trên sân nhà. Ở trận lượt về tại Bangkok, Singapore thủ hòa chủ nhà Thái Lan với tỉ số 1-1 và bảo vệ thành công ngôi vô địch.

Tiếp đến AFF Cup 2008 với chức vô địch đầu tiên của tuyển Việt Nam. Ở trận lượt đi, tuyển Việt Nam dưới sự chỉ đạo của ông H.Calisto đã xuất sắc đánh bại Thái Lan với tỉ số 2-1 ngay tại Bangkok. Đến lượt về, bàn thắng muộn của Công Vinh giúp đội tuyển chúng ta cầm hòa Thái Lan 1-1 và lần đầu tiên lên ngôi vô địch với tổng tỉ số thắng 3-2.

Tại AFF Cup 2010, đến lượt người Malaysia lần đầu đăng quang. Tại sân nhà Bukit Jalil, đội tuyển Malaysia đã đè bẹp Indonesia với tỉ số 3-0 dù trước đó ở vòng bảng họ thua đậm 1-5. Đến lượt về, ghi bàn thắng trước nhưng họ bất ngờ để đội khách lội ngược dòng 1-2 nhưng rốt cuộc Malaysia vẫn vô địch với tổng tỉ số thắng 4-2.

Tại 2 kỳ AFF Cup 2012 và AFF Cup 2014, cả Singapore và Thái Lan lần lượt lên ngôi vô địch với những chiến thắng ở lượt đi, dù thất bại lượt về ngay trên sân nhà. Bại tướng của họ là Thái Lan (thắng 3-1 và thua 0-1) và Malaysia (thắng 2-0 và thua 2-3). Đó dường như là quy luật sân cỏ mà khó cắt nghĩa một cách chính xác.

Ngoại trừ Indonesia

Đội duy nhất đến thời điểm này không thể đăng quang cho dù thắng lượt đi là Indonesia ở AFF Cup 2016. Khi đó đội tuyển Indonesia do HLV Alfred Riedl dẫn dắt đã thắng Thái Lan 2-1 ở trận lượt đi, tưởng như chức vô địch đã nằm trong túi thì bất ngờ thua trắng 0-2 ở lượt về trên sân nhà.

Các cầu thủ Indonesia tại AFF Cup 2016. Ảnh: Internet

Đến giờ thì người Indonesia vẫn chưa thể lý giải được số phận có phần hẩm hiu của mình ở AFF Cup khi từng trắng tay 5 lần lọt vào chung kết. Sau sự kiện này, HLV Alfred Riedl cùng có vô khối lần hụt HCV khi làm việc tại Việt Nam đã được gọi là “ngài về nhì”.
Ngoài yếu tố chuyên môn, làm khách nhưng giành chiến thắng ngay trên sân đối phương thì yếu tố tâm lý cũng là nguyên nhân khiến các đội được đá chung kết lượt về trên sân nhà có thể đoạt cúp.

Với những thống kê lịch sử như vậy, có nghĩa thầy trò Park Hang-seo đang có nhiều cơ hội hơn đội tuyển Malaysia. Nhưng đáng lưu ý, đây là kỳ AFF Cup đầu tiên lượt đi chung kết có tỷ số hòa, nghĩa là cách biệt giữa 2 đội nhỏ nhất.

Vẫn cần cẩn trọng để tránh bài học Indonesia!

Tác giả: AT

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP