Kinh tế

Đột biến, thu lợi ngàn tỷ ở công ty của chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng

Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng tiếp tục ghi nhận một thế mạnh ngày càng được củng cố, bất chấp hoàn cảnh thị trường đã có nhiều thay đổi, không còn được như trước.

CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCSC (VCI) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2018. Theo đó, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng thu về hơn 1.015 tỷ đồng từ hoạt động môi giới, trong tổng cộng hơn 1.800 tỷ đồng doanh thu.

Số tiền thu về từ môi giới trong năm 2018 cao hơn gấp hơn 2 lần so với cả năm 2017.

Đây là một kết quả rất ấn tượng trong bối cảnh phần lớn thời gian trong năm 2018 thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, với thanh khoản tụt giảm và giá cổ phiếu đi xuống trên diện rộng.

Bất chấp thị trường chứng khoán có nhiều thay đổi, không còn như trước khi mà mọi thứ thuận lợi, thị trường sôi động, CTCP Chứng khoán Bản Việt đã có cú bứt phá ngoạn mục, ít công ty chứng khoán nào có thể theo kịp.

Kết quả kinh doanh của Chứng khoán Bản Việt.

Khoản tiền thu từ môi giới tăng vọt đã đóng góp rất nhiều vào tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp của bà Phượng. Tính cả trong năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Chứng khoán Bản Việt tăng gần 26%, từ mức 803 tỷ đồng năm 2017 lên 1.011 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh hơn 25%, từ mức 655 tỷ đồng năm trước lên 822 tỷ đồng trong năm 2018.

Riêng trong quý 4/2018, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng đã có cú 'lật thế cờ' vươn lên vị trí số 1 về thị phần môi giới. VCI của bà Nguyễn Thanh Phượng đã vượt qua Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng.

Cụ thể, Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng chiếm 17,04% thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong quý 4/2018, trong khi Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tụt giảm xuống dưới ngưỡng 15%. CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) ở vị trí số 3 với 9,52% thị phần.

Cú lật thế cờ của doanh nghiệp bà Nguyễn Thanh Phượng nhiều khả năng nhờ thương vụ CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang bán toàn bộ 110 triệu cổ phiếu quỹ cho Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc thu về 470 triệu USD. Trước đó, Chứng khoán Bản Việt được chỉ định làm đại lý thực hiện việc bán cổ phiếu quỹ MSN.

Nhờ thế mạnh môi giới và lợi nhuận tăng mạnh, trong năm 2018 VCSC đã chứng kiến cả tài sản và vốn chủ sở hữu tăng mạnh. Vốn chủ sở hữu của VCI tăng gần 21% lên hơn 3,6 ngàn tỷ đồng, trong khi tài sản gần 2% lên hơn 6,5 ngàn tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thanh Phượng.

Gần đây, Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng cũng đã có những quyết định quan trọng trong thời kỳ biến động. VCI vừa công bố thông tin về việc Hội đồng quản trị thông qua nghị quyết phát hành riêng lẻ huy động thêm 500 tỷ đồng trái phiếu sau khi thành công trong thương vụ bán 800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn tương tự cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước (hơn 620 tỷ đồng) và ngoài nước (gần 179 tỷ đồng).

VCI cũng đã thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức tối đa 100%; bán cổ phiếu ESOP với giá ưu đãi, chỉ bằng gần 1/3 thị giá trên sàn chứng khoán cho người lao động. VCI của bà Phượng cũng thưởng đậm, tỷ lệ 35% cho cổ đông (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận 35 cổ phiếu mới), qua đó, điều chỉnh vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng lên gần 1.620 tỷ đồng.

Chứng khoán Bản Việt là công ty chứng khoán đứng thứ 2 trên thị trường tính theo giá trị vốn hóa. Công ty do bà Nguyễn Thanh Phượng làm chủ tịch HĐQT. Chồng bà Phượng là Nguyễn Bảo Hoàng - thành viên HĐQT.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP