Trả lời phỏng vấn VTC News, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho rằng Hội nghị Trung ương 7 Khóa 12 sắp tới cần phải loại bỏ những cán bộ đảng viên không trong sạch.
Ông Hùng cũng kêu gọi các Ủy viên Trung ương hãy chung sức, đồng lòng nhằm phát hiện những người "chưa bị lộ".
- Công cuộc chống tham nhũng có tác động thế nào đến tư duy của những cán bộ đảng viên hiện nay - thời điểm chuẩn bị Hội nghị Trung ương 7, thưa ông?
Cuộc chiến chống tham nhũng vừa qua đã có những thắng lợi rất đáng khích lệ. Nhưng đó chỉ là bước đầu bởi những sai trái, biến chất của cán bộ đảng viên đã được phát hiện từ nghị quyết Trung ương 4 Khóa 12. Giờ mới cụ thể hóa, chỉ rõ những sai trái, biến chất của những cán bộ đảng viên đó.
Những kết quả đạt được trong công cuộc chỉnh đốn Đảng cho thấy những sai phạm, suy thoái, tự diễn biến của cán bộ, đảng viên đã chỉ ra tại hội nghị Trung ương Khóa 12 bắt đầu đi vào thực chất và “tìm đúng địa chỉ”.
Đây là những cá nhân cụ thể chứ không còn là chung chung. Tất nhiên, mỗi người có suy nghĩa khác nhau trong việc kỷ luật những cán bộ sai phạm, tôi thì cho rằng đây là việc làm kịp thời và nhân văn.
Việc kịp thời phát hiện, thậm chí xử lý không chỉ trừng phạt những người có sai phạm đứng trên pháp luật phá hoại kinh tế, phá hoại cơ quan, tổ chức, mà còn có răn đe những người có âm mưu nhưng chưa bị lộ không lấn sâu vào tội lỗi, biết dừng ở lại.
Có những cán bộ, đảng viên tội không hề nhẹ, vừa qua có người phải chịu mức án cao nhất là tử hình.
Có sung sướng gì khi hôm trước vừa gọi một người là đồng chí, hôm nay đã phải gọi là bị cáo, bị can, là tội phạm.
Nhưng chúng ta vẫn phải làm. Một đất nước không có thượng tôn pháp luật thì làm sao đất nước đó có thể phát triển văn minh được.
Thứ hai, đó là những người sắp sửa “nhúng chàm” hoặc là đã “nhúng chàm” rồi thì hãy coi đây là những bài học, hãy mau chóng tránh xa ra hoặc ăn năn hối lỗi, cúi đầu xin lỗi dân.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 đã nhận được những biểu hiện sai trái, thoái hóa biến chất trong nội bộ Đảng, trong cán bộ đảng viên, sau đó là xử lý từng nơi một.
Như vậy, Chính phủ ta đã nói đi đôi với làm. Đây là điều rất đáng khích lệ, rất đang hoan nghênh, tạo lòng tin cho mọi người, trong đó có tôi. Nhưng cũng phải nói, đây mới chỉ là bước đầu.
- Hội nghị Trung ương 7 khoá XII đang được dư luận quan tâm theo dõi khi tập trung một số vấn đề quan trọng, đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ...?
Tôi cho rằng Trung ương đã chuẩn bị rất bài bản cho Hội nghị Trung ương 7 Khóa 12 sắp tới. Trước đó đã có nhiều cuộc hội nghị, hội thảo nhằm phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của mọi người trong việc chuẩn bị hội nghị này.
Theo kinh nghiệm từ khi còn làm việc và theo quy trình mà tôi biết thì thời gian Hội nghị Trung ương 7 này diễn ra vào giữa nhiệm kỳ.
Diễn ra vào thời điểm giữa nhiệm kỳ nên theo thông lệ như tôi được biết thì hội nghị sẽ kiểm điểm những cái được và chưa được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua để rút kinh nghiệm cho nửa nhiệm kỳ còn lại, đặc biệt là chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng toàn quốc sắp tới.
Đây cũng là hội nghị mang tính “bản lề” rất quan trọng. Tôi mong trong hội nghị lần này, các đồng chí Ủy viên Trung ương hãy tỉnh táo, sáng suốt, làm hết trách nhiệm của mình.
Đồng chí nào "có vấn đề gì đó” thì hãy sớm tự giác báo cáo với Trung ương.
Mặt khác, vai trò của các Ủy viên Trung ương rất quan trọng vì các đồng chí là người biểu quyết các các nghị quyết của Trung ương, nên các đồng chí hãy lấy dân làm gốc, dựa vào dân, cùng dân chung sức đồng lòng, phát hiện những cán bộ “chưa bị lộ” để xử lý kịp thời.
- Trong hội nghị Trung ương 7 lần này, vấn đề nào được xem là quan trọng nhất, thưa ông?
Thứ nhất, vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người. Thực ra cái vấn đề này đã nói nhiều rồi. Nghị quyết Đảng cũng nêu rõ, vấn đề cơ bản chính là công tác cán bộ.
Bởi vì cán bộ nói đến ở đây chính là con người cụ thể, người được lựa chọn phải là những người có tâm có tầm, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân chứ không thể là những người mà khi có quyền hành một tí là chuyên quyền, lạm quyền, tiếm quyền và thu vén cá nhân là chết rồi.
Thậm chí, khi có tiền thì lại càng tham lam lôi kéo người khác cùng sai phạm, tạo thành nhóm lợi ích.
Thứ hai là vấn đề dân chủ, lắng nghe dân và phải lấy dân làm gốc. Không phải bây giờ mới nói lấy dân làm gốc, lắng nghe dân mà thực ra cái này nói từ lâu rồi, bắt đầu từ thời kỳ đổi mới đã nói.
Chính đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khi đó đã nói rất nhiều đến điều này. Nhưng bây giờ nói lấy dân làm gốc như thế nào, nghe dân như thế nào? Ai tổ chức nghe dân? Đó là những vấn đề cũng cần phải được giải quyết.
Tất nhiên ý kiến của dân thì mỗi người có mỗi quan điểm, nhận thức khác nhau, không phải ai cũng giống nhau, nhưng nếu đã là lắng nghe dân thì Đảng ta phải chọn lọc để nghe, biết, rồi từ đó kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn cán bộ đảng viên.
Thứ ba, tôi rất mong đợi ở hội nghị này sẽ có các quyết sách cụ thể tiếp tục rà soát lại từng cán bộ đảng viên để xem ai trong sạch và không trong sạch. Phải dùng những người trong sạch để loại bỏ những người không trong sạch.
Những ai mà cảm thấy mình không đủ tư cách đạo đức, năng lực, đã “nhúng chàm” thì cho nghỉ việc hoặc cho chuyến sang làm công việc khác. Những người nào mà vi phạm thì phải xử lý. Đây là những việc rất quan trọng và cấp bách, đó là trách nhiệm lớn lao đặt lên hội nghị lần này.
Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng bây giờ bắt tay vào làm thì không hề dễ dàng. Nên tôi mong muốn các Ủy viên Trung ương hãy đồng lòng, đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. Chứ không thể người này một ý, người kia một ý được.
Vì vai trò của các Ủy viên Trung ương rất quan trọng nên các đồng chí hãy đoàn kết, thống nhất để có những quan điểm rõ ràng trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay.
- Khi lựa chọn cán bộ hiện nay cần phải chú ý những điểm gì, thưa ông?
Dân tộc ta có một truyền thống lịch sử rất lâu đời, nó khác với các dân tộc khác. Người xưa cũng từng răn dạy rất nhiều về điều này.
Tôi lấy ví dụ ngày xưa các cụ có câu là “nén bạc đâm toạc tờ giấy” hay “tiền là tiên là phật,...”, đó là những câu châm biếm rất sâu cay để lên án những hành vi như vậy là không đúng.
Tôi nhớ những gia đình ngày xưa gọi là có cốt cách thì đều rất chú ý đến giáo dục về đạo đức, về lòng trung hiếu, lễ nghĩa.
Thời phong kiến, những tiêu chuẩn để chọn tướng tài, người tài đức cũng rất khắt khe.
Đức Thánh Trần nêu ra 8 điểm với lời lẽ rất cụ thể, dung dị nhưng bao quát được mọi vấn đề của cái đạo làm tướng mà hôm nay chúng ta có thể học để chọn người làm quan chức đó là: "Hỏi bằng lời nói xem trả lời có rõ ràng không; Gạn cũng bằng lời lẽ xem có biến hóa không; Cho gián điệp thử để xem có trung thành không; Hỏi rõ ràng tường tận xem đức hạnh thế nào; Lấy của để mà thử xem có thanh liêm không; Lấy sắc đẹp mà thử xem có đứng đắn không; Lấy việc khó khăn mà thử xem có dũng cảm không; Cho uống rượu say mà thử xem có giữ được thái độ không".
Sau khi người được tiến cử đã qua thử thách, có nhận xét của người có trách nhiệm và dân chúng, khi họp triều đình, Trần Hưng Đạo cho lấy ý kiến của các quan lại, nếu được đồng tình thì mới ra quyết định.
Cách chọn tuy cũng còn hạn chế, song điều này cho thấy, ngay từ thời phong kiến, khi lựa chọn người tài đã có tiêu chuẩn cả đức tài, phong cách và lối sống ít nhiều có phần dân chủ. Ngay từ xưa, ông cha ta đã dạy cách lựa chọn người tài và đề ra tiêu chuẩn cụ thể như thế.
Chúng ta vừa kỷ niệm 43 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Đã là người Việt Nam, có ai không hiểu được cuộc sống hòa bình của chúng ta ngày hôm nay thấm đẫm máu và nước mắt, nó được đổi bằng máu xương của bao thế hệ đi trước.
Những cán bộ đảng viên đã "nhúng chàm" hay đang có mưu đồ cá nhân hãy soi lại bản thân và tự đặt câu hỏi tại sao lại hành động như một kẻ vô trách nhiệm với đất nước, phản bội máu xương những người đã đổ xuống cho độc lập tự do, phản bội lại lý tưởng cao đẹp, phản bội lại sự tin tưởng của nhân dân?
Tôi mong rằng chúng ta, với tư cách là những người dân hãy đoàn kết, ủng hộ, đồng lòng với trung ương, tiếp tục giúp Trung ương phát hiện những cán bộ, đảng viên sai phạm nhưng "chưa bị lộ".
Như vậy cũng chính là đang giúp họ tỉnh táo lại, không đánh mất mình, quay lại xin lỗi nhân dân, sửa chữa những sai phạm, cũng như xin thôi chức,...
Có như vậy xã hội mới yên ổn, phát triển văn minh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Tác giả: LƯU THUỶ
Nguồn tin: Báo VTC News