Trên bàn giấy, người ta tìm thấy một bức thư giã từ, bên cạnh giường ngủ một lọ thuốc an thần, trên bàn tay của cô một điếu thuốc lá còn chưa được châm lửa.
Cũng như nhiều diễn viên điện ảnh lìa đời quá sớm, khi họ còn đang ở trên đỉnh cao danh vọng, tên tuổi của Romy Schneider vì thế mà càng khoác thêm hào quang của huyền thoại.
Với một sự nghiệp trải dài trên ba thập niên, từ năm 1953 đến 1982, Romy Schneider đã đóng trên hơn 60 bộ phim với các đạo diễn lẫy lừng như Orson Welles, Terence Young, Joseph Losey, Luchino Visconti, Bertrand Tavernier, René Clément, Andrzej Żuławski, Claude Chabrol, Costa Gavras …
Sinh thời, cô đã đoạt 15 giải thưởng quốc tế trong đó có hai giải César của Pháp, 3 giải Bambi của Đức, 2 giải của làng điện ảnh Ý và 3 giải thành tựu sự nghiệp.
Nhiều bộ phim truyện, các tập ảnh chụp, các quyển tiểu sử về ngôi sao này được phát hành tái bản. Cho đến cuối tháng hai năm 2012, một cuộc triển lãm nhìn lại toàn bộ sự nghiệp của Romy Schneider được tổ chức tại trung tâm Espace Landowski ở vùng ngoại ô Paris.
Tài nhập vai xuất thần
Theo lời nữ diễn viên kiêm đạo diễn Julie Gayet, thì Romy Schneider nhờ vào cái tài nhập vai xuất thần của mình đã để lại dấu ấn sâu đậm trong điện ảnh. Romy cũng đã có một tầm ảnh hưởng lớn đối với giới diễn viên sinh ra vào cuối những năm 1970. Diễn viên Julie Gayet đã từng đoạt giải thưởng điện ảnh Pháp mang tên của Romy Schneider vào năm 1997 nhờ bộ phim Select Hotel.
“Romy Schneider tràn đầy sinh lực, cảm xúc mỗi lần cô xuất hiện trên màn ảnh lớn. Romy nhập vai một cách rất tự nhiên, diễn xuất theo bản năng đầy nét tinh tế và nhạy cảm. Cô sống với nhân vật trong từng hơi thở, cho nên người xem không có cái cảm tưởng là dàn dựng đóng kịch, mà tình huống và nhân vật lại rất giống với đời thường.
Nơi Romy, khán giả cảm nhận được sự mong manh do những vết gẫy trong tâm hồn, nhưng đồng thời từ cái nét mong manh dễ vỡ ấy lại toát lên một sức mạnh kỳ lạ, một khối cảm xúc nguyên vẹn đầy đặn.
Đối với các diễn viên thuộc thế hệ đi sau, Romy Schneider được xem như là một khuôn mẫu mà giới trong nghề cần noi theo để học hỏi. Romy Schneider cũng là một nhân vật đầy huyền thoại, đầy ma lực quyến rũ mà không ai giải thích nổi”, diễn viên Julie Gayet nhận xét.
Tuy là người Áo mang quốc tịch Đức, nhưng Romy Schneider trong lòng người mến mộ, lại có một tâm hồn Pháp nhiều hơn là các diễn viên khác. Điều đó phần lớn cũng vì trong giai đoạn thứ nhì của sự nghiệp, Romy chủ yếu đóng phim tình cảm tâm lý, gắn liền với dòng mạch làm phim hiện thực xã hội của Pháp. Nhà sản xuất Tristan Duval, thuộc ban tổ chức cuộc triển lãm về Romy Schneider hồi năm 2012, nhận xét:
“Romy Schneider đã biết thay đổi hình ảnh phong cách trong thời kỳ sang Pháp lập nghiệp. Thời cô rời nước Đức sang Paris, cô mới tròn 20 tuổi. Đây là một giai đoạn khó khăn, vì trước hết Romy không hề biết nói tiếng Pháp. Điều đó buộc cô phải học cấp tốc ngoại ngữ. Mãi đến hơn hai năm sau, Romy mới đóng phim nói tiếng Pháp đầu tiên (bộ phim Plein Soleil của René Clément 1960). Có hai nguyên nhân giải thích cho việc Romy Schneider quyết định sang Pháp.
Trước hết là vì cô muốn được sống gần với nam tài tử Alain Delon. Nhưng quan trọng hơn nữa là vì cô muốn “đoạn tuyệt” với gia đình. Romy vào nghề đóng phim vào năm 14 tuổi nhờ vào sự dìu dắt của thân mẫu.
Tuy nổi danh từ năm 16 tuổi nhờ loạt phim truyện 3 tập kể lại cuộc đời của nữ hoàng Sissi, nhưng Romy cảm thấy bị gò bó trong cuộc sống gia đình với mẹ và người dượng ghẻ. Romy muốn được một cuộc sống tự lập, tự mình chọn lựa các vai diễn hay những dự án phim mà cô muốn quay.
Chính cũng vì thế mà Romy đã từ chối đóng tập 4 của bộ phim Sissi, cho dù các nhà sản xuất đã đề nghị một hợp đồng kếch sù với trị giá một triệu đồng tiền Đức (markt), tức là mức thù lao cao nhất thời bấy giờ dành cho một nữ diễn viên mới ngoài 20 tuổi.
Từ giữa những năm 1960 trở đi, Romy đoạn tuyệt hẳn với thể loại phim lịch sử cổ trang và thiên về phim tâm lý xã hội”.
Phim giả, tình thật
Nói về Romy Schneider thì khó thể nào mà không nhắc tới thần tượng điện ảnh Alain Delon. Sở dĩ nữ diễn viên người Áo mang quốc tịch Đức quyết định sang Pháp là vì cô đi theo tiếng gọi của con tim.
Cuộc triển lãm hồi năm 2012 dành hẳn một phòng trưng bày để nói về mối tình đầy sóng gió giữa hai ngôi sao màn bạc Romy Schneider và Alain Delon. Bà Sylviane Pummer, chủ tịch Hiệp hội những người bạn của Romy, chuyên sưu tầm tranh ảnh về thần tượng này cho biết :
“Romy Schneider gặp Alain Delon vào năm 1958 khi hai người đóng chung bộ phim Christine (LTS : phiên bản sau của tác phẩm Liebelei của đạo diễn Max Ophüls, phóng tác từ vở kịch của Arthur Schnitzler).
Vào thời đó, Romy Schneider đã là một ngôi sao sáng trên vòm trời điện ảnh châu Âu, trong khi Alain Delon chỉ mới khởi đầu sự nghiệp đóng phim. Do bộ phim Christine là một dự án hợp tác giữa Pháp với Đức, cho nên vai nữ chính về tay Romy, còn vai nam thì phải được trao cho một diễn viên Pháp.
Romy Schneider là người có toàn quyền quyết định trong việc chọn nam diễn viên để đóng phim với cô. Lần đầu tiên, cô nhìn thấy chân dung của Alain Delon là qua catalogue ảnh chụp, mãi đến nhiều tháng sau hai người mới thật sự gặp mặt nhau, nhưng Romy không thích cái tánh tình ngạo mạn, háo thắng và rất đào hoa của Alain Delon.
Đến khi bộ phim được quay thì lúc đó Romy mới thật lòng yêu Alain Delon, xem anh như là người bạn đời. Chính cũng vì thế mà Romy rời Đức sang Paris để sống trọn mối tình say đắm.
Đầu năm 1959, hai người chính thức tuyên bố đính hôn. Nhưng rốt cuộc, cặp tình nhân này lại không thành đôi, hôn nhân sẽ chẳng bao giờ đến.
Vào năm 1964, Alain Delon gửi cho Romy một bức thư đoạn tuyệt dài 15 trang. Mối tình giữa hai ngôi sao màn bạc đột ngột khép lại sau hơn 5 năm đầy sóng gió. Dù vậy trong tiềm thức của công chúng, câu chuyện tình này đã đi vào lòng người mến mộ, Romy Schneider và Alain Delon thường được xem như là một trong 10 cặp tình nhân huyền thoại nhất của làng điện ảnh quốc tế”.
Từ năm 1968 trở đi, tức là sau khi thành công vang dội nhờ bộ phim La Piscine (Hồ bơi) của đạo diễn Jacques Deray, Romy Schneider thật sự trở thành một trong những diễn viên hàng đầu của Pháp, đoạt được hai giải César. Theo lời nhà phê bình điện ảnh Jean Pierre Lavoignat, trong số các đạo diễn Pháp, Claude Sautet là người xem Romy Schneider như một nguồn cảm hứng bất tận.
“Nếu không có Romy Schneider thì có lẽ là các bộ phim của đạo diễn Claude Sautet sẽ khó mà đạt được nhiều cảm xúc với chiều sâu đến như vậy. Hai người đã làm việc với nhau trong 5 bộ phim: Đa số đều thành công về mặt thương mại, chinh phục khán giả lẫn giới phê bình.
Romy Schneider đem lại cho các bộ phim của đạo diễn Sautet một nét hiện thực khác thường, không thể lý giải bằng trí óc mà chỉ có thể hiểu được bằng trái tim. Lối diễn xuất của Romy Schneider nhập tâm và hớp hồn đến nổi, những khán giả nào chưa từng trải qua hoàn cảnh tương tự vẫn cảm nhận được nỗi đớn đau của nhân vật trước những nghịch lý cuộc đời.
Còn người đã từng trải thì bắt gặp ngay hoàn cảnh của chính mình khi đi xem phim. Họ có cảm tưởng là Romy Schneider nói dùm cho họ, sống thay cho họ. Ngược lại, nếu không có cái tài đạo diễn của Sautet, thì Romy Schneider sẽ khó mà có được những vai diễn để đời, xứng đáng với tầm cỡ của cô.
Góc nhìn của nhà đạo diễn cũng như cách đặt ống kính quay phim giúp cho khuôn mặt của Romy Schneider thăng hoa cảm xúc. Có thể nói là ống kính của đạo diễn Claude Sautet là chất xúc tác làm hiện lên cái thần của Romy Schneider trên màn ảnh lớn”.
Kết cục không có hậu
Tuy rất thành công về mặt sự nghiệp, nhưng về mặt đời sống riêng tư, thì Romy Schneider lại gặp phải lắm điều bất hạnh: Cô có tất cả là ba đứa con, hai trai một gái nhưng hai đứa con trai đều qua đời vì tai nạn. Hơn một năm sau khi bị Alain Delon phản bội, Romy lập gia đình vào tháng 7/1965, rồi sinh con với đạo diễn người Đức Harry Meyen.
Nhưng hôn nhân giữa hai người gặp đổ vỡ. Đạo diễn Harry Meyen chấp nhận ly dị vào năm 1972 nhưng lại đòi một phân nửa tài sản của Romy để cho cô được toàn quyền nuôi con. Rủi thay, vào đầu năm 1976, đứa con trai út của Romy lại qua đời trong một tai nạn xe hơi, người chồng thứ nhì của Romy là Daniel Biasini bị thương nặng. Đạo diễn Harry Meyen thì lại tự kết liễu cuộc đời vào năm 1979.
Trước những tai biến đời tư, Romy Schneider vùi đầu vào công việc và tìm cách quên lãng với thuốc an thần, nhưng thành công sự nghiệp vẫn không bù đắp được cho những thiệt thòi mất mát.
Từ đó trở đi, cô bị chứng trầm cảm, chứng nghiện rượu càng làm cho sức khỏe của Romy ngày càng thêm suy yếu. Họa vô đơn chí, vào năm 1981, đứa con trai đầu lòng của Romy tên là David lại gặp tai nạn.
David lúc đó mới 14 tuổi, khi lên thăm gia đình phía nội thì lại thấy cổng nhà khoá kín, cậu thiếu niên mới trèo tường để vào bên trong. Nhưng David lại sẩy chân té nhào vào cọc sắt hàng rào. Tuy được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng cậu thiếu niên không sống nổi qua đêm vì vết thương quá nặng.
Khi hay được hung tin, Romy đột qụy ngất xỉu. Nhưng sau đó, cô lại phải đối đầu với sự dòm ngó của dàn phóng viên nhiếp ảnh, chuyên săn tin giật gân. Trong một bài phỏng vấn truyền hình, Romy thuật lại là các tay chụp ảnh paparazzi lúc nào cũng rình rập trước cổng nhà, thậm chí một số nhà nhiếp ảnh báo chí còn giả dạng thành bác sĩ y tá để có thể chụp lén thi hài đứa con ruột của Romy.
Tất cả những nỗi bất hạnh dồn dập đó càng khiến cho Romy không còn tha thiết với cuộc sống. Đau buồn trước cái chết của hai đứa con trai, Romy rời Pháp sang đảo Seychelles một thời gian. Cô chỉ trở về Pháp để hoàn tất bộ phim cuối cùng “La Passante du Sans-souci”, để rồi sau đó vĩnh viễn ra đi.
Nhìn lại cuộc đời của Romy Schneider, công chúng không khỏi thương xót ngậm ngùi. Một trong những khuôn mặt đẹp nhất nghệ thuật thứ 7 với nụ cười say đắm trìu mến. Một cặp mắt ngời sáng long lanh, nhưng cũng thoáng buồn thật nhanh. Một sự nghiệp thành công hiếm thấy, đăng quang từ những bước đầu.
Cuộc đời của Romy Schneider nhìn từ góc độ nào cũng y hệt như nhân vật tiểu thuyết. Chỉ có điều là cốt truyện hay kịch bản phim lại không kết thúc có hậu. Đằng sau tột đỉnh danh vọng lại núp bóng vực thẳm thương đau. Nhưng cũng từ sự chênh lệch tột cùng ấy, mới nảy sinh sắc màu huyền thoại.
Tác giả bài viết: Tuấn Thảo